Tóm tắt Luận án Nghiên cứu giải phẫu mạch máu vạt bẹn và đối chiếu với ứng dụng trong phẫu thuật tạo hình
Vạt bẹn (Groin flap) là một vạt tổ chức nằm ở vùng bẹn. Vạt có nguồn cấp máu từ động mạch mũ chậu nông và động mạch thượng vị nông là hai mạch máu tiêu biểu cho vùng này.
Vạt bẹn dựa trên hệ thống động tĩnh mạch mũ chậu nông được Mc Gregor và Jackson mô tả năm 1972. Daniel và Taylor năm 1973 đã thực hiện thành công chuyển một vạt da bẹn tự do che phủ khuyết hổng ở cẳng chân và vạt bẹn đã trở thành một trong những vạt tự do đầu tiên. Đến năm 1975, qua rất nhiều các công trình nghiên cứu giải phẫu và ứng dụng các tác giả Taylor và Harii đều khẳng định quan điểm cho rằng vạt bẹn có 2 động mạch: động mạch mũ chậu nông và động mạch thượng vị nông cấp máu và cần phải lựa chọn động mạch nào lớn hơn để nối mạch vi phẫu.
Vạt động mạch thượng vị nông là vạt da vùng bụng dưới có cuống mạch là bó mạch thượng vị nông. Vạt đã được sử dụng từ năm 1862 cùng với các vạt da bụng khác theo kiểu vạt ngẫu nhiên. Đến năm 1976, vạt động mạch thượng vị nông chính thức ra đời với công bố nghiên cứu của tác giả Boeck là loại vạt mẫu trục. Năm 1991, tác giả Grotting người Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng vạt động mạch thượng vị nông tự do. Nhưng sau đó vạt ít được quan tâm sử dụng do sự lo ngại về tính không hằng định giải phẫu của cuống mạch.
Vùng bẹn là nơi cung cấp chất liệu vạt có nhiều ưu thế do nguồn chất liệu dồi dào và phù hợp với nhiều nơi nhận trên cơ thể, lại gây tổn thương rất ít tại nơi lấy vạt. Vạt có ưu điểm về chất liệu phong phú, nơi cho vạt được dấu kín, vùng lấy vạt được khâu da trực tiếp, kỹ thuật đơn giản và đặc biệt là ưu thế của nó về kết quả thẩm mỹ tại cả nơi nhận vạt và nơi cho vạt với tổn thương nơi lấy vạt ở mức thấp nhất.
Theo các y văn trên thế giới và trong nước, động mạch mũ chậu nông và động mạch thượng vị nông đã được mô tả khá kỹ song chủ yếu tập trung vào mô tả nguyên ủy, định hướng, liệt kê nhánh bên, nhánh tận và chi phối. Hơn nữa, vấn đề mối tương quan giữa hệ mạch mũ chậu nông và thượng vị nông cấp máu cho vạt bẹn vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược chưa được giải thích thỏa đáng.
Ở Việt Nam, có rất nhiều tác giả nghiên cứu đặc điểm giải phẫu vạt vùng bẹn: như Nguyễn Huy Phan nghiên cứu vạt da bẹn năm 1979, nghiên cứu của Nguyễn Văn Huy năm 1999, Nguyễn Tài Sơn năm 2005, Trần Thiết Sơn năm 2009, và gần đây nhất là nghiên cứu Trần Văn Dương về ứng dụng vạt bẹn tự do trong điều trị khuyết hổng mô mềm Những kết quả nghiên cứu trên đã giải thích về giải phẫu và ứng dụng vạt bẹn trong phẫu thuật tạo hình. Tuy nhiên các nghiên cứu đều chỉ tập trung vào các mạch mũ chậu nông, các khía cạnh liên quan đến các mạch thượng vị nông chưa được làm rõ.
Hiện nay ở Việt Nam chưa thấy có báo cáo nào về vai trò của động mạch thượng vị nông trong việc tăng khả năng cấp máu để mở rộng vạt bẹn cũng như về sự lựa chọn động mạch thượng vị nông làm cuống mạch của vạt bẹn. Trước thực tế trên, chúng tôi nhận thấy việc nghiên cứu và ứng dụng mạch thượng vị nông nhằm mở rộng áp dụng vạt bẹn một cách có hiệu quả để phẫu thuật tạo hình điều trị những khuyết phần mềm là một nhu cầu thực tiễn, mang tính thời sự và có ý nghĩa khoa học. Xuất phát từ thực tế trên, chúng tôi thực hiện nghiên cứu đề tài "Nghiên cứu giải phẫu mạch máu vạt bẹn và đối chiếu với ứng dụng trong phẫu thuật tạo hình” nhằm 2 mục tiêu sau:
1. Khảo sát giải phẫu mạch máu vạt bẹn trên người Việt trưởng thành.
2. Đối chiếu giải phẫu vạt bẹn với ứng dụng trong phẫu thuật tạo hình.
File đính kèm:
- tom_tat_luan_an_nghien_cuu_giai_phau_mach_mau_vat_ben_va_doi.docx