Tư tưởng của Nguyễn Công Trứ về nhân sinh
Tư tưởng của Nguyễn Công Trứ về nhân sinh được hình thành do sự tác động của điều
kiện gia đình, xã hội và phẩm chất cá nhân. Tư tưởng đó có nhiều nét đặc sắc. Tư tưởng của
Nguyễn Công Trứ về nhân sinh thể hiện chủ yếu ở tư tưởng về các giai tầng xã hội và kẻ sĩ, về “chí
nam nhi” và “hưởng lạc”, về sự dung hợp giữa Nho, Phật, Lão. Tư tưởng của ông, tuy mang lập
trường Nho giáo phong kiến, nhưng thể hiện khát vọng về tri thức, đạo đức, ý chí dấn thân cống
hiến cho nước, cho dân. Nguyễn Công Trứ là một mẫu mực của kẻ sĩ từ trong tư tưởng đến trong
hành động, luôn khát vọng sáng tạo vì lợi ích của đất nước, nhân dân
Bạn đang xem tài liệu "Tư tưởng của Nguyễn Công Trứ về nhân sinh", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Tư tưởng của Nguyễn Công Trứ về nhân sinh
64 Tư tưởng của Nguyễn Công Trứ về nhân sinh Nguyễn Bình Yên1 1 Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội. Email: nguyenbinhyen.humg@gmail.com Nhận ngày 20 tháng 11 năm 2018. Chấp nhận đăng ngày 3 tháng 12 năm 2018. Tóm tắt: Tư tưởng của Nguyễn Công Trứ về nhân sinh được hình thành do sự tác động của điều kiện gia đình, xã hội và phẩm chất cá nhân. Tư tưởng đó có nhiều nét đặc sắc. Tư tưởng của Nguyễn Công Trứ về nhân sinh thể hiện chủ yếu ở tư tưởng về các giai tầng xã hội và kẻ sĩ, về “chí nam nhi” và “hưởng lạc”, về sự dung hợp giữa Nho, Phật, Lão. Tư tưởng của ông, tuy mang lập trường Nho giáo phong kiến, nhưng thể hiện khát vọng về tri thức, đạo đức, ý chí dấn thân cống hiến cho nước, cho dân. Nguyễn Công Trứ là một mẫu mực của kẻ sĩ từ trong tư tưởng đến trong hành động, luôn khát vọng sáng tạo vì lợi ích của đất nước, nhân dân. Từ khóa: Nguyễn Công Trứ, nhân sinh, phong kiến, Nho giáo. Phân loại ngành: Triết học Abstract: Nguyen Cong Tru's thought about human life was formed with the impact of family, social conditions and his personal qualities. It has many characteristics and is demonstrated primarily in the thoughts on social strata and the intellectuals, on the “ambitions of the males” and the “enjoyment of life’s comforts”, and on the harmony among Confucianism, Buddhism, and Taoism. Although Nguyen Cong Tru’s thought was based on a feudal Confucian stance, it expressed his aspiration for knowledge, morality and will to devote himself to the country and the people. Nguyen Cong Tru is a model of an intellectual, as assessed from thought to action, who always aspires for creation to benefit the country and the people. Keywords: Nguyen Cong Tru, human life, feudalism, Confucianism. Subject classification: Philosophy 1. Mở đầu Nguyễn Công Trứ (1778-1858) là một trong những danh nhân đa tài, có tầm ảnh hưởng không chỉ trong thời đại của ông mà đến cả ngày nay. Mặc dù đã có nhiều công trình nghiên cứu về Nguyễn Công Trứ, nhưng tư tưởng của ông dường như vẫn chưa được khắc họa một cách đầy đủ. Càng đi sâu nghiên cứu tư tưởng của ông, chúng ta sẽ càng thấy ở ông vẫn còn những điều mới mẻ, bất ngờ và thú vị mới, “còn nhiều điều Nguyễn Bình Yên 65 vỡ lẽ về ông đang chờ ở phía trước”. Nguyên nhân nào đã làm cho Nguyễn Công Trứ có ảnh hưởng mạnh mẽ, thu hút sự chú ý của xã hội nhiều như vậy? Những nét đặc sắc trong tư tưởng của ông về nhân sinh là gì? Đây là một câu hỏi nghiên cứu cần quan tâm giải đáp. Bài viết này phân tích các yếu tố tác động và nội dung tư tưởng của ông về nhân sinh, qua đó làm rõ thêm những nét đặc sắc trong tư tưởng của ông. 2. Các yếu tố tác động đến tư tưởng của Nguyễn Công Trứ về nhân sinh Nguyễn Công Trứ (tên tục là Củng, tự là Tồn Chất, hiệu là Ngộ Trai, biệt hiệu là Hy Văn) sinh ngày 01 tháng 11 năm Mậu Tuất, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 39 (19/12/1778); quê ở làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho học. Cha ông là Nguyễn Công Tấn, đậu cử nhân năm 24 tuổi, làm giáo thụ phủ Anh Sơn, Nghệ An; sau làm tri huyện Quỳnh Côi, rồi làm tri phủ Tiên Hưng (Thái Bình). Khi Nguyễn Huệ đưa quân đội Tây Sơn ra Bắc, Nguyễn Công Tấn giương cờ phò Lê chống lại, nhưng không thành, sau đó đưa gia đình về quê mở trường dạy học. Với ý chí “trung thần bất sự nhị quân”, mặc dù mấy lần Nguyễn Huệ mến tài đức của ông, mời ông ra làm quan nhưng ông đều từ chối. Mẹ của Nguyễn Công Trứ (là con gái quan quản nội thị cảnh nhạc bá, họ Nguyễn, người xã Phụng Dực, huyện Thượng Phúc, tỉnh Sơn Nam, nay thuộc Hà Nội) cũng theo giáo lí Nho giáo. Do thời thế thay đổi, cha của mình ở ẩn, nên Nguyễn Công Trứ từ bé đã sống trong cảnh “quý tộc nghèo”. Con đường học để làm quan bế tắc bởi những khủng hoảng chính trị kéo dài. Chỉ sau khi nhà Nguyễn lật đổ nhà Tây Sơn, thì tình hình chính trị mới dần ổn định, kinh tế mới phục hồi và phát triển. Lúc này, giáo dục nho học được mở mang, chế độ khoa cử nho học tuyển chọn người tài cho bộ máy quan liêu được khôi phục. Đó là những điều kiện hết sức thuận lợi cho Nguyễn Công Trứ. Ông nổi tiếng là thần đồng, nhưng khoa trường của ông lại như “con tạo” trêu ngươi. Sau khi đã “năm lần ba lượt giành khoa bảng” thất bại, mãi đến năm 1819, ở tuổi 41, ông mới thi đậu trong kì thi hương và đậu giải nguyên. Như thế cũng đã là một chuyện đặc sắc và thú vị của Nguyễn Công Trứ và của lịch sử khoa cử Việt Nam trước đây. Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nho học, nên Nguyễn Công Trứ chịu ảnh hưởng chính từ hệ tư tưởng phong kiến Nho giáo. Trong hệ tư tưởng đó, nội dung cốt lõi là thuyết “cương thường”, phương châm hoạt động chủ đạo là “chính danh”, đường lối trị quốc cốt lõi là “nhân trị”. Hoàn cảnh gia đình, xã hội trong giai đoạn lịch sử mà ông sinh ra, lớn lên, hoạt động là khá đặc biệt. Hoàn cảnh đó đã cùng với những xu hướng thiên bẩm cá tính là cơ sở hình thành tư tưởng của Nguyễn Công Trứ. Nguyễn Công Trứ là người sớm bộc lộ lý tưởng sống theo những chuẩn mực Nho giáo. Theo lý tưởng đó, ông xác định chí lập thân với gánh trung hiếu trên vai: “Có trung hiếu nên đứng trong trời đất/Không công danh thời nát với cỏ cây”, “Đã mang tiếng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông”. Con đường lập thân nho sĩ là văn chương, muốn thành danh là phải đi thi để “trả nợ cầm thư”. Đối những người văn tài nuôi chí lập thân bằng khoa cử thì việc đậu kì thi hương, giành tấm bằng cử nhân là Khoa học xã hội Việt Nam, số 3 - 2019 66 một thành công quan trọng, nhưng mới là bước đầu. Họ cần phải tham gia thi hội, thi đình với mục tiêu có bằng tiến sĩ, được vua ban mũ, áo, ngựa, xe về quê “vinh quy bái tổ”. Nhưng Nguyễn Công Trứ đã dừng lại với tấm bằng cử nhân để chọn con đường đi khác: con đường “dấn thân” cho sự nghiệp “kinh bang tế thế” mà ông mong đợi mấy mươi năm. Đây cũng là một nét khá đặc sắc trong phẩm chất cá nhân của ông. Bởi lẽ, chỉ sau khi đỗ giải nguyên trong kì thi hương, ông mới nhận được tấm “thông hành” để bước vào “quan trường hoạn lộ”, thi triển tài năng, thực hiện hoài bão vì nước, vì dân. Nếu ông tiếp tục con đường khoa bảng, có thể tên của ông đã được vinh khắc trên bia tiến sĩ, nhưng chắc chắn dân tộc Việt Nam không có một Nguyễn Công Trứ “kinh bang tế thế”, được nhiều thế hệ biết đến, ngưỡng mộ, học tập như ngày nay. Mặt khác, thi đậu cử nhân ở tuổi 41 đã là quá muộn so với đời người, thêm vào đó là kinh nghiệm “năm lần, ba lượt giành khoa bảng” mới thành cử nhân đã buộc ông phải lựa chọn. Ông đã nắm bắt cơ hội này để dấn thân. Đó là hành động đặc sắc vì sự sáng suốt, lựa chọn tối ưu, xứng đáng là bài học kinh nghiệm quý báu để người Việt Nam, vốn hiếu học nhưng quá coi trọng bằng cấp ngày nay vận dụng. Thường thì người ta, chỉ sau khi đỗ đạt đại khoa, làm chức quan to trong triều, mới dám đệ trình lên nhà vua kế sách nào đó. Nguyễn Công Trứ khác họ. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ và những kiến thức thu lượm được được từ đạo “thánh hiền”, năm 1803, khi vẫn còn là một nho sinh nghèo, Nguyễn Công Trứ đã dũng cảm dâng lên vua Gia Long bản Thái bình thập sách, một cương lĩnh trị nước ngắn gọn, súc tích, nhưng cơ bản đúng đắn và nhân văn. Nội dung ở đó là: “Giữ lòng trung ái/Chăm đạo dâu con/Phát triển nông trang/Trừ bỏ dị đoan/Sửa đổi phong tục/Thanh thải tham tàn/Tiến cử tài đức/Giữ nghiêm luật lệ”. Hành động của ông để lại dấu ấn khá mạnh, được sử gia nhà Nguyễn ghi lại trong Đại Nam thực lục. Tất nhiên, Thái bình thập sách của ông đã rơi vào “thinh không”. Nhưng không vì thế mà ông nản chí. Chí khí và bản lĩnh của ông thật mạnh mẽ, mang hào khí Đông A, tuy không sục sôi “đền nợ nước, trả thù nhà” như thời Trần, nhưng cũng thể hiện tinh thần yêu nước sâu sắc của nhà nho trong thời kì đầu nhà Nguyễn. Đây thực sự là một nét đặc sắc của ông. Năm 1820, với tấm bằng cử nhân giải nguyên, Nguyễn Công Trứ được bổ giữ chức hành tẩu ở Quốc sử quán, mở đầu “quan lộ”, rồi làm quan đến gần 30 năm. Thường thì người đỗ cử nhân không được giữ chức hành tẩu ở Quốc sử quán, vì đó một chức vụ chỉ được giao cho những người đỗ đại khoa. Ít ai có thể ngờ được rằng ở tuổi 42 Nguyễn Công Trứ mới bước vào quan trường mà lại làm quan dài đến gần 30 năm (1820-1849). Trước đây, ở tuổi 50, người ta đã bước vào thế giới người già, người thọ 70 tuổi là “xưa nay hiếm”, người làm quan ở tuổi 70 lại càng hiếm. Nguyễn Công Trứ phải là một người cơ thể tráng kiện, khí chất mạnh mẽ, tài năng xuất chúng so với yêu cầu của các chức vụ mà ông nắm giữ, mới có thể vượt qua những “hiểm họa quan trường”, làm quan lâu dài và thọ đến như vậy. Nhiều người khí chất mạnh mẽ, tài năng xuất sắc nhưng không thể giữ được chức quan lâu dài, bị sa thải vì lý do nào đó, thậm chí có người trở thành “phản nghịch”. Nhiều người tài năng nhưng không đủ bản lĩnh dấn thân vì họ thấy xã Nguyễn Bình Yên 67 hội đầy chông gai, trắc trở. Có người chọn con đường dạy học với mong muốn học trò sẽ nối chí thành công. Có người thông qua văn chương để gửi gắm ý chí của mình, lên án xã hội bất công. Có người thực hiện “hành tàng” bằng cách thuận thời làm quan, khó khăn thì lui về dạy học, ở ẩn hay “nương nhờ cửa Phật”. Đa số người ta chọn cách làm quan “an toàn”, “dung thân” chốn quan trường để giữ gìn danh vọng, bổng lộc. Cũng chẳng thiếu những người trở thành tham quan, vơ vét của dân để “vinh thân phì gia”. Nguyễn Công Trứ khác với họ. Đặc biệt, trong gần 30 năm tham chính, với tính cách bất lụy, bất dung của mình, ông đã phải chịu nhiều sóng gió, bị “thăng giáng” vài lần chỉ vì những lí do không đâu. Người khác đã có thể gục ngã hoặc từ bỏ, nhưng ông vẫn vượt qua để rồi tiếp tục đóng góp hết sức xuất sắc cho nước, cho dân. Thường thì các quan lại xuất thân khoa bảng chỉ ngồi bàn giấy giải quyết việc công đường, người trông coi dạy học, người chép sử, làm thơ hoặc làm quân sư cho các võ tướng cầm quân đánh giặc. Ít người lập công danh trên nhiều cương vị. Nguyễn Công Trứ không chỉ giỏi xét việc công đường, làm giáo dục, mà còn giỏi cả những việc “cửa Khổng, sân Trình”. Sau chức hành tẩu ở Quốc sử quán, ông đã trải qua rất nhiều cương vị: tri huyện Đường Hào, Hải Dương (1823); tư nghiệp Quốc Tử Giám (1824); phủ thừa phủ Thừa Thiên (1825); tham tán quân vụ, rồi thị lang Bộ Hình (1826); hữu tham tri Bộ Hình, sung chức dinh điền sứ, chuyên coi việc khai khẩn đất hoang (1828). Năm 1832, ông được bổ giữ chức Bố Chánh sứ Hải Dương, cùng năm thăng tham tri Bộ Binh, giữ chức Tổng đốc tỉnh Hải An. Năm 1845, Nguyễn Công Trứ làm chủ sự Bộ Hình, năm sau làm quyền án sát Quảng Ngãi, rồi ra làm phủ thừa phủ Thừa Thiên. Năm 1847, ông được thăng làm phủ doãn Thừa Thiên và giữ chức này cho đến khi nghỉ hưu, năm 1849, ở tuổi 71. Ông là văn sĩ nhưng lại mấy phen trực tiếp cầm cờ tướng quân đi dẹp “thù trong giặc ngoài” và luôn chiến thắng, cho dù đó là chiến trường miền núi, đồng bằng hay trên biển. Ông có tầm nhìn xa, trông rộng cả về chính trị lẫn kinh tế, giỏi thủy lợi và kinh tế thương mại. Ví dụ, năm 1828, được bổ nhiệm làm dinh điền sứ, ông đã sử dụng nhiều biện pháp độc đáo để tổ chức nhân dân, binh lính đắp đê quai biển, khai khẩn vùng ven biển Bắc Bộ, lập ra huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) và huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình), đem lại ruộng đất cho hàng ngàn nông dân nghèo. Ông xin triều đình cho những người đã tham gia cuộc nổi dậy cùng Phan Bá Vành được tham gia vào lực lượng khẩn hoang và được nhận đất mới khai khẩn để “làm lại cuộc đời”. Đó là một công trình không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà có ý nghĩa chính trị sâu sắc, góp phần ổn định, phát triển đất nước. Nhân dân hai huyện Tiền Hải, Kim Sơn đã lập đền thờ ông ngay khi ông còn sống; khi ông đã nghỉ hưu lại đón rước ông về thăm với nghi thức đặc biệt. Đây là hiện tượng rất hiếm có trong lịch sử, vì nó tôn vinh ông, nhưng cũng vì nó ông bị dị nghị từ phía triều đình và quan lại đương triều. Trong khi hầu hết các quan lại sung túc về vật chất bởi tham nhũng, tiêu cực thì ông vẫn nghèo bởi thanh liêm. Chuyện kể rằng, có người tìm đến hối lộ, ông chẳng những không nhận mà còn bắt đưa ra xử tội. Vua Minh Mạng biết ông nghèo, ghi nhận công lao đóng góp của ông nên vua đã mượn cớ Khoa học xã hội Việt Nam, số 3 - 2019 68 ban 20 gói trà cho ông mà đặt vào trong mỗi gói trà một nén bạc để ông tiêu dùng. Hiếm có vị quan nào được nhà vua quan tâm theo cách đặc biệt như vậy. Khi đã 70 tuổi, Nguyễn Công Trứ mấy lần xin về hưu nhưng vua Thiệu Trị không cho. Hiếm có người cao tuổi nào lại được trọng dụng như ông. Năm 1849, ở tuổi 71, niên hiệu Tự Đức thứ nhất, ông mới về hưu. Khi đã 80 tuổi, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, ông vẫn viết thư dâng lên Tự Đức xin được đi đánh giặc. Lịch sử có được mấy người như ông! Phần đông các nhà nho luôn giữ gìn hình ảnh của mình bằng cách che giấu những hành vi mang tính “hưởng thụ”. Nguyễn Công Trứ luôn tận tụy hoàn thành nhiều trọng trách, nhưng trong cuộc sống “đời thường” của ông vẫn đong đầy những cảm xúc thăng hoa bởi “lạc thú”. Ông say mê đào hát, cầm, kì, thi, họa cả từ khi trai trẻ, trong lúc làm quan, cho đến khi đã nghỉ hưu. Cứ mỗi khi có cơ hội, ông đều nắm lấy và hưởng thụ. Ông có tới 14 người vợ, nhiều con, có những mối tình nổi tiếng say đắm với đào hát. Ở tuổi 73, ông vẫn còn cưới thêm nàng hầu trẻ hơn ông mấy chục tuổi. Ngoài các vị vua, chúa, hiếm một vị quan nào, nhất là quan thanh liêm, lại có đời sống vợ chồng, tình cảm nam nữ đến độ phong lưu như ông. Dù khó có thể biết chính xác được rằng, ông đã gặp bao nhiêu rắc rối, phải chi phí bao nhiêu tài chính cho những đam mê và cho cái gia đình khổng lồ của mình, nhưng chắc chắn đó là con số không nhỏ. Ông có thực học, thực tài, đa tài, lập nhiều công trạng, nhưng cũng gặp nhiều trắc trở trong sự nghiệp, “bảy chục nghỉ hưu còn ở trọ” có lẽ một phần từ nguyên nhân đó. Khoan hãy nói đúng sai trên lập trường nào đó, nhưng rõ ràng, đây cũng là nét đặc sắc trong cuộc đời của ông, có giá trị tham khảo khi bàn về hôn nhân gia đình, mối quan hệ giữa gia đình và sự nghiệp của “đấng nam nhi”. Nguyễn Công Trứ là một hiện tượng đặc biệt, hiếm hoi xét từ góc độ sử liệu. Mặc dù giữ chức thượng thư (Bộ Binh) và chức tổng đốc (Hải Yên), một chức vụ tương đương với thượng thư, chỉ có 4 năm, nhưng ông được sách sử chính thống nhà Nguyễn đề cập với số lần nhiều nhất. Riêng Đại Nam thực lục đã ghi chép về ông ở 329 chỗ trong sách; chép kỹ về ông đến từng bản tấu, sớ, biểu chương, đến cả những chuyện sinh hoạt. Đặc biệt hơn, mặc dù ông đã về hưu, nhưng tên ông thì vẫn còn được chép tiếp khá nhiều với những biến c ... . Ông viết: “Vũ trụ chức phận nội/Đấng trượng phu một túi kinh luân/Thượng vị đức hạ vị dân/Sắp hai chữ quân thần mà gánh vác”. Đỉnh cao thiêng liêng của chức phận kẻ sĩ là “quân thần”. Ông viết: “Nặng nề thay đôi chữ quân thần/Đạo vi tử, vi thần đâu có nhẹ”. Chỉ có kẻ sĩ với khí chất chân chính mới có thể giúp quân vương thực hiện thành công “đức trị, xã hội lý tưởng. “Đạo quân thần” cho ông sức mạnh đồng thời là cái chỉ đạo mọi hoạt động của ông, không cho phép ông lựa chọn, lùi lại hay rẽ ngang trước mọi vấn đề. Xa rời vấn đề có tính nguyên tắc này sẽ không thể cắt nghĩa được đầy đủ tư duy và hành động của ông. Vì sao Nguyễn Công Trứ lại là người hăng hái “cầm cờ tướng quân” đi đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nhân dân? Mấy thế hệ đã qua đều cho Nguyễn Bình Yên 71 rằng đó là một hạn chế của ông, phê phán ông. Đứng trên quan điểm lịch sử cụ thể thì động cơ và hành động của ông là phù hợp với yêu cầu chính trị, giai cấp, “đạo quân thần” đã chỉ ra. Ông hết lòng vì nước vì dân theo lập trường giai cấp của mình, vì “đạo” mà ông cầm quân dẹp “loạn đảng”. Dẹp xong “loạn Phan Bá Vành”, ông đưa tàn quân “loạn đảng” trở thành người khai hoang, lấn biển, rồi trao đất đó cho họ, tạo điều kiện cho họ làm ăn. Yêu nước, yêu dân của ông là ở chỗ đó. Ông cũng từng nếm chịu những bất công nhưng “cương thường” và chí “kinh bang tế thế” đã níu giữ ông, không để ông bất mãn, “nổi loạn” như Cao Bá Quát; đồng thời thúc đẩy ông tích cực sửa chữa xã hội bằng những giải pháp mới. Ông chưa có những điều kiện cần thiết để nhận thức cái mới của thế giới để có thể “tự mình canh tân mình” và đề xuất tư tưởng “canh tân” phát triển đất nước và cứu nước như Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ, Đặng Huy Trứ. Nguyễn Công Trứ quan niệm rằng giữ “đạo cương thường” đòi hỏi phải đặt trung, hiếu lên hàng đầu bởi đó là hai giá trị căn bản nhất; công danh sự nghiệp là lẽ sống, là thước đo thành công của người quân tử. Ông viết: “Có trung hiếu nên đứng trong trời đất/ Không công danh thời nát với cỏ cây”. Lý tưởng của ông không mới, vẫn nằm trong giới hạn của lý luận và lập trường Nho giáo phong kiến, nhưng lại gặp thời vận nên vẫn có thể phát huy vai trò của nó. Bởi lẽ, nhà Nguyễn giành được giang sơn bằng vũ lực với sự trợ giúp từ bên ngoài, nên không thể nhận được sự đồng thuận cao từ xã hội; thiết lập trật tự xã hội, sự trung thành của tứ dân là yêu cầu cấp thiết. Nho giáo đáp ứng được yêu cầu đó, cho nên làm cho Nho giáo trở lại vị trí độc tôn là một trong những vấn đề sống còn về mặt ý thức hệ của triều Nguyễn. Nhà Nguyễn đã thành công trong việc khôi phục, phát triển nền giáo dục nho học, thông qua khoa cử nho học để tuyển dụng quan lại. Mục tiêu và giải pháp gắn chặt với nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Qua thời Lê mạt, “cương thường” tưởng như đã là thứ lý luận không còn khả năng dẫn dắt, nay lại bùng cháy rực rỡ dưới triều Nguyễn, ít nhất dưới thời trị vì của các vị vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Tư tưởng của Nguyễn Công Trứ không nằm ngoài trào lưu ấy. Theo Nguyễn Công Trứ, muốn hoàn thành chức phận của mình kẻ sĩ phải nuôi “chí nam nhi”, trả “nợ tang bồng”, “nợ công danh”. Kẻ sĩ là người “tri mệnh thức thời duy tuấn kiệt”, “đấng trượng phu một túi kinh luân”. Kẻ sĩ phải học đạo và hành đạo. Quan niệm “hành đạo” thể hiện tập trung trong các bài thơ: Chí khí anh hùng, Nợ công danh, Nợ tang bồng, Gánh trung hiếu Nội dung cơ bản ở đó là lập thân, lập nghiệp bằng “hành đạo”, giúp đời, thực hiện bổn phận với nước, với dân. Nói cách khác, đó là trả món “nợ công danh”, “nợ tang bồng”, “nợ nam nhi”. Những món nợ ấy là bổn phận, trả được những món nợ đó thì “có danh”. Bổn phận của kẻ sĩ là cái được quy định sẵn bởi vũ trụ, “chí nam nhi” phải nhận lấy và gánh vác. Nói vũ trụ quy định bổn phận làm trai chỉ là một cách diễn đạt về vai trò, ý nghĩa cuộc sống của con người (nam nhi), cách nói này nhuốm màu duy tâm huyền bí. Song, quan niệm của ông có yếu tố tích cực rõ ràng, chứa đầy chí khí của con người có lý tưởng và khát vọng cống hiến, hay ít nhất là được thỏa chí làm trai. Ông viết: “Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây/Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn Khoa học xã hội Việt Nam, số 3 - 2019 72 bể”, “Chí những toan xẻ núi lấp sông/Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ”. Cả cuộc đời, ông luôn đem hết sức lực, trí tuệ và đạo đức của mình để thực hiện và thực hiện thành công khát vọng vì nước, vì dân. “Chí nam nhi” song hành với “hưởng lạc” là một nét đặc sắc trong quan niệm nhân sinh của Nguyễn Công Trứ. Nuôi “chí nam nhi”, trả “nợ công danh” đòi hỏi kẻ sĩ phải dấn thân, đương đầu và giải quyết những nhiệm vụ gian khổ, thậm chí hy sinh tính mạng của mình để có thể vẹn toàn trung, hiếu. Để dấn thân thành công, kẻ sĩ phải “tu thân”, “khắc kỉ phục lễ”, “trọng nghĩa khinh lợi”, không thay đổi lẽ sống trước nghèo khó, tiền bạc, quyền uy; hành vi phải đoan chính, nói năng đúng mực, “ăn tùy nơi, chơi tùy chốn” sao cho xứng đáng với phẩm giá của mình. Người ham hưởng lạc, muốn thanh nhàn là người không có “chí nam nhi”, chẳng thể vẫy vùng bốn phương, tạo lập công danh, đứng trong trời đất. “Chí nam nhi” và tư tưởng “hưởng lạc” tồn tại như những cái đối lập không thể dung hòa. Có thể nói, Nguyễn Công Trứ rất thành công trong việc xử lý cái “mâu thuẫn chết người” ấy. Ông vừa đề cao “chí nam nhi”, đã rất thành công trong dấn thân trả “nợ nam nhi”, lại vừa coi trọng “hưởng lạc”, “hưởng nhàn”, và đã tận hưởng thú vui ấy trong suốt mấy chục năm mỗi khi có thể. Dường như “hưởng lạc” không hại được “chí nam nhi” của ông và ông càng thực hiện được “chí nam nhi” bao nhiêu thì “hưởng lạc” của ông lại càng đạt đến trình độ cao bấy nhiêu, trở thành “triết lý hưởng lạc” riêng có của ông. Ban đầu, quan niệm “hưởng nhàn”, “hưởng lạc” hay “hành lạc” của ông chưa khác biệt với quan niệm của các thế hệ kẻ sĩ đi trước. Đó là lối sống tao nhã, lấy cái thanh tịnh nơi làng quê, “thâm sơn cùng cốc” làm bối cảnh, với “bầu rượu túi thơ”, “vịnh hoa thưởng nguyệt” để thể hiện sự viên mãn, thanh bạch của mình. “Hưởng lạc” cũng là một phần tất yếu của cuộc sống, nhưng nằm vào giai đoạn thứ ba của cuộc đời kẻ sỹ, sau khi đã hoàn thành việc trả “nợ nam nhi”. Về khuynh hướng tư tưởng, “hưởng nhàn” gần với quan niệm tiêu dao, phóng niệm của Đạo gia. Nhưng dần dần, ở Nguyễn Công Trứ đã hình thành triết lí “hành lạc” có nội dung khác hẳn, bao gồm từ những thú vui tao nhã đến những thú vui trần tục nhất, là một bộ phận tất yếu của cuộc sống con người. Ông viết: “Nhân sinh bất hành lạc/Thiên tuế diệc vi thương”; “Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy/Nếu không chơi thiệt ấy ai bù”, “Cuộc hành lạc vẫy vùng cho phỉ chí”. Và “hành lạc” có nội dung, hình thức phong phú, là vẻ đẹp của cuộc sống. Ông viết: “Đường ăn chơi mỗi vẻ mỗi hay”, “Có yến yến hường hường mới thú/ Khi đắc ý mắt đi mày lại”. Triết lí “hành lạc” của ông trong là một tuyên ngôn về hưởng thụ những thú vui trong đời, mà cho đến ngày nay vẫn ít có người sánh được, làm được như ông. Chính vì những tuyên ngôn như thế mà không ít người, xưa và nay, cho rằng hành lạc của Nguyễn Công Trứ là sự suy đồi, biểu hiện lối sống thiếu lý tưởng cao đẹp, không lối thoát của con người trong chế độ phong kiến đã đến giai đoạn khủng hoảng. Theo khuôn mẫu chung thì nhận xét đó có sự hợp lý nhất định, nhưng sự suy đồi, khuynh hướng “hưởng lạc” của người đời thời nào chẳng có, sự khác biệt có chăng chỉ là ở mức độ và cách biểu hiện mà thôi. Đối với Nguyễn Công Trứ, có lẽ “hành lạc” không phải là một sự “suy đồi” như vậy, giống về hành vi nhưng không cùng bản chất. “Hành lạc” ở ông không đơn thuần là thực hiện hành vi nhằm thỏa mãn tính dục; Nguyễn Bình Yên 73 thái độ của ông không giống với thái độ, lối hành xử của những kẻ chơi bời lỗ mãng, ăn bám, phá phách hay hành vi của những vua quan sa đọa, chỉ biết “hưởng lạc” mà quên cả trách nhiệm của mình. “Hành lạc” trong ông là một cuộc chơi hay, đúng hơn là một phương thức sống của kẻ sĩ bên cạnh “chí nam nhi”, bổ sung cho “chí nam nhi”. Ông viết: “Chơi cho lịch mới là chơi/ Chơi cho đài các cho người biết tay/Tài tình dễ mấy xưa nay”. Đó là cái “chơi” của giới thượng lưu được xã hội đương thời thừa nhận như một giá trị. Ví dụ, 73 tuổi ông còn cưới nàng hầu trẻ thì ngày nay người ta cho rằng đó là hôn nhân không dựa trên tình yêu, là coi thường phụ nữ. Nhưng đó lại là giá trị được xã hội đa thê thừa nhận. “Hưởng lạc” của ông còn là sự thụ hưởng các giá trị nghệ thuật, của văn hóa, văn nghệ mà hát ả đào, hát ca trù là một đại diện điển hình ông đắm say. Những đóng góp của ông vào hình thức nghệ thuật, văn hóa phi vật thể này cũng là một nét “hưởng lạc” của ông. Nếu xét theo góc độ của chủ nghĩa cá nhân phương Tây thì tư tưởng “hưởng lạc” của ông đi sau một bước, nhưng so với Việt Nam, nó đã đi trước thời đại hàng trăm năm. Công khai triết lý hưởng lạc cũng là một nét độc đáo trong quan niệm nhân sinh của ông, song cũng vì thế mà trong triều đình cũng như ngoài xã hội đều có bộ phận xét nét, dị nghị ông. Người đồng tình, mến mộ, muốn được như ông cũng nhiều. Kẻ phản đối, ghen ghét, lên án, muốn xa lánh và hạ bệ ông cũng lắm. Có người coi lối sinh hoạt phong lưu tình cảm, “hưởng lạc”của ông là biểu hiện của sự “đổ đốn”, suy đồi đạo đức của người quân tử, là biểu hiện của sự khủng hoảng, suy tàn của chế độ phong kiến. Triết lý nhân sinh Nho giáo dù có những giá trị nhân văn sâu sắc đến mấy cũng không tránh khỏi những hạn chế của chế độ mà nó phản ánh. Triết lý “hưởng lạc” của ông vừa có những nét tiến bộ đi trước thời đại hàng trăm năm khi nó đề cao tự do cá nhân, vừa chứa đựng những hạn chế sâu sắc bởi tính chất phụ quyền, “trọng nam khinh nữ”, coi người phụ nữ vốn “mắt đi mày lại” với ông chỉ là một thứ đồ chơi trong cái “nợ tang bồng” mà thôi. Những xét nét, dị nghị của xã hội từ khi ông còn “chức cao vọng trọng” đến khi ông nghỉ hưu không phải là không có căn cứ. Trong tư tưởng của Nguyễn Công Trứ về nhân sinh có sự dung hợp tư tưởng Nho, Phật, Lão với mức độ đậm nhạt khác nhau trong từng giai đoạn của cuộc đời ông. Khát vọng dấn thân cống hiến, lập công danh theo đạo quân thần Nho giáo là động lực thúc đẩy ông thời trai trẻ và khi làm quan. Giai đoạn cuối đời, lý tưởng ấy đã suy giảm nghiêm trọng. Trong Bài ca ngất ngưởng, bản tổng kết cuộc đời, ông chỉ ra rằng, chốn quan trường chỉ là cái “lồng” chật hẹp, hạn chế “chí nam nhi”, khiến ông không thể thỏa chí vẫy vùng để trả “nợ tang bồng” như ông từng mong ước. Cuối đời ông đến với tư tưởng Lão và Phật như một lẽ tự nhiên. Ông không phải là người đầu tiên hay người cuối cùng trong giới nho sĩ đến với Lão và Phật. Song, Lão và Phật chỉ bổ sung cho Nguyễn Công Trứ những gì mà Nho giáo chưa đáp ứng được. Các giáo lý ấy không đủ sức mạnh kéo ông ra khỏi đạo Nho để đi vào một con đường khác giống như một số trường hợp đã xảy ra. Chính vì vậy, khi tự do tự tại “hưởng lạc”, “hưởng nhàn”, triết lý “hưởng lạc” của ông mang màu sắc của cả Lão và Phật. Có ý kiến cho rằng cuối đời ông có phần thiên về Phật, bởi thơ ông có rất nhiều ý, lời mang đậm màu sắc Phật giáo, còn màu sắc Lão giáo có phần ít hơn. Nhưng cửa Phật dường như cũng trở nên chật hẹp hoặc quá buồn tẻ đối Khoa học xã hội Việt Nam, số 3 - 2019 74 với ông. Vì thế mà khi lên chùa lễ Phật, ông còn mang theo cả kép hát, ả đào; làm khuấy động cả không gian vốn yên tĩnh của nhà chùa. Có thể nói chí khí của ông quá lớn, “tam giáo” quá chật hẹp, đời lại quá phức tạp và mênh mông, nên cuối đời Nguyễn Công Trứ dường như đi vào bế tắc để rồi phải thốt lên rằng: “Ngồi buồn mà trách ông xanh/ Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười/Kiếp sau xin chớ làm người/Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Song, hình như cái tính “ngất ngưởng” vẫn đi cùng ông, khi ông nhắn nhủ người đời như một lời thách thức rằng: “Giữa trời vách đá cheo leo/Ai mà chịu rét thời trèo với thông”! Cái đặc sắc đến trái nghịch trong tư tưởng của ông phần lớn từ đó mà ra. 4. Kết luận Cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Công Trứ được tạo nên bởi những chuỗi sự kiện và những tư tưởng, tuy vẫn thuộc phạm trù Nho giáo phong kiến, nhưng chứa đựng những giá trị tích cực, nhân văn sâu sắc. Nguyễn Công Trứ là một mẫu mực của “kẻ sĩ” từ trong tư tưởng đến trong hành động. Ông là tấm gương của thực hiện “cương thường”, luôn kiên định lẽ sống của mình, hết lòng vì nước, vì dân, liêm chính và luôn hoàn thành tốt công vụ được giao. Nếu bỏ sang một bên cái hạn chế lịch sử giai cấp thì hoạt động công vụ (nhận bất cứ nhiệm vụ gì khi được giao, “thăng” không kiêu, “giáng” không nản, tìm mọi biện pháp để hoàn thành nhiệm vụ), đạo đức công vụ (tận tuỵ, liêm chính, vì lợi ích chung, lợi ích của nhân dân) của ông vẫn là tấm gương cho cán bộ, đảng viên ngày nay học tập, noi theo. Nguyễn Công Trứ là một mẫu mực về khát vọng sáng tạo và thực hiện sáng tạo nhằm cải biến thực tiễn vì lợi ích của đất nước, nhân dân. Ông dũng cảm dâng lên Gia Long kế sách trị quốc từ khi chỉ là hàn sĩ vô danh. Ông đề xuất và chỉ đạo công cuộc khai hoang ở nhiều nơi, lấn biển ở Bắc Bộ thành công, có giải pháp phát triển thương nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn nhằm phát triển kinh tế và ổn định chính trị xã hội. Triết lí “hành lạc”, “hưởng lạc” của Nguyễn Công Trứ là một hiện tượng vượt qua không gian xã hội phong kiến, có những yếu tố tích cực nhất định (phát triển toàn diện cá nhân, tôn trọng tự do cá nhân). Đó là một triết lí chưa được mài giũa, trình bày dưới dạng học thuyết, cho nên cũng còn chứa đựng nhiều yếu tố tiêu cực (khuyến khích tâm lý hưởng thụ; chưa chỉ ra được mối liên hệ giữa lao động cống hiến và hưởng thụ, hoàn cảnh kinh tế xã hội của chúng). Vì vậy, khi phân tích triết lí “hành lạc” của ông, cần có sự quan tâm hướng dẫn sâu sắc, cẩn trọng của người có trách nhiệm cầm bút, giảng dạy trên diễn đàn xã hội cũng như trong nhà trường. Tài liệu tham khảo [1] Nguyễn Hữu Sơn (2019) “Xu thế sáng tác hướng tâm và ly tâm trong thơ Nguyễn Công Trứ”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 1. [2] Trần Nho Thìn (2009), “Nhân cách của Nguyễn Công Trứ, nhìn từ quan điểm bản thể luận”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 3. [3] Nguyễn Công Trứ (2000), Tổng tập văn học Việt Nam, tập 14, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. [4] nam-ngay-mat-cua-nguyen-cong-tru-con- nhieu-dieu-vo-le-ve-ong-dang-cho-phia-truoc- 2603, truy cập ngày 6/4/2018. [5] tru-nhung-bai-hay-nhat, truy cập ngày 15/10/2018. [6] nguoi-xu-nghe6/nguoi-xu-nghe43/nguyen- cong-tru-mot-ca-nhan-mot-danh-nhan, truy cập ngày 11/8/2018. Nguyễn Bình Yên 75
File đính kèm:
- tu_tuong_cua_nguyen_cong_tru_ve_nhan_sinh.pdf