Tóm tắt Luận án Nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu nhân tạo
Tạo hình nâng mũi là loại hình kỹ thuật rất phổ biến ở các nước châu Á, tuy nhiên vật liệu và phương pháp dùng để tạo hình nâng mũi thì đa dạng và còn nhiều quan điểm khác biệt. Cho đến nay việc sử dụng vật liệu tự thân vẫn được xem là ưu tiên hàng đầu vì mô tự thân có được tính tương hợp sinh học cao. Tuy nhiên những vùng bị lấy mô này thường đau lâu, lành chậm, thậm chí còn để lại sẹo xấu. Nhược điểm của mô tự thân là số lượng và chất lượng không ổn định, khó được nuôi dưỡng đầy đủ và có nguy cơ cao bị biến dạng với thời gian nhất là cần khi cấy ghép với khối lượng lớn trên người Á đông. Chính những điều này làm giảm tính hấp dẫn khi sử dụng thuần tuý mô tự thân để nâng mũi cho người châu Á.
Bên cạnh đó nhiều tác giả khác lại thành công khi nâng mũi bằng vật liệu nhân tạo trên người châu Á. Nhiều nghiên cứu theo dõi trong thời gian dài trên người đã chứng minh tính an toàn của một số vật liệu nhân tạo tương hợp sinh học cao như: Silicone, Medport, Gore-tex. Trong số đó, silicone dẻo là thông dụng nhất được dùng để nâng mũi cho người Á châu cho đến nay. Tuy nhiên, sau thời gian dài sử dụng silicone thuần túy để nâng sống mũi, phương pháp này cũng lại bộc lộ một số yếu điểm như: lộ chất liệu độn, mỏng da, căng bóng thậm chí thủng da, tạo sẹo lõm co rút biến dạng chủ yếu vùng đầu mũi.
Nhằm phát huy ưu điểm và khắc phục nhược điểm của hai nhóm chất liệu chính này, nhiều tác giả trên thế giới đã thành công khi sử dụng mô tự thân theo một kỹ thuật mới nhằm tái tạo và gia cố một số cấu trúc khung sụn ở phần mũi di động, sau đó khung sụn – xương mũi cố định thì phối hợp bằng vật liệu nhân tạo hoặc mô tự thân. Xu hướng này được gọi là phương pháp tạo hình mũi cấu trúc.
Tại Việt Nam, việc sử dụng thuần túy silicone để nâng mũi vẫn còn khá phổ biến, dẫn đến nhiều di chứng đặc biệt ở vùng đầu mũi. Những di chứng này gây ảnh hưởng trầm trọng đến chức năng và thẩm mỹ vùng mặt nhưng chưa có nhiều nghiên cứu trong y văn. Một số tác giả như: N.H.Thọ và cs (1995); L.Đ. Tuấn (2004); V.C. Trực (2007); T.T.B. Liên (2009); B.D. Vũ (2011) đã có công bố nghiên cứu tạo hình nâng mũi mà chủ yếu bằng mô tự thân hoặc sử dụng thuần tuý silicone. Việc phối hợp mô tự thân với vật liệu nhân tạo theo hướng gia cố cấu trúc khung sụn đầu mũi trong tạo hình nâng mũi hầu như chưa được nghiên cứu và đánh giá. Chính vì nhu cầu cấp thiết khắc phục di chứng và góp phần cho phẫu thuật tạo hình nâng mũi được hoàn thiện hơn, chúng tôi thực hiện đề tài: “Nghiên cứu tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu nhân tạo”, với hai mục tiêu:
1. Xác định một số đặc điểm hình thái tháp mũi của người Việt trưởng thành ứng dụng cho tạo hình nâng mũi.
2. Đánh giá kết quả tạo hình nâng mũi bằng mô tự thân phối hợp với vật liệu nhân tạo.
File đính kèm:
- tom_tat_luan_an_nghien_cuu_tao_hinh_nang_mui_bang_mo_tu_than.docx