Tính chất và đặc điểm của phật giáo Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp
Thực tế cho thấy, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành
cùng dân tộc. Khi Tổ quốc lâm nguy, nhiều Tăng ni, Phật tử sẵn
sàng “cởi cà sa, khoác chiến bào” chống ngoại xâm, bảo vệ đất
nước. Bài viết này góp phần làm rõ tính chất và đặc điểm của Phật
giáo Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954)
thông qua những hoạt động yêu nước, trực tiếp hay gián tiếp, của
giới Tăng ni, Phật tử Việt Nam.
Bạn đang xem tài liệu "Tính chất và đặc điểm của phật giáo Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Tính chất và đặc điểm của phật giáo Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp
Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 – 2014 77 NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG* TÍNH CHẤT VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP Tóm tắt: Thực tế cho thấy, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc. Khi Tổ quốc lâm nguy, nhiều Tăng ni, Phật tử sẵn sàng “cởi cà sa, khoác chiến bào” chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Bài viết này góp phần làm rõ tính chất và đặc điểm của Phật giáo Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) thông qua những hoạt động yêu nước, trực tiếp hay gián tiếp, của giới Tăng ni, Phật tử Việt Nam. Từ khóa: Cứu quốc, chống Pháp, Hội Phật giáo, Hội Tăng già, kháng chiến, Phật giáo, Việt Nam. 1. Dẫn nhập Ngày 23/9/1945, Thực dân Pháp núp bóng quân đội Anh nổ súng đánh úp Sài Gòn mưu toan đặt ách thống trị lên đất nước ta một lần nữa. Không cam chịu làm nô lệ, tập họp dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, toàn thể Tăng ni, Phật tử Nam Bộ cùng nhân dân Miền Nam đứng lên chiến đấu chống ngoại xâm. Trước sự gây hấn ngày một gia tăng của quân Pháp, tối ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Hưởng ứng lời hiệu triệu của Hồ Chủ tịch, Tăng ni, Phật tử Việt Nam cùng đồng bào cả nước tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Trong công cuộc kháng chiến đó, Phật giáo Việt Nam có những đóng góp to lớn mà lịch sử dân tộc Việt Nam thời kỳ này không thể không ghi nhận. 2. Tính chất của Phật giáo Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp 2.1. Tính chất dân tộc Trong kháng chiến chống Pháp, Phật giáo Việt Nam đã thành lập Hội Tăng già Cứu quốc, Hội Phật giáo Cứu quốc các cấp để quy tụ, vận động Tăng ni, Phật tử tham gia cách mạng, ủng hộ kháng chiến. * Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. 78 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014 78 Tại Bắc Bộ, Hội Phật giáo Cứu quốc, dưới sự lãnh đạo của các cao tăng như Phạm Thế Long, Thích Tâm An, Thích Thanh Chân, đã tiến hành nhiều hoạt động hướng về Nam Bộ như gửi thư động viên tinh thần chiến đấu, quyên tiền ủng hộ đoàn quân Nam tiến, ủng hộ Quỹ Kháng chiến Nam Bộ, tổ chức truy điệu chiến sĩ trận vong Nam Bộ, hiến máu nhân đạo hướng về Nam Bộ. Bên cạnh đó, vì sự sống còn của Tổ quốc, vì an vui của chúng sinh, nhiều nhà sư còn “cởi cà sa, khoác chiến bào”, trực tiếp tham gia chống ngoại xâm. Ở vùng tạm chiếm, ngày 27/2/1947, Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Nam Định cùng chính quyền địa phương làm lễ phát nguyện cho 27 nhà sư thành 27 vệ quốc quân tại trụ sở của Hội tại chùa Cổ Lễ. 12 nhà sư trong số đó như Thích Thanh Tịnh, Thích Chân Tâm, Thích Đức Hiền, Thích Đàm Hồng, Thích Thiện Nhân, đã lẫm liệt hy sinh mà đến nay vẫn chưa biết chính xác thế danh của họ. Ở Ninh Bình, trong hàng ngũ đông đảo tự vệ xung phong của thị xã Ninh Bình và huyện Gia Khánh, có tới 60 sư ni làm công tác tiếp tế, tuần tra, sau đó phần lớn trở thành cứu thương của các đơn vị bộ đội chiến đấu hoặc hộ lý trong các trạm quân y. Ở Hải Dương, Thượng tọa Thích Minh Luân đã động viên Tăng ni, Phật tử tham gia kháng chiến, trong đó có hai đệ tử là Thích Tâm Huy và Thích Tâm Quang lên đường tòng quân cứu nước, một vị đã hy sinh. Ở vùng tự do, khi kháng chiến chuyển sang giai đoạn ác liệt, cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha đã động viên các đệ tử của mình như Trần Việt Quang, Trần Thanh Tuấn, Nguyễn Quý Tán xung phong tòng quân, tham gia dân công hỏa tuyến hoặc tham gia các đoàn thể kháng chiến. Nhiều vị đã lập chiến công, một số vị hi sinh anh dũng như Trần Thanh Tuấn, Hà Văn Dưỡng, v.v1 Tại Huế, các cao tăng Thích Trí Thủ, Thích Mật Thể và nhiều nhà sư khác gia nhập Mặt trận Việt Minh. Hội Phật giáo Cứu quốc các cấp được thành lập ở nhiều tỉnh thành Miền Trung. Tại Liên khu 5, nơi cư sĩ Lê Đình Thám làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ, tăng sĩ và cư sĩ hoạt động mạnh mẽ trong Hội Phật giáo Cứu quốc các cấp. Các tăng sĩ trẻ như Thích Tâm Hoàn, Thích Kế Châu, Thích Huyền Quang, v.v được sự cộng tác đắc lực của một số đoàn viên Đoàn Phật học Đức dục (tiền thân của Gia đình Phật tử) đã gây được những sắc thái đặc biệt cho hoạt động của tổ chức Phật giáo trên địa bàn. Theo Nguyễn Lang, trong gia đoạn 1947 - 1954, có trên 400 thanh niên Nguyễn Đại Đồng. Tính chất và đặc điểm 79 79 tăng ni đã hy sinh: Thích Minh Tâm (Nguyễn Quang Lý), chính trị viên Trung đoàn Trần Cao Vân gục ngã tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên; Thích Tánh Huyền (Nguyễn Văn Hàm), Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính khu phố 7, thành phố Huế, ngã xuống sau lưng chùa Tường Vân; Thích Trí Nghiêm hy sinh ở mặt trận Quảng Trị, Thích Viên Minh hy sinh tại mặt trận Phan Thiết2. Tại Nam Bộ, độc lập chưa đầy một tháng, thực dân Pháp trở lại xâm lược, các vị cao tăng như Thích Minh Nguyệt, Thích Pháp Dõng, Thích Trung Nghĩa, Thích Thiện Hào, Thích Thiện Hoa đã hăng hái lãnh đạo phong trào cứu quốc, thành viên tích cực của Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt. Năm 1947, Hội Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ được thành lập tại Đồng Tháp Mười do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt làm Hội trưởng. Ban Chấp hành Hội có đại biểu Phật giáo của 21 tỉnh thành, trong đó có các cao tăng như Thích Huệ Thành, Thích Bửu Ý, Thích Pháp Dõng, Thích Trí Lăng, Thích Thiệt Lý, v.v3 Hòa thượng Thích Pháp Tràng (1898 - 1984) quê ở Tiền Giang tham gia hoạt động cách mạng bí mật từ 1939. Năm 1947, Hòa thượng được cử làm Hội trưởng Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Mỹ Tho, hoạt động liên tục từ đó đến năm 1954, đoàn kết được nhiều Tăng ni và Phật tử trong tỉnh tham gia ủng hộ kháng chiến. Năm 1952, Hòa thượng bị giặc bắt, cầm tù tại Mỹ Tho cho đến 1954 mới được thả4. Hòa thượng Danh Hâu (1910 - 1975) trụ trì chùa Khoen Tà Tưng là đại biểu Việt Minh huyện Châu Thành. Trong giai đoạn 1947 - 1954, Hòa thượng đã vận động Phật tử Nam tông Khmer đóng góp của cải, vật chất góp phần cùng đồng bào tham gia kháng chiến chống Pháp. Hòa thượng đã nhiều lần tổ chức cho sư sãi ra thị xã mua thuốc men, vải vóc, lương thực để cung cấp cho bộ đội kháng chiến5. Nhiều tăng sĩ và cư sĩ đã chiến đấu gan dạ và anh dũng hy sinh trong lao tù hay ngoài chiến trường như: Hòa thượng Thích Pháp Hoa, chùa Thiện Trường ở Gò Công, hy sinh năm 1949; Hòa thượng Thích Trí Quang, Hội trưởng Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Gia Định hy sinh tại mặt trận An Phú Đông, v.v6 Nhiều ngôi chùa trong cả nước trở thành cơ sở cách mạng, dự trữ quân lương, nuôi giấu cán bộ. Các chùa Quảng Bá, Linh Quang, Sùng Giáo, ở Hà Nội; các chùa Trại Sơn, Trúc Động, ở Hải Phòng; các chùa Ninh 80 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014 80 Cường, Cổ Lễ, Vọng Cung, ở Nam Định là nơi cán bộ qua lại hoạt động nội thành, là trụ sở của chính quyền kháng chiến, nơi nuôi giấu cán bộ. Ở Hà Đông, chùa Diên Phúc (Hoài Đức) là địa điểm hoạt động bí mật thuận lợi của chính quyền kháng chiến địa phương; Chùa Bay ở Ứng Hòa là trạm gác quan trọng của du kích vùng khu Cháy. Tại Ninh Bình, chùa Hoa Sơn là nơi đặt sở chỉ huy hai chiến dịch Quang Trung và Tây Nam Ninh Bình, là nơi làm việc của Tỉnh ủy Ninh Bình. Chùa Bích Động là nơi đặt công binh xưởng chế tạo vũ khí đánh giặc. Chùa Diều ở tỉnh Hưng Yên đào một hầm bí mật lớn có thể chứa hàng chục người. Năm 1953, bộ đội từ ngôi chùa này bất thần xuất kích bắn cháy hai xe vận tải quân sự, bắt sống quan hai Pháp Gromba và tóm gọn một trung đội của địch. Về sau, quân Pháp trả thù bằng cách thiêu cháy toàn bộ ngôi chùa chỉ còn tháp mộ nhà sư7. Tại huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, chùa Châu Quang ở xã Tịnh Bình được Việt Minh sử dụng làm kho muối để tiếp tế lên Tây Nguyên, Liên khu 5 và mở lớp dạy học cho thiếu nhi. Chùa Long Quang ở xã Tịnh Sơn được sử dụng làm kho thóc nuôi quân và là nơi hội họp của nhân dân. Chùa Thiên Sanh, còn gọi là Chùa Hang, nằm sâu trong hang đá trên núi Phú Thọ, huyện Tư Nghĩa, trở thành nơi trú quân an toàn của bộ đội Vệ quốc đoàn8. Chùa Phước Long ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An do Hòa thượng Thích Huệ Quang trụ trì giai đoạn 1945 - 1951 là cơ sở bảo vệ cán bộ cách mạng. Nhiều trận đánh địch diễn ra quanh vùng được chuẩn bị và xuất phát từ ngôi chùa này. Từ 1951 đến năm 1954, khi Hòa thượng Thích Huệ Quang chuyển qua trụ trì chùa Phước Lâm, xã Tân Lân cùng huyện, một lần nữa, ngôi chùa này trở thành cơ sở giao liên, tiếp tế vũ khí cho kháng chiến. Tại Cần Thơ, các chùa Giác Quang, Thiên Quang ở quận Ninh Kiều là cơ sở vững chắc của cán bộ hoạt động nội thành. Hòa thượng Thích Thiện Tòng, trụ trì chùa Trường Thạnh, đã tập hợp đông đảo Tăng ni và Phật tử chống Pháp giữa lòng Sài Gòn. Chùa là nơi hội họp, trú ngụ an toàn cho cán bộ hoạt động nội thành Sài Gòn, là nguồn cung cấp tài chính thường xuyên cho cách mạng9. Hưởng ứng lời kêu gọi tiêu thổ kháng chiến của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hội Phật giáo Việt Nam đã hủy máy in của Nhà in Đuốc Tuệ và nhiều cơ sở vật chất khác của Hội để ủng hộ cách mạng, Nguyễn Đại Đồng. Tính chất và đặc điểm 81 81 kháng Pháp. Nhiều ngôi chùa ở Bắc Bộ đã tự tháo dỡ nhằm ngăn bước tiến quân thù. Trước yêu cầu sản xuất vũ khí, đạn dược phục vụ kháng chiến, các chùa Khánh Long, Văn Bân ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi đã ủng hộ nhiều chuông, khánh và tự khí bằng đồng. Các chùa ở tỉnh Mỹ Tho đã hiến cho binh công xưởng 64 quả chuông. Các chùa ở tỉnh Sa Đéc hiến trên hai tấn đồ đồng. Các chùa ở tỉnh Thủ Dầu Một đã tặng một số quả chuông. Tại tỉnh Biên Hòa, nhiều chùa, tiêu biểu như chùa Phước Nhĩ, xã Phước Thiền, huyện Long Thành, đã ủng hộ lư hương, chân đèn, chuông đồng cho cách mạng để đúc vũ khí. Ngoài hoạt động trực tiếp, đông đảo Tăng ni và Phật tử còn tham gia kháng chiến một cách gián tiếp. Tiêu biểu là hoạt động của các nhà sư trong vùng tạm chiếm, mà Thượng tọa Tố Liên là một điển hình. Năm 1947, khi tái chiếm Hà Nội, quân Pháp triệu tập Thượng tọa và chất vấn. Thượng tọa đã bình thản trả lời các câu hỏi của tên quan ba Pháp. Nhiều lần xử cứng rắn không được, địch lấy danh lợi ra dụ, song Thượng tọa thẳng thắn bác bỏ: “Tôi ở lại không tản cư là vì đạo nghĩa chứ không vì danh lợi, phàm việc gì có thể bị mang tiếng là Việt gian thì tôi không thể làm”. Thượng tọa cũng có nhiều hoạt động tham gia kháng chiến. Chẳng hạn, khi nhà sư Thiết và nhà sư Đán bị bắt giam ở Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội, Thượng tọa đã liên lạc với người cai ngục, xin cho tiếp tế áo quần và tiền bạc, lại khuyên người làm ngơ để họ trốn thoát10. Tất cả hoạt động trực tiếp hay gián tiếp của Tăng ni, Phật tử Việt Nam ở vùng tự do hay vùng tạm chiếm đều hướng về mục tiêu chống Pháp, giành độc lập cho Tổ quốc. Phật giáo Việt Nam đã “âm thầm giữ gìn đạo mạch trong cơn binh lửa và ủng hộ Chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh”11. 2.2. Tính chất dân chủ Từ ngày 7/10 đến ngày 20/12/1947, quân ta đánh bại cuộc hành quân của Pháp lên Việt Bắc. Thực dân Pháp phải chuyển từ chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” sang chiến lược “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Chúng tiến hành nhiều hoạt động chia rẽ các tộc người, các tôn giáo nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân. Chẳng hạn, chúng xúi giục một số thành phần phản động phá chùa chiền, phá chay đàn, gây thù oán giữa Phật giáo và Công giáo, xúc phạm đến tự 82 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014 82 do tôn giáo. Ngoài ra, quân Pháp còn trực tiếp bắn phá chùa chiền, tượng Phật, bắt giết Tăng ni và Phật tử. Trước những âm mưu, hành động của thực dân Pháp và chính quyền Bảo Đại nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Phật giáo, giới Phật giáo Việt Nam đã đứng lên đấu tranh cho quyền lợi dân chủ của mình. Nhiều tổ chức Phật giáo lần lượt ra đời ở từng vùng miền như Hội Phật giáo Việt Nam, Hội Phật tử Việt Nam (1949), Hội Tăng già Bắc Việt (1950), Ban Hướng dẫn Gia đình Phật hóa phổ Bắc Việt (1950) ở Miền Bắc; Hội Phật học Việt Nam, Hội Tăng già Trung Việt, Hội Phật tử Nam Việt, Giáo hội Tăng già Nam Việt ở Miền Trung và Miền Nam; hay ở phạm vi toàn quốc như Tổng hội Phật giáo Việt Nam (1951), Giáo hội Tăng già Toàn quốc (1952)12. Sự ra đời các tổ chức Phật giáo nêu trên thể hiện lập trường dân chủ của Tăng ni, Phật tử trong việc đấu tranh cho quyền lợi tự do tôn giáo của mình. Nhất là khi Tổng hội Phật giáo Việt Nam ra đời, vị thế của Phật giáo Việt Nam được nâng cao không chỉ trong nước, mà còn trên trường quốc tế. Tính chất dân chủ còn thể hiện ở việc nhiều bậc cao tăng đảm nhiệm những cương vị khác nhau trong hệ thống chính trị cùng chính quyền kháng chiến. Hòa thượng Thích Thanh Chân trụ trì Chùa Hương trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp là Ủy viên Mặt trận Việt Minh các cấp và Ủy viên Mặt trận Liên Việt Liên khu 3. Hòa thượng Phạm Thế Long là Phó Hội trưởng Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Nam Định, Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh Nam Định, Ủy viên Mặt trận Liên Việt toàn quốc. Ở vùng tự do, Hòa thượng Thích Trí Độ là Ủy viên Hội Liên Việt tỉnh Thanh Hóa, Ủy viên Bảo vệ Hòa bình Thế giới của Việt Nam. Cư sĩ Lê Đình Thám là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ, sau đó ra Miền Bắc làm Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Thế giới của Việt Nam. Hòa thượng Thích Huệ Chiếu là Hội trưởng Phật giáo Cứu quốc tỉnh Bình Định và Phó chủ tịch Hội Liên Việt Liên khu 5. Hòa thượng Thích Pháp Tràng là Ủy viên Hội Liên Việt tỉnh Mỹ Tho. Hòa thượng Thích Minh Nguyệt là Hội trưởng Hội Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ, Ủy viên Mặt trận Việt Minh Sài Gòn - Gia Định và Ủy viên Mặt trận Việt Minh Nam Bộ. Nguyễn Đại Đồng. Tính chất và đặc điểm 83 83 3. Đặc điểm của Phật giáo Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp 3.1. Vừa kháng chiến, vừa hoằng pháp Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (ngày 19/12/1946), nhiều ngôi chùa phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó dân tộc, ngoài chức năng tôn giáo, còn là nơi hội họp và nuôi giấu cán bộ Việt Minh. Tại Hà Nội, căn hầm dưới tòa Tam bảo chùa Phụng Thánh là nơi nuôi giấu cán bộ Việt Minh hoạt động nội thành. Tại Hải Phòng, chùa Lạc Viên giúp đỡ lương thực và đồ dùng cho 40 tự vệ quân cuối năm 1946; chùa Dư Hàng thường xuyên che chở, nuôi dưỡng các cán bộ cách mạng hoạt động bí mật. Chùa Pháp Lâm, thành phố Đà Nẵng, năm 1946, trở thành trụ sở của Hội Phật giáo Cứu quốc. Hũ gạo của chùa chuyển thành hũ gạo nuôi quân; giảng đường của chùa dành làm chỗ trú quân cho bộ đội13. Chùa Hội Linh ở thành phố Cần Thơ là nơi che giấu cán bộ và là đầu mối giao liên của Phật giáo Cứu quốc các tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long và Mỹ Tho thời kỳ 1946 - 195414. Chùa Long Thắng, chùa Hưng Long, chùa Phước Đồng và nhiều ngôi chùa khác trong tỉnh Thủ Dầu Một giai đoạn 1946 - 1954 là nơi nhiều cán bộ cách mạng như Năm Trang, Nguyễn Thị Hiệp, Hồ Văn Xã, Tư Sơn, Chín Đàn từng làm việc và được các tín đồ Phật giáo bảo vệ. Năm 1947, tại Sài Gòn - Chợ Lớn, Hòa thượng Thích Minh Đức lập am Giác Hoàng ở Bến Hàm Tử, Hòa thượng Thích Thành Đạo khai sơn chùa Phật Ấn ở đườ ... a Phật giáo. Như thế mới vừa giữ gìn được đạo pháp, vừa bảo vệ được độc lập dân tộc. 3.2. Hình thức và biện pháp đấu tranh đa dạng Hoạt động của Phật giáo Việt Nam giai đoạn 1945 - 1954 diễn ra dưới nhiều hình thức phong phú. Tựu trung lại, có thể quy các hoạt động đó vào hai hình thức cơ bản là trực tiếp tham gia kháng chiến và gián tiếp ủng hộ kháng chiến, trong đó gián tiếp ủng hộ kháng chiến là hình thức chủ yếu. Bất bạo động là một trong những nguyên tắc cơ bản của Phật giáo. Nguyên tắc này được thể hiện khá nhiều trong kinh điển của Phật giáo. Một bài kệ trong Kinh Pháp Cú nhấn mạnh đến một trong những quy luật của cuộc sống là không bao giờ hận thù được lắng dịu bằng hận thù, mà chỉ có tình thương mới làm lắng dịu được hận thù. Trong Kinh Bản Sinh lại nói đến những câu chuyện mà Đức Phật đã kể cho đệ tử nghe về việc ngài, khi còn là Bồ tát trong các kiếp trước, đã luôn từ bi, khoan hòa khi cảm hóa nhiều kẻ dữ dằn cho dù phải bị đánh đập, chặt tay, móc mắt. Còn trong các bộ kinh Tạp A Hàm, Kinh Trung Bộ, Trưởng Lão Tăng Kệ đều đề cập câu chuyện tôn giả Punna cương quyết xin phép đến hoằng pháp cho người dân xứ Sronaparanta, cho dù được Đức Phật cảnh báo đó là những cư dân bạo lực và dữ dằn. Rõ ràng là, tư tưởng bất bạo động của Phật giáo không dựa trên chủ trương lấy oán báo oán, mà dựa trên cơ sở lấy tình thương xóa bỏ hận 86 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014 86 thù. Nguyên tắc bất bạo động của Phật giáo không phải là sự sợ hãi, mà chính là biểu hiện của sự dũng cảm, của lòng từ bi và của tình yêu hòa bình. Tuy nhiên, giáo lý nhà Phật không chỉ dạy Phật tử một phương thức đấu tranh bất bạo động. Kinh điển Phật giáo từng nêu chuyện Đức Phật trong một kiếp trước, đã từng phải giết một tên tướng cướp để cứu 500 người lái buôn19. Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Hội trưởng Hội Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ, đã hoàn toàn đúng đắn khi tuyên bố: “Phật giáo Việt Nam chỉ bền vững và có ý nghĩa khi đã biết gắn mình vào với dân tộc Việt Nam, hòa mình trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, không thể khép kín hoặc tách rời cộng đồng đó. Đứng trước họa xâm lăng đương đe dọa Tổ quốc, người Phật tử không thể ngồi yên gõ mõ tụng kinh cầu nguyện, mặc cho kẻ thù đem súng đến tàn sát những người ruột thịt của mình. Có ý thức như vậy và hành động như vậy, Tăng ni, Phật tử mới thể hiện đúng tinh thần “vô ngã vị tha” của Đức Phật, nghĩa là người Phật tử luôn quên mình cứu độ chúng sinh”20. Khi đất nước bị xâm lăng, nhiều nhà sư sẵn sàng “cởi cà sa, khoác chiến bào” trực tiếp cầm vũ khí đánh giặc bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, số đông Tăng ni, Phật tử tham gia kháng chiến một cách gián tiếp, bằng nhiều hình thức như bất hợp tác với kẻ thù, nuôi giấu cán bộ kháng chiến. Những hoạt động tôn giáo và nuôi dưỡng tình cảm và tâm hồn dân tộc cũng là một sự đóng góp lớn lao vào cuộc kháng chiến. Đó là một sự đóng góp thầm lặng, một sự đóng góp không tiếng súng. Những người kháng chiến vũ trang, những người cộng sản Việt Nam đã nhận ra điều đó và trong quá trình đấu tranh đã phát huy tối đa sự tham gia kháng chiến không tiếng súng này21. Ngay từ buổi đầu du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc với phương châm nhập thế, gắn bó giữa đạo với đời, phấn đấu vì an vui cho con người. Tư tưởng và hành động của Phật giáo Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp là sự kế thừa và phát triển của Phật giáo nhập thế các giai đoạn lịch sử trước đây, nhất là thời nhà Trần. Đó là tư tưởng “hộ quốc an dân”, “dĩ chúng tâm vi kỷ tâm”, đặc biệt là tinh thần “diệt một kẻ ác, cứu muôn người hiền là phúc đẳng hà sa”22. Vì mang tư tưởng nhập thế tích cực, đồng hành cùng dân tộc, nên Phật giáo Việt Nam tham gia cứu quốc bằng những hành động thiết thực ích nước lợi dân như: quyên góp tiền của, hiến tặng pháp khí và tự khí cho kháng Nguyễn Đại Đồng. Tính chất và đặc điểm 87 87 chiến, phá dỡ chùa chiền tiêu thổ kháng chiến, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, cứu trợ đồng bào khó khăn, mở trường dạy học, v.v Hoạt động của Phật giáo Việt Nam giai đoạn 1945 - 1954 đã chỉ ra con đường đi đến giác ngộ phải bằng những hành động thực tiễn hằng ngày. Nhiều nhà sư trên con đường giác ngộ Phật pháp đã giác ngộ cách mạng. Họ giúp đỡ và đi theo kháng chiến, cho dù bị tù đày thậm chí hy sinh. Nhiều ngôi chùa trở thành cơ sở cách mạng. Đỉnh cao của phong trào làm theo lòng đại từ, đại bi của Đức Phật là kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi khổ ải nô lệ. Một đặc điểm nữa của Phật giáo Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là rất linh hoạt, thường gọi là “tùy duyên bất biến”. Năm 1949, Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ giải thể, chỉ còn đại diện ở Hội Liên Việt. Để có một tổ chức hợp pháp đứng ra tập hợp Tăng ni, Phật tử hướng về cuộc kháng chiến chống Pháp, ngày 15/2/1952, tại chùa Long An, đường Nguyễn Văn Cừ, Sài Gòn, các tăng sĩ từng tham gia Phật giáo Cứu quốc Sài Gòn - Chợ Lớn và Biên Hòa đã phối hợp thành lập Giáo hội Lục hòa Tăng Việt Nam do Hòa thượng Thích Thiện Tòng làm Tăng trưởng, Hòa thượng Thích Thành Đạo làm Tăng giám, Tỳ kheo Thích Huệ Chí là Tổng Thư ký, cư sĩ Đoàn Trung Còn là Thủ quỹ. Tổ chức Phật giáo này xuất bản Tạp chí Phật học và mở Phật học Tùng thư Khánh Hòa. Hòa thượng Thích Huệ Thành, nguyên Hội trưởng Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh Biên Hòa kiêm Ủy viên Liên Việt Nam Bộ, được suy cử làm Ðệ nhất Phó Tăng giám Giáo hội Lục hòa Tăng Việt Nam, kiêm Trưởng ban Hoằng pháp. Trên cương vị Tăng trưởng Giáo hội Lục hòa Tăng tỉnh Biên Hòa, từ năm 1953, Hòa thượng đã có nhiều công lao trong việc củng cố và mở rộng tổ chức Phật giáo này. Tiếp sau đó, Giáo hội Lục hòa Tăng các tỉnh Thủ Dầu Một, Mỹ Tho, Cần Thơ lần lượt được thành lập. Nhiều chùa của tổ chức Phật giáo này ở các tỉnh thành vừa là cơ sở kháng chiến, vừa là nơi truyền bá Phật pháp, tích cực tham gia công tác từ thiện23. Giáo lý căn bản của Phật giáo không chủ trương lấy oán báo oán mà dựa trên cơ sở lấy tình thương xóa bỏ sự thù hận. Theo Phật giáo, “không nên lấy oán báo oán, nhưng phải biết bảo vệ lấy mình chống lại mọi tàn bạo”24. Trong giai đoạn 1945 - 1954, Phật giáo Việt Nam đã đối phó được những âm mưu thâm độc và tàn bạo của thực dân Pháp; đã thực hiện tinh thần từ bi của Phật giáo trong tình hình đất nước có chiến tranh. 88 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014 88 Hành động của Thượng tọa Thích Thanh Diệp, trụ trì chùa Hòa Nhuệ, tỉnh Hải Dương, khi nhảy lên khỏi hầm nổ lựu đạn tiêu diệt quân địch và anh dũng hy sinh để bảo vệ cán bộ; Đại đức Thích Tâm Thông, chùa Vọng Cung, tỉnh Nam Định khoác cà sa đi khắp vùng vận động quần chúng tham gia kháng chiến, gây dựng nhiều cơ sở trong vùng địch hậu; Hòa thượng trụ trì chùa Phước Liễu, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa bị địch bắt tra tấn dã man nhưng không một lời khai, khi bị địch xử bắn đã hô to “Việt Minh muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!”25 là những hành động mà giáo lý nhà Phật không hề chỉ dạy. Song với truyền thống yêu nước, đấu tranh kiên cường của người Việt Nam, Tăng ni và Phật tử đã có những hành động dũng cảm ứng biến theo thời cuộc. 4. Kết luận Phật giáo Việt Nam giai đoạn 1945 - 1954 có nhiều hoạt động yêu nước góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi. Đặc điểm của Phật giáo Việt Nam thời kỳ này là vừa kháng chiến, vừa hoằng pháp. Hình thức và biện pháp đấu tranh của Tăng ni, Phật tử đa dạng và phong phú theo lời kêu gọi kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phật giáo Việt Nam dù ở vùng tạm chiếm hay ở vùng tự do, dù trực tiếp hoặc gián tiếp đều tham gia kháng chiến kiến quốc. Tinh thần yêu nước của giới Phật giáo trong kháng chiến chống Pháp để lại một bài học kinh nghiệm quý báu, đó là muốn đạo pháp trường tồn, thì mọi hoạt động của Phật giáo phải gắn liền với quyền lợi của dân tộc Việt Nam trên tinh thần “khế lý khế cơ”, “tùy thời ứng biến”./. CHÚ THÍCH: 1 Xem: Nguyễn Đại Đồng (2008), Biên niên sử Phật giáo Miền Bắc (1920 - 1953), Nxb. Tôn giáo: 304. 2 Xem: Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, Nxb. Văn học: 227 - 228. 3 Tinh Tấn, Hội Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ xuất bản năm 1949. 4 Xem: Tỉnh hội Phật giáo Tiền Giang (2002), Phật giáo Tiền Giang lược sử và những ngôi chùa, Nxb. Hồ Chí Minh: 429 - 430. 5 Xem: Thượng tọa Danh Lung và Đại đức Châu Hoài Thái (2014), Danh tăng Phật giáo Nam tông Khmer, Nxb. Hồng Đức. 6 Xem: Bồ Đề Tân Thanh Nguyễn Đại Đồng (2012), Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyến đến năm 1981, Nxb. Văn học: 282. 7 Xem: Nguyễn Đại Đồng (2008), Biên niên sử Phật giáo Miền Bắc (1920 - 1953), Nxb. Tôn giáo: 412. Nguyễn Đại Đồng. Tính chất và đặc điểm 89 89 8 Xem: Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ngãi (2011), Lược sử Phật giáo và những ngôi chùa Quảng Ngãi, Nxb. Đà Nẵng: 272. 9 Giác Ngộ, số ra ngày 21/10/1976 và sách Phật giáo Tiền Giang lược sử và những ngôi chùa, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2002, cho biết, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hòa thượng Thích Thiện Tòng chính thức là cán bộ cơ sở ở nội thành Sài Gòn. Giai đoạn 1949 - 1950, phong trào Phật giáo ở nội thành Sài Gòn hoạt động mạnh, các vị cao tăng tiến hành đại hội thành lập Giáo hội Lục hòa Tăng và Giáo hội Lục hòa Phật tử. Trong đại hội ngày 15/2/1952, Hòa thượng Thích Thiện Tòng được bầu làm Đại Tăng trưởng (Tăng thống) là hậu thân của Phật giáo Cứu quốc ra hoạt động công khai. 10 Xem: Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Tạp chí Văn hóa Phật giáo (2009), Kỷ yếu Hội thảo Đại lão Hòa thượng Tố Liên (1903 - 1977), Nxb. Tôn giáo: 34. 11 Lê Tâm Đắc (2012), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Miền Bắc Việt Nam (1924 - 1954), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội: 280. 12 Nguyễn Đại Đồng (2008), Biên niên sử Phật giáo Miền Bắc (1920 - 1953), sđd: 328 và 378. 13 Xem: Nguyễn Lam Chân Tuệ Định (2008), Lược sử Phật giáo thành phố Đà Nẵng, Nxb. Tôn giáo: 202. 14 Giác Ngộ, số 47, ra ngày 1/4/1978. 15 Xem: Thích Đồng Bổn chủ biên (1996), Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản: 414. 16 Xem: Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Giáo dục Tăng ni Trung ương (2012), Giáo dục Phật giáo Việt Nam: định hướng và phát triển, Nxb. Tôn giáo: 254. 17 Xem: Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh (2001), Biên niên sử Phật giáo Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh. 18 Tin tức Phật giáo từ tháng 10/1951 là phụ trương của tờ Phương Tiện do Hội Tăng Ni Bắc Việt quản lý. Từ ngày 10/1/1953, Tin tức Phật giáo do Hội Phật giáo Việt Nam quản lý. 19 Xem: Lê Tâm Đắc (2009), “Truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của Phật giáo Việt Nam và đóng góp của chùa Yên Phú”, Công tác Tôn giáo, số 11; Lê Gia Hân (2010), “Đôi điều về phương thức đấu tranh bất bạo động của Phật giáo”, Công tác Tôn giáo, số 4. 20 Hà Thúc Minh (1986), “Lịch sử tư tưởng Việt Nam và vấn đề Phật giáo”, trong: Mấy vấn đề Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Viện triết học, Hà Nội: 47. 21 Nguyễn Quốc Tuấn (2012), Đặc điểm và vai trò của Phật giáo Việt Nam thế kỷ 20, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội: 253 - 254. 22 Lời Hòa thượng Phạm Thế Long trong lễ tiễn 27 nhà sư “cởi cà sa, khoác chiến bào” ở chùa Cổ Lễ, tỉnh Nam Định, Thanh Niên, số ra ngày 18/12/2006. 90 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 9 - 2014 90 23 Xem: Biên niên sử Phật giáo Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2001; Địa chí Đồng Nai, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai, 2001; Địa chí Bình Dương, tập 3, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2010. 24 Nguyễn Đại Đồng (2007), “Phật giáo Bắc Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp”, Nghiên cứu Phật học, số 3. 25 Giác Ngộ, số ra ngày 15/8/1978. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Thích Đồng Bổn chủ biên (1996), Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản. 2. Lê Tâm Đắc (2009), “Truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của Phật giáo Việt Nam và đóng góp của chùa Yên Phú”, Công tác Tôn giáo, số 11. 3. Lê Tâm Đắc (2012), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Miền Bắc Việt Nam (1924 - 1954), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 4. Nguyễn Đại Đồng (2008), Biên niên sử Phật giáo Miền Bắc (1920 - 1953), Nxb. Tôn giáo. 5. Bồ Đề Tân Thanh Nguyễn Đại Đồng (2012), Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyến đến năm 1981, Nxb. Văn học. 6. Giác Ngộ, số ra ngày 21/10/1976. 7. Giác Ngộ, số ra ngày 1/4/1978 và số ra ngày 15/8/1978. 8. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Giáo dục Tăng ni Trung ương (2012), Giáo dục Phật giáo Việt Nam: định hướng và phát triển, Nxb. Tôn giáo. 9. Lê Gia Hân (2010), “Đôi điều về phương thức đấu tranh bất bạo động của Phật giáo”, Công tác Tôn giáo, số 4. 10. Mai Thị Thu Hương (2013), Phật giáo Bắc Bộ trong phong trào giải phóng dân tộc giai đoạn 1945 - 1954, Luận văn Thạc sĩ Sử học, Trường Đại học Sư phạm Huế. 11. Nguyễn Lam Chân Tuệ Định (2008), Lược sử Phật giáo thành phố Đà Nẵng, Nxb. Tôn giáo. 12. Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, Nxb. Văn học. 13. Thượng tọa Danh Lung và Đại đức Châu Hoài Thái (2014), Danh tăng Phật giáo Nam tông Khmer, Nxb. Hồng Đức. 14. Hà Thúc Minh (1986), “Lịch sử tư tưởng Việt Nam và vấn đề Phật giáo” trong: Mấy vấn đề Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Triết học, Hà Nội. 15. Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Tạp chí Văn hóa Phật giáo (2009), Kỷ yếu Hội thảo Đại lão Hòa thượng Tố Liên (1903 - 1977), Nxb. Tôn giáo. 16. Thanh niên, số ra ngày 18/12/2006. 17. Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh (2001), Biên niên sử Phật giáo Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh. 18. Tinh Tấn, Hội Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ xuất bản năm 1949. Nguyễn Đại Đồng. Tính chất và đặc điểm 91 91 19. Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ngãi (2011), Lược sử Phật giáo và những ngôi chùa Quảng Ngãi, Nxb. Đà Nẵng. 20. Tỉnh hội Phật giáo Tiền Giang (2002), Phật giáo Tiền Giang lược sử và những ngôi chùa, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2002. 21. Nguyễn Quốc Tuấn (2012), Đặc điểm và vai trò của Phật giáo Việt Nam thế kỷ 20, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội. Abstract NATURE AND CHARACTERISTIC OF THE BUDDHISM IN VIETNAM DURING THE RESISTANCE AGAINST THE FRENCH COLONIST In the fact, the Vietnamese Buddhism always “goes the same path with the Nation”. When the country in danger, many monks, nuns, and Buddhists were willing to “take off the Kasava, get dressed the armor” against the foreign invaders to protect their country. This article clarified the nature and the characteristic of the Vietnamese Buddhism during the war against French (1945-1954) through the patriotic actions of monks, nuns, and Buddhists in Vietnam during this historical period. Keywords: Vietnamese Buddhism, resistance against French, Sangha for National Salvation, Buddhism for National Salvation.
File đính kèm:
- tinh_chat_va_dac_diem_cua_phat_giao_viet_nam_trong_khang_chi.pdf