Luận án Nghiên cứu một số cơ sở khoa học nhằm phát triển cây ba kích (morinda officinalis how) tại tỉnh Bắc Giang
Ba kích hay còn có tên gọi khác là Ba kích thiên, Dây ruột gà, có tên khoa học là Morinda officinalis How họ Cà phê Rubiaceae. Cây có phân bố rộng ở nhiều tỉnh như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình, Hà Nội, (Đỗ Huy Bích và cộng sự, 2006).
Phát triển cây Ba kích đã được đề cập tới trong quy hoạch tổng thể phát triển cây dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Chính phủ tại Quyết định 1976/QĐ-TTg ký ngày 30/10/2013 của Thủ tướng chính phủ). Tỉnh Bắc Giang cũng đã đề ra nhiều kế hoạch, đề án, quyết định của tỉnh như: NQ 401-NQ/TU ngày 03/4/2019 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; Quyết định số 975/QĐ-UBND ngày 29/6/2018 của UBND tỉnh Bắc Giang về việc phê duyệt Đề án “Chương trình phát triển mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2023.
Mặc dù đã có chủ chương, tuy nhiên tại tỉnh Bắc Giang cây Ba kích còn phát triển rất chậm, còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết như chưa chọn được giống, chưa hoàn thiện được các biện pháp kỹ thuật nhân giống, gây trồng cụ thể nhằm nâng cao năng suất và chất lượng gắn với các điều kiện lập địa ở Bắc Giang.
Xuất phát từ những yêu cầu trên, đề tài “Nghiên cứu một số cơ sở khoa học nhằm phát triển cây Ba Kích (Morinda officinalis How) tại tỉnh Bắc Giang” đặt ra là rất cần thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.
Tóm tắt nội dung tài liệu: Luận án Nghiên cứu một số cơ sở khoa học nhằm phát triển cây ba kích (morinda officinalis how) tại tỉnh Bắc Giang
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT VIỆN KHOA HỌC LÂM NGHIỆP VIỆT NAM KIM NGỌC QUANG NGHIÊN CỨU MỘT SỐ CƠ SỞ KHOA HỌC NHẰM PHÁT TRIỂN CÂY BA KÍCH (Morinda officinalis How) TẠI TỈNH BẮC GIANG Chuyên ngành đào tạo: Lâm sinh Mã số: 9.62.02.05 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ LÂM NGHIỆP Hà Nội - 2021 Công trình được hoàn thành tại: VIỆN KHOA HỌC LÂM NGHIỆP VIỆT NAM Người hướng dẫn khoa học: GS.TS. Võ Đại Hải PGS.TS. Trần Văn Ơn Phản biện 1: GS. TS Hoàng Văn Sâm Phản biện 2: PGS. TS Trần Minh Hợi Phản biện 3: PGS. TS Trần Ngọc Hải Luận án được bảo vệ trước hội đồng chấm luận án cấp Viện họp tại: Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam vào hồi h ngày . tháng năm 2021 Có thể tìm hiểu luận án: - Thư viện Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam - Thư viện quốc gia NHỮNG CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 1. Kim Ngọc Quang, Nguyễn Mai Thơm, Võ Đại Hải (2020), “Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống Ba kích (Morinda officinalis How) tại Bắc Giang”, Tạp chí khoa học Lâm Nghiệp, số 4, tr. 3-13. 2. Ngô Thị Thu Hiền, Kim Ngọc Quang, Nguyễn Mai Thơm (2020), “Đặc điểm hình thái và đa dạng di truyền của các Giống cây ba kích (Morinda officinalis How)”, Tạp chí khoa học Lâm Nghiệp, số 4, tr. 62-72. PHẦN MỞ ĐẦU 1. Sự cần thiết của luận án Ba kích hay còn có tên gọi khác là Ba kích thiên, Dây ruột gà, có tên khoa học là Morinda officinalis How họ Cà phê Rubiaceae. Cây có phân bố rộng ở nhiều tỉnh như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình, Hà Nội, (Đỗ Huy Bích và cộng sự, 2006). Phát triển cây Ba kích đã được đề cập tới trong quy hoạch tổng thể phát triển cây dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Chính phủ tại Quyết định 1976/QĐ-TTg ký ngày 30/10/2013 của Thủ tướng chính phủ). Tỉnh Bắc Giang cũng đã đề ra nhiều kế hoạch, đề án, quyết định của tỉnh như: NQ 401-NQ/TU ngày 03/4/2019 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; Quyết định số 975/QĐ-UBND ngày 29/6/2018 của UBND tỉnh Bắc Giang về việc phê duyệt Đề án “Chương trình phát triển mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2023. Mặc dù đã có chủ chương, tuy nhiên tại tỉnh Bắc Giang cây Ba kích còn phát triển rất chậm, còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết như chưa chọn được giống, chưa hoàn thiện được các biện pháp kỹ thuật nhân giống, gây trồng cụ thể nhằm nâng cao năng suất và chất lượng gắn với các điều kiện lập địa ở Bắc Giang. Xuất phát từ những yêu cầu trên, đề tài “Nghiên cứu một số cơ sở khoa học nhằm phát triển cây Ba Kích (Morinda officinalis How) tại tỉnh Bắc Giang” đặt ra là rất cần thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. 2. Mục tiêu nghiên cứu 2.1. Về khoa học Xác định được một số cơ sở khoa học cho việc gây trồng và phát triển cây Ba kích có năng suất và chất lượng cao tại tỉnh Bắc Giang. 2.2. Về thực tiễn - Chọn được giống Ba kích có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh Bắc Giang. - Xác định được các biện pháp kỹ thuật nhân giống và trồng cây Ba kích ở tỉnh Bắc Giang. 3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án 3.1. Ý nghĩa khoa học Góp phần nghiên cứu đa dạng hình thái và đa dạng di truyền cây Ba kích ở một số tỉnh miền núi phía Bắc làm cơ sở cho công tác chọn giống, nhân giống và phát triển cây Ba kích tại Bắc Giang. 3.2. Ý nghĩa thực tiễn Đề xuất được các biện pháp kỹ thuật nhân giống và trồng cây Ba kích có năng suất và chất lượng cao tại tỉnh Bắc Giang. 4. Những đóng góp mới của luận án Luận án là công trình nghiên cứu tương đối toàn diện và có hệ thống về phát triển cây Ba kích tại Bắc Giang. Những đóng góp mới của luận án là: - Đã xác định được giống Ba kích BK9, BK11 có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh Bắc Giang. - Đã xác định được các biện pháp kỹ thuật nhân giống và trồng cây Ba kích ở tỉnh Bắc Giang. 5. Cấu trúc luận án Luận án được viết với tổng số 114 trang, tham khảo 91 tài liệu; Phần mở đầu: 5 trang; Chương 1. Tổng quan vấn đề nghiên cứu: 24 trang; Chương 2. Nội dung và phương pháp nghiên cứu: 22 trang; Chương 3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận: 61 trang; Kết luận, tồn tại và kiến nghị: 2 trang. Chương 1 TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1. Trên thế giới 1.1.1. Tên gọi, phân loại, đặc điểm hình thái và đa dạng di truyền Ba kích có tên khoa học là Morinda officinalis How, thuộc chi Morinda, họ Cà phê Rubiaceae, tên gọi khác Radix morindae Officinalis, Moninda root, Medicinal mulberry Root, Morinda officinalis. Tuy nhiên, Morinda officinalis How được các nhà khoa học thống nhất sử dụng (Tao Chen và cộng sự, 2011). Ba kích là cây dây leo, sống lâu năm. Lá đơn mọc đối, có lá kèm trong suốt ở gốc cuống lá. Cuống lá dài 4 - 11mm, có lông màu nâu. Mặt trên và dưới của phiến lá có lông nhỏ. Cụm hoa có từ 4 - 25 hoa. Hoa hợp nhất, đài hoa có lông măng nhẵn. Các quả hạch hoàn toàn hợp nhất, màu đỏ, gần giống hình cầu, quả chín tháng 10 đến tháng 11 (Tao chen và cộng sự, 2011). Củ Ba kích có hình trụ, hơi dẹt và cong. Đường kính củ từ 0,5 - 2cm, thắt từng đoạn theo chiều dọc của củ. Năm 2006, Ding và cộng sự đã phân tích sự đa dạng di truyền Ba kích bằng chỉ thị RAPD. Trong số 40 mồi RAPD được sử dụng thì 14 mồi cho sản phẩm đa hình. Qua phân tích kết quả, tác giả đưa ra kết luận cây Ba kích có sự đa dạng ở mức độ phân tử (Ding P và cộng sự, 2006). 1.1.2. Đặc điểm phân bố và sinh thái Tại Trung Quốc Ba kích là cây ưa ẩm, ưa sáng và hơi chịu bóng khi còn non, có phân bố tự nhiên tại các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam. Cây có phân bố ở nhiều trạng thái rừng và trạng thái cây bụi thưa hay dày đặc ở trên núi ở độ cao 100 - 500m (Tao chen và cộng sự, 2011). Cây thích hợp ở những nơi có nhiệt độ bình quân năm là 210C, nhiệt độ trung bình tháng từ 20 - 250C, lượng mưa trên 1.500mm. 1.1.3. Giá trị sử dụng Củ Ba kích có vị ngọt hơi chát, tính ấm quy vào các kinh gan và thận là một loại dược liệu quý truyền thống của người Trung Quốc, được sử dụng để bồi bổ sức khoẻ, tráng dương, giảm đau, tăng cường cơ bắp và xương, chữa bệnh thấp khớp (Yao, và cộng sự 1998). Củ Ba kích phối hợp với các vị thuốc khác dùng chữa các bệnh về thận như tiểu không tự chủ, chứng bất lực ở nam giới, đau lạnh bụng dưới, làm tăng nội tiết tố ở phụ nữ và của nam giới. 1.1.4. Kỹ thuật nhân giống và gây trồng Lou Jinhui và cộng sự, (1991) đã nghiên cứu ảnh hưởng của một số nhân tố tới khả năng nảy mầm của hạt Ba kích như đặc điểm hình thái hạt, khả năng hút ẩm tự nhiên. Kết quả cho thấy các hạt chắc, mẩy, khối lượng 1.000 hạt khoảng 38,03g, xử lý 4 mg/l (6-BA) cho tỷ lệ nảy mầm tốt nhất, đạt 88,9%. Hạt giống nên thu hái quả chín từ cây 3 năm tuổi trở lên. Làm luống đất gieo ươm tơi xốp, bằng phẳng, tưới ẩm sau đó gieo hạt lên trên rồi phủ một lớp đất mỏng khoảng 1cm, phủ một lớp rơm rạ lên phía trên rồi tưới nước ẩm cho tới khi hạt bắt đầu nảy mầm thì loại bỏ lớp rơm rạ và làm giàn che để che bóng. Sau đó cấy cây mạ vào bầu, cũng có thể gieo trực tiếp hạt vào bầu đất. Cây để lấy hom có tuổi từ 2 - 3 năm, sinh trưởng phát triển tốt. Hom có chiều dài khoảng 5cm. Khi giâm hom có thể sử dụng chất kích thích ra rễ, lấp khoảng 2/3 chiều dài hom sẽ cho tỷ lệ sống là cao hơn. Không bón phân ở giai đoạn đầu phát triển của cây. Khi cây có chiều cao khoảng trên 10cm thì tiến hành tưới đạm urê với nồng độ 0,1% (WHO - IUCN – WWF, 1993). Zhongguo Zhong Yao Za Zhi (2002) nghiên cứu nhân giống in vitro cây Ba kích cho thấy sử dụng môi trường cơ bản với BA 1 mg/l có hiệu quả tới sự hình thành chồi trực tiếp và tần số của chồi là 97,8%. Khi nồng độ BA tăng lên, khả năng hình thành chồi giảm. Môi trường tối ưu để hình thành rễ và chồi là môi trường cơ bản có bổ sung 0,2 - 0,5 mg/l NAA và tỷ lệ cảm ứng gốc trên 80,0%. Sau 1,5 tháng nuôi cấy đã có 14,8% chồi hình thành. Cây Ba kích trồng có chiều cao khoảng 30cm, trồng vào mùa xuân cho tỷ lệ sống tốt hơn trồng vào vụ hè, nếu trồng vào mùa hè cần chọn những ngày râm mát hoặc có mưa nhỏ để đảm bảo tỷ lệ sống cao. Chăm sóc 2 năm đầu sau khi trồng. Chủ yếu là làm cỏ kết hợp với bón phân, mỗi năm chăm sóc 2 - 3 lần, tránh làm tổn thương bộ rễ. Bón phân vào mùa xuân và mùa hè. Phân bón chủ yếu trong 2 năm đầu tiên là đạm urê và phân hữu cơ như phân chuồng và các loại phân tương tự. Khi cây được 4 - 6 năm thì lúc này chủ yếu bón phân kali là chính ( Ba kích thường bị thối rễ, cây héo vàng và chết từ dưới gốc lên, với bệnh này cần nhổ bỏ cây chết, xới đất quanh gốc, rắc tro trộn với vôi bột xung quanh gốc cây chết, có thể sử dụng dung dịch Bordeaux pha loãng nồng độ 0,8% để phòng trừ. Có thể thu hoạch củ Ba kích chỉ sau 3 năm và trồng lại. Tuy nhiên, năng suất và chất lượng củ đạt cao nhất sau 6 năm trồng. 1.2. Ở Việt Nam 1.2.1. Tên gọi, phân loại, đặc điểm hình thái và đa dạng di truyền Ba kích có tên khoa học là Morinda officinalis How. Thuộc họ Cà phê Rubiaceae (Vụ KHCN và chất lượng sản phẩm, 2000). Có nhiều tài liệu của các tác giả trong nước đề cập tới như: Nguyễn Tiến Bân (1997). Lê Mộng Chân và Lê Thị Huyên (2000). Có thể tóm tắt đặc điểm hình thái của loài Ba kích như sau: - Cây dây leo thân cỏ, sống lâu năm. Thân non phớt tím, có cạnh dọc thân, phủ lông dài, mềm màu nâu vàng. Lá đơn mọc đối, hình trái xoan dài, đầu và đuôi nhọn dần, dài 6 - 9cm, rộng 2,5 - 5cm; mép lá nguyên, thường có lông thưa. Lá kèm trong suốt nối 2 gốc cuống lá, lúc non màu xanh sau trắng. - Hoa tự hình cầu, thường tập trung 2 - 4 hoa ở đầu cành. Hoa lưỡng tính. Ống đài hình bán cầu, mép có răng cưa mờ. Tràng hình ống, mép hơi loe, có 4 - 5 răng, màu trắng. Nhị đính trên họng tràng. Bầu 2 ô, vòi nhụy dài, đầu nhụy 2. Quả hạch hình cầu bẹt, khi chín màu đỏ. Củ mập, hình trụ dài, thắt từng đoạn giống như ruột gà. - Cây mọc nhanh, mùa khô có thể rụng lá hàng loạt. Mùa hoa tháng 2 - 4, quả chín tháng 10 - 12. Năm 2010, Nguyễn Cẩm Dương đã sử dụng chỉ thị ADN (RAPD-PCR) để phân biệt các dạng hình thái khác nhau của loài Ba kích. Nghiên cứu di truyền của 25 mẫu Ba kích thu ở Quảng Ninh. Nghiên cứu cho thấy về di truyền giữa 25 mẫu loài Ba kích thu thập trong nghiên cứu được chia thành hai nhóm lớn rõ rệt: - Nhóm (I): Bao gồm các mẫu Ba kích có đặc điểm hình thái thân có lông (L) có hệ số tương đồng di truyền dao động từ 0,54 đến 0,88. - Nhóm (II): Là các mẫu Ba kích có đặc điểm hình thái thân không có lông (K) có hệ số tương đồng di truyền giữa chúng từ 0,56 đến 0,95. Năm 2018, Lê Hoàng Khẩn đã tiến hành nghiên cứu đa dạng di truyền của các quần thể Ba kích tại khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng. Tác giả đã xây dựng được sơ đồ cây thể hiện mối quan hệ di truyền của 11 mẫu Ba kích thu tại khu vực nghiên cứu và đi tới kết luận, các quần thể Ba kích tại khu vực có tính đa dạng di truyền tương đối cao. 1.2.2. Đặc điểm phân bố và sinh thái Ở Việt Nam, Ba kích có phân bố tự nhiên ở nhiều tỉnh như: Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội, Hòa Bình,... Gần đây mới phát hiện Ba kích có ở huyện Tây Giang của tỉnh Quảng Nam và huyện Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị. Ba kích thích hợp trên đất Feralit đỏ vàng hay vàng đỏ (Nguyễn Tập, 2007). Cây ưa ẩm, ưa sáng và chịu bóng khi còn nhỏ. Cây thường mọc ở rừng thứ sinh, ven đồi cây bụi hoặc trên đất nương rẫy đã bỏ hoang lâu ngày. Độ cao phân bố từ 300 - 900 m. Cây thích hợp ở nơi có khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng và ẩm, nhiệt độ trung bình năm khoảng 230C, lượng mưa trung bình năm trên 2.000 mm/năm. Cây có khả năng tái sinh hạt và chồi tốt (Nguyễn Tập, 2007). Tuy nhiên, theo Đỗ Huy Bích và cộng sự (2004) thì cây Ba kích có phân bố tập trung chủ yếu ở độ cao dưới 300 m. 1.2.3. Giá trị sử dụng Củ Ba kích là vị thuốc được sử dụng rộng rãi như một loại dược liệu quý, có tác dụng bổ thận âm, bổ thận dương, tăng cường gân cốt, khử phong thấp. Ngoài ra, các dịch chiết xuất từ củ Ba kích còn có tác dụng tăng sức dẻo dai, sức đề kháng, chống viêm, (Đỗ Tất Lợi, 2004, 2019). Trên thực nghiệm, khi dùng củ Ba kích với liều 5 - 10g/kg thể trọng dùng liên tiếp 7 ngày cho thấy có tác dụng tăng sức dẻo dai cho súc vật thí nghiệm (Bộ y tế, 2010, 2014; Viện dược liệu, 1998, 2013). 1.2.4. Kỹ thuật nhân giống và gây trồng Cây Ba kích để lấy hạt và hom từ 3 - 5 tuổi trở lên, cây sinh trưởng phát triển tốt. Khi quả đã chín đỏ thì tiến hành thu hái, quả thu hái về ủ 2 - 3 ngày cho mềm vỏ để chế biến lấy hạt, chà xát, loại bỏ phần thịt quả và hạt lép, vớt ra phơi trong nắng nhẹ cho ráo vỏ sau đó đem gieo ngay. Trộn hạt Ba kích với cát vàng theo tỷ lệ 1 hạt + 3 cát ủ trong túi vải và tưới ẩm hàng ngày. Sau 17 - 25 ngày, hạt nứt nanh thì đem cấy vào bầu, tỷ lệ nảy mầm đạt cao nhất tới 91%, sau 35 - 45 ngày cây mầm nhú lên khỏi mặt đất (Nguyễn Tập, 2007; Nguyễn Tập, Nguyễn Chiều, 2007). Phạm Xuân Luôn và cộng sự (2015) đã nghiên cứu chất điều hòa sinh trưởng kích phát tố cho hoa trái đã ảnh hưởng tích cực đến năng suất chất lượng hạt giống Ba kích. Kỹ thuật gieo ươm hạt giống cũng có ảnh hưởng rõ rệt tới sinh trưởng của cây con. Gieo hạt trên luống có tỷ lệ nảy mầm của hạt cao nhất (79,16%), thời gian nảy mầm của hạt ngắn nhất (bắt đầu 47 ngày, kết thúc 58 ngày), cây sinh trưởng, phát triển nhanh nhất khi cây 8 -10 tháng tuổi (cao 65,62cm, đường kính gốc 0,42cm, số lá thật 7,21 cặp lá). Năm 1971 - 1972, Lê Đình Dung và Mai Nghị đã nghiên cứu nhân giống Ba kích bằng hom rễ. Các tác giả đã đào rễ Ba kích mọc tự nhiên, cắt thành từng đoạn 20cm, tạo được 3.496 hom trồng thí nghiệm. Tuy nhiên thí nghiệm này đã không thành công và hầu hết hom rễ Ba kích đã bị chết (Mai Nghị, 1971; Lê Đình Dung, 1972). Nguyễn Chiều và cộng sự (2006) cho biết tỉ lệ hom ra rễ cao nhất 48,75%, những hom có rễ cho vào bầu tiếp tục chăm sóc đến ngày thứ 73 mới có hom đầu tiên ra chồi. Theo Ngô Xuân Bình (2009) thì vật liệu nuôi cấy mô Ba kích nên lấy ở chồi nách của cây mẹ có tuổi từ 1 - 2 năm. Sau khi tạo được cây thì chọn những chồi có 2 - 3 cặp lá thật, chiều cao 1 - 2cm, có 2 - 3 rễ mập, trắng để đưa ra huấn luyện cây. Tỷ lệ sống của cây ra bầu đạt từ 85 - 90%. Sau 3 - 4 tháng khi cây cao 30 - 40cm thì có thể đem trồng. Võ Châu Tuấn, Huỳnh Minh Tư (2010) đã nghiên cứu nhân giống vô tính nuôi cấy mô cho kết quả tái sinh chồi in vitro trên môi trường cơ bản MS bổ sung 0,25 mg/l KIN tốt. Số chồi in vitro đạt lớn nhất trên môi trường cơ bản MS bổ sung 3,5 mg/L BA + 0,2 mg/l IBA (với 15,00 chồi/mẫu cấy). Chồi được tạo rễ trên môi trường MS bổ sung IBA hoặc NAA, hình thành rễ tốt nhất trên môi trường MS bổ sung 0,2 - 0,25 mg/l IBA. Cây in vitro đưa ra nhà lưới, 97,9% cây sống và thích nghi với điều kiện tự nhiên. Hoàn ... hom Ba kích. 3.4.2.2. Nghiên cứu thời vụ giâm hom Ba kích Ảnh hưởng của thời vụ giâm hom Ba kích đến khả năng ra rễ của hom, tỷ lệ hom sống, tỷ lệ, chất lượng cây hom đạt tiêu chuẩn xuất vườn cho thấy: - Giâm hom vào vụ Xuân hoặc Hè thời gian hom bắt đầu nảy chồi thường sớm hơn so với vụ Đông từ 2 - 3 ngày (sau 15 - 16 ngày hom bắt đầu nảy chồi). Tuy nhiên, sự chênh lệch về thời gian ra rễ giữa các vụ giâm hom lại không đáng kể, dao động từ 19 - 20 ngày. Vụ Xuân, Thu hoặc Đông cho tỷ lệ hom sống dao động từ 82,4 - 88,2%, vụ Hè chỉ đạt 70,7%. Tỷ lệ cây con xuất vườn vụ Xuân, Thu, Đông từ 73,6 - 87,2% là cao hơn hẳn vụ Hè chỉ đạt 67,9%. - Giâm hom vào vụ Xuân, Hè, Thu thời gian cây hom đạt tiêu chuẩn xuất vườn dao động từ 117 - 120 ngày. Vụ Đông thì thời gian cây đạt tiêu chuẩn dài hơn trung bình khoảng 15 ngày so với các vụ còn lại. - Cây giống xuất vườn vụ Xuân và vụ Đông tốt hơn so với vụ Hè và vụ Thu, thể hiện ở các chỉ tiêu chiều cao cây, số lá/cây và chiều dài rễ lớn hơn. 3.4.2.3. Nghiên cứu ảnh hưởng của loại hom đến sự nảy chồi, ra rễ của hom và tỷ lệ cây con đạt tiêu chuẩn xuất vườn - Loại hom giâm có ảnh hưởng lớn. Cụ thể, hom giâm là hom giữa cho thời gian nảy chồi của hom sớm nhất (16 ngày), thời gian hom bắt đầu ra rễ là 19 ngày, tỷ lệ sống của hom cao nhất đạt 95,6% và thời gian cây con đạt tiêu chuẩn xuất vườn ngắn nhất (118 ngày). Với hom ngọn với thời gian hom bắt đầu nảy chồi là 19 ngày, thời gian hom bắt đầu ra rễ là 22 ngày và tỷ lệ sống của hom đạt 84,8%; thấp nhất là công thức hom gốc với các chỉ số thời gian hom bắt đầu nảy chồi và ra rễ lâu hơn, tỷ lệ sống của hom chỉ đạt 74,7%. Sử dụng giá trị Lsd cho thấy sử dụng hom giữa là tốt nhất. - Sử dụng hom giữa cây sinh trưởng tốt hơn thể hiện chiều cao cây đạt 23,7cm, số lá/cây đạt 7,4 và chiều dài rễ là 17,8 cm, cao hơn rất nhiều so với hom ngọn và hom gốc. Kết quả tính toán thống kê cho thấy Fpr tính toán <0,05 nên có sự sai khác ở mức có ý nghĩa về mặt thống kê về các chỉ tiêu chiều cao, số lá/cây và chiều dài rễ, công thức hom giữa là tốt nhất. Điều này dẫn đến tỷ lệ cây con đạt tiêu chuẩn xuất vườn cao nhất ở hom giữa (87,2%) so với hom ngọn là 74,3% và hom gốc là 72,0. 3.4.2.4. Nghiên cứu khả năng nhân giống bằng hom của 11 giống Ba kích tại Bắc Giang Ảnh hưởng của nguồn giống Ba kích đến khả năng ra rễ của hom, tỷ lệ hom sống, tỷ lệ cây hom đạt tiêu chuẩn, chất lượng xuất vườn cho thấy: Thời gian hom bắt đầu nảy chồi và ra rễ của 11 giống Ba kích không có sự khác biệt rõ rệt và chỉ dao động trong một phạm vi hẹp, cụ thể thời gian bắt đầu nảy chồi của hom dao động 14 - 16 ngày và không có sự khác biệt giữa các giống (Fpr = 0,954 > 0,05); thời gian bắt đầu ra rễ của hom 17 - 20 ngày và cũng không có sự khác biệt giữa các giống (Fpr = 0,716 > 0,05). Tỷ lệ cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn cao nhất ở giống BK11 với 87,6%, giống BK9 xếp thứ hai với 86,6%. Giống có tỷ lệ cây con đạt tiêu chuẩn xuất vườn thấp nhất là BK6 khi chỉ đạt 80,7%. Kết quả tính toán Fpr = 0,02 <0 ,05 nên sự khác biệt giữa các công thức là có ý nghĩa về mặt thống kê. Sử dụng chỉ tiêu Lsd ta thấy công thức BK11 và BK9 là tốt nhất. Thời gian cây con đạt tiêu chuẩn xuất vườn không có sự khác biệt giữa các công thức (Fpr = 0,342 > 0,05), dao động từ 120 - 126 ngày. Sinh trưởng chiều cao của hom giâm các giống không có sự biến động nhiều, chủ yếu dao động trong phạm vi từ 23,2 - 23,5cm, có 2 giống cho sinh trưởng chiều cao tốt nhất là BK11 với 25,7cm và BK9 với 25,4cm. Về chỉ tiêu số lá/cây cũng không có sự khác biệt nhiều giữa các giống, dao động từ 7,11 - 8,44 lá/cây. Hai giống có số lá/cây nhiều nhất là BK11 (8,4 lá/cây) và BK9 (8,2 lá/cây). Chiều dài rễ hom giâm cũng có quy luật biến đổi như chỉ tiêu sinh trưởng chiều cao và số lá/cây, giống BK11 và BK9 có chiều dài rễ 18,1 cm, các giống còn lại chiều dài rễ dao động từ 14,8 - 15,4cm. Kết quả tính Fpr = 0,015 < 0,05 cho thấy có sự khác biệt giữa các công thức thí nghiệm, sử dụng chỉ tiêu Lsd cho thấy giống BK11 và BK9 là tốt nhất. 3.5. Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật trồng cây Ba kích tại Bắc Giang 3.5.1. Ảnh hưởng của độ tàn che đến sinh trưởng và sản lượng củ Ba kích Sau 18 tháng trồng cho thấy: - Tỷ lệ sống của Ba kích trồng ở các độ tàn che khác nhau đều đạt rất cao, dao động từ 94,6 - 97,5%, điều này cho thấy cây có biên độ khá rộng với nhân tố ánh sáng. - Độ tàn che có ảnh hưởng rõ rệt tới các chỉ tiêu sinh trưởng đường kính gốc, số nhánh cấp 3 và số cặp lá/cây (Fpr < 0,01), trong đó cây sinh trưởng tốt nhất khi được trồng trên đất trống (đạt đường kính gốc 7,6mm, số nhánh cấp 3 là 44,8 nhánh/cây và số cặp lá đạt 60,8 cặp lá/cây). Khi độ tàn che tăng lên (từ 0,2 đến 0,7), các chỉ tiêu sinh trưởng của Ba kích có xu hướng giảm mạnh, chỉ đạt 3,8mm về đường kính gốc, 17,5 nhánh/cây và 32,9 cặp lá/cây khi trồng dưới điều kiện có độ tàn che 0,6 - 0,7. Đánh giá bước đầu về sinh trưởng của cây Ba kích sau 18 tháng trồng cho thấy Ba kích sinh trưởng tốt nhất ở điều kiện đất trống. Sản lượng củ Ba kích sau 54 tháng cho thấy có xu hướng tăng dần, trồng ở nơi đất trống đạt 3,7 tấn/ha và 4,2 tấn/ha khi trồng ở độ tàn che 0,2 - 0,3, giảm xuống chỉ còn 3,1 tấn/ha khi trồng ở nơi có độ tàn che 0,4 - 0,5 và giảm mạnh chỉ còn 2,1 tấn/ha khi trồng trong điều kiện tàn che 0,6 - 0,7. Điều này cho thấy, Ba kích cho sản lượng củ tốt nhất ở điều kiện che bóng nhẹ (0,2 - 0,3). Cây cũng có thể trồng ở nơi đất trống và cũng cho sản lượng củ khá tốt. 3.5.2. Ảnh hưởng của loại tán cây đến sinh trưởng và sản lượng củ Ba kích - Tỷ lệ sống của Ba kích trồng dưới các loại tán che 0,3 - 0,4 đều đạt khá cao sau 18 tháng trồng dao động từ 87,3 - 90,8%. - Tuy nhiên, các chỉ tiêu sinh trưởng về đường kính gốc, chiều dài thân, số cặp lá/cây và số nhánh cấp 3 lại có sự khác biệt đáng kể giữa các công thức thí nghiệm sau 18 tháng trồng (Fpr < 0,01). Ba kích được trồng dưới tán rừng tự nhiên hoặc dưới tán vườn Vải cho các chỉ tiêu sinh trưởng tốt hơn hẳn so với trồng dưới tán rừng Keo lai, đạt 7,1 - 7,3mm về đường kính gốc 243,6 - 260,6cm về chiều dài thân, 51,1 - 55,8 cặp lá/cây và đạt 52,8 - 55,3 nhánh cấp 3/cây trong khi các trị số tương ứng khi trồng dưới tán rừng Keo chỉ đạt 5,0 mm, 230,9cm, 36,9 cặp lá/cây và 43,3 nhánh cấp 3/cây. Sau 54 tháng trồng cho thấy, sản lượng củ Ba kích trồng dưới tán vườn Vải đạt cao nhất với 4,6 tấn củ/ha, tiếp đến là trồng dưới tán rừng tự nhiên đạt 3,6 tấn củ/ha, dưới tán rừng Keo rất thấp, chỉ đạt 1,0 tấn củ/ha, thấp hơn xấp xỉ 3 - 5 lần so với các thí nghiệm còn lại. 3.5.3. Ảnh hưởng của cây hom và cây hạt Ba kích đến sinh trưởng và sản lượng củ Ba kích - Sau 18 tháng trồng, ngoại trừ chỉ tiêu chiều dài thân, tỷ lệ sống và các chỉ tiêu sinh trưởng khác của Ba kích trồng bằng hom đều tốt hơn hẳn so với cây trồng bằng hạt (Fpr < 0,01), đạt tỷ lệ sống 88,5%, đường kính gốc 6,2mm, số cặp lá 68,1 cặp lá/cây và 42,7 nhánh cấp 3/cây đối với cây trồng bằng hom, trong khi trị số tương ứng với cây hạt chỉ đạt 82,5%, 4,6mm, 48,5 cặp lá/cây và 25,5 nhánh cấp 3/cây. - Sau 54 tháng trồng, sản lượng Ba kích trồng bằng hom đạt 4,8 tấn củ/ha là cao hơn hẳn so với cây trồng bằng hạt (3,7 tấn củ/ha) (Fpr < 0,01). Kết quả đánh giá cả về sinh trưởng và năng suất củ đều cho thấy trồng Ba kích bằng cây hom cho hiệu quả tốt hơn so với cây hạt. Điều này có thể là do Ba kích được nhân giống bằng hom duy trì được đặc tính tốt của cây mẹ tốt hơn so với cây hạt. 3.5.4. Nghiên cứu ảnh hưởng của phân bón đến sinh trưởng và sản lượng củ Ba kích - Sau 18 tháng trồng, tỷ lệ sống của Ba kích có sự biến động lớn, dao động từ 84,7 - 94,6%, trong đó cao nhất ở công thức CT4 đạt 94,6% và thâp nhất ở công thức CT1 chỉ đạt 84,7%. - Phân bón có ảnh hưởng rõ rệt tới các chỉ tiêu sinh trưởng của Ba kích sau 18 tháng trồng (Fpr < 0,01), trong đó công thức bón phân CT4 đạt đường kính gốc 8,5 mm, 109,7 cặp lá/cây và 41,2 nhánh cấp 3/cây là cao hơn hẳn so với các công thức còn lại, chỉ đạt các giá trị tương ứng dao động 5,2 - 6,8mm, 57,6 - 83,1 cặp lá/cây và 24,0 nhánh cấp 3/cây. - Sản lượng củ Ba kích ở các công thức thí nghiệm bón phân dao động 3,5 - 5,2 tấn củ/ha, trong đó đạt cao nhất ở công thức CT4 với 5,2 tấn củ/ha và thấp nhất ở công thức CT1 chỉ đạt 3,5 tấn củ/ha. Kết quả nghiên cứu trên cho thấy, việc sử dụng phối hợp giữa phân chuồng + phân hỗn hợp (NPK + Lân + Kali) + phân vi sinh (công thức CT4) đã có tác động tốt nhất tới sinh trưởng và năng suất củ của Ba kích so với việc chỉ sử dụng phân NPK (CT1), phối hợp giữa phân chuồng với phân NPK hoặc phân chuồng với phân hỗn hợp (CT2, CT3). 3.6. Đề xuất một số giải pháp kỹ thuật để phát triển cây Ba kích tại Bắc Giang Từ các kết quả nghiên cứu thu được, Luận án đề xuất một số các giải pháp sau đây để phát triển cây Ba kích trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. - Chọn giống Ba kích: Sử dụng giống BK11 để trồng ở tỉnh Bắc Giang là tốt nhất. - Nhân giống Ba kích bằng hạt + Thu hái, sơ chế hạt giống: Chọn quả chín đỏ, sau khi thu về, loại bỏ quả thối, quả lép. Mang quả ủ trong túi vải hoặc cho vào trong khăn bọc kín từ 2 - 3 ngày cho chín đều đến khi thịt quả thối nhũn ra thì xát và rửa bỏ phần thịt, đãi lấy hạt, loại bỏ hạt lép, hạt thối. + Bảo quản hạt: Hạt giống Ba kích thu hái về cần phải gieo ngay sẽ cho tỷ lệ nảy mầm cao. Trong trường hợp cần phải bảo quản hạt thì cho vào ngăn mát tủ lạnh từ 3 - 50C. Thời gian bảo quản hạt không nên kéo dài vì tỷ lệ nảy mầm sẽ giảm theo thời gian bảo quản. Bảo quản trong thời gian 3 tháng cho tỷ lệ nảy mầm còn 70,3%, bảo quản 6 tháng tỷ lệ nảy mầm chỉ còn 54%. Vì vậy, không nên kéo dài thời gian bảo quản quá 6 tháng. + Xử lý hạt giống Ba kích: Ngâm hạt trong dung dịch Gyberelin (GA3) 100 ppm trong 8 giờ cho tỷ lệ nảy mầm cao nhất. Sau khi sử lý hạt giống vớt ra để cho ráo nước, gieo hạt trên cát ẩm (phủ lớp cát dày từ 1,5 - 2cm) cho đến khi hạt nảy mầm. + Tra hạt vào bầu: Chọn những hạt đã nảy mầm để tra vào bầu, độ sâu lấp hạt 0,5cm. Vỏ bầu PE có kích thước 9 x 12cm. Thành phần hỗn hợp ruột bầu gồm 78% đất + 20% phân chuồng hoai + 2% Supe lân. + Chăm sóc: Thường xuyên tưới nước đủ ẩm, làm cỏ, phá váng, theo dõi tình hình sâu bệnh hại của cây con trong vườn ươm. + Tiêu chuẩn cây con xuất vườn: Cây 4 - 5 tháng tuổi, cao 20 - 25cm, có 4 - 5 lá, chiều dài rễ 5 - 10cm, cây sinh trưởng phát triển tốt, không bị sâu bệnh, không cụt ngọn. - Nhân giống Ba kích bằng hom + Nhân giống hom Ba kích sử dụng chất kích thích sinh trưởng IBA nồng độ 1.000 - 1.500 ppm. Sử dụng hom giữa để nhân giống. Thời vụ giâm hom vào vụ đông (tháng 11 - 12). + Bầu giâm hom: Vỏ bầu PE có kích thước 9 x 12cm. Thành phần hỗn hợp ruột bầu gồm 78% đất + 20% phân chuồng hoai + 2% Supe lân. + Chăm sóc: Trong 15 - 20 ngày đầu, cứ sau 1h - 1h30 phút (tùy điều kiện thời tiết) tưới phun sương 1 lần, thời gian 1 lần phun là 4 - 5 giây. Sau 21 - 30 ngày, định kỳ sau 1h30 - 2h phun 1 lần, mỗi lần phun 4 - 5 giây. Từ ngày 31 - 45, tưới phun sương ngày 2 lần vào lúc 9 giờ sáng và 4 giờ chiều, mỗi lần phun sương 8 - 10 giây. Sau 2 tháng tưới theo chế độ vườn ươm bình thường (tưới phun 3 lần/ngày, mỗi lần 1 phút). Trước khi xuất vườn chỉ tưới phun mỗi ngày 2 lần theo chế độ tưới ở vườn ươm. Kiểm tra theo dõi luống cắm hom khi tỷ lệ cây ra lá đạt 60 - 80% tiến hành mở dần nilon ra (vén 2 đầu và chân luống khoảng 10cm); khi 100% lá mầm chuyển sang màu xanh thẫm (lá già) tiến hành bỏ nilon trắng thay bằng lưới đen (khoảng sau 1 tháng kể từ khi hom ra lá mầm). + Tiêu chuẩn cây con xuất vườn: Cây 3 - 4 tháng tuổi, cao 15 - 20cm, có 4 - 5 lá, chiều dài rễ 5 - 10cm, cây sinh trưởng phát triển tốt, không bị sâu bệnh, không cụt ngọn. - Kỹ thuật trồng Ba kích Ba kích có thể trồng trên đất trống hoặc dưới tán rừng tự nhiên, vườn cây cây Vải có độ tàn che 0,2 - 0,3. + Đất đai: Đất feralit nâu vàng, phát triển trên đá biến chất, đá trầm tích có kết cấu hạt thô (Fc). Đất tầng dầy, tơi xốp, ít đá lẫn, thoát nước tốt. + Khí hậu: Nhiệt độ trung bình năm 23 - 250C. Lượng mưa trung bình năm từ 1.350 - 1.700mm/năm. + Dùng cây hom trồng thay vì cây hạt sẽ cho sinh trưởng và năng suất củ cao. Trồng nơi đất trống mật độ 8.000 cây/ha (1m x 1,25m), trồng dưới tán mật độ 5.000 cây/ha (1m x 2m). + Trồng và chăm sóc: Chọn ngày râm mát hoặc có mưa nhỏ để trồng. Trồng Ba kích cần làm dàn che hoặc giá thể cho cây leo. Sau 6 tháng cây bắt đầu leo dàn thì tiến hành chăm sóc làm cỏ bón phân. Bón phân: Bón lót (1kg phân chuồng + 0,05kg phân hỗn hợp + 0,1kg phân vi sinh)/cây, bón thúc năm 1 (0,05kg phân hỗn hợp + 0,1 kg phân vi sinh)/gốc; Bón thúc năm 2 hai lần, mỗi lần (0,5kg phân chuồng hoai + 0,05 kg phân hỗn hợp + 0,1kg phân vi sinh)/cây; Bón thúc năm 3 hai lần, mỗi lần (0,05 kg phân hỗn hợp + 0,1kg phân vi sinh)/cây). KẾT LUẬN, TỒN TẠI VÀ KHUYẾN NGHỊ 1. Kết luận - Ba kích đã được đưa vào trồng tại các huyện Sơn Động, Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, hiệu quả của các mô hình thấp, cây sinh trưởng kém do thiếu nguồn giống tốt và biện pháp kỹ thuật trồng. - Cây Ba kích thu tại 5 tỉnh phía Bắc (Quảng Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên) có sự đa dạng cao cả về hình thái. 26 mẫu Ba kích thu tại 5 tỉnh trên được phân loại thành 11 giống từ BK1 đến BK11. - Đã xây dựng được cây đa dạng hình thái của các mẫu giống trong loài Morinda officinalis How. - Giống Ba kích thích hợp là BK11 (xuất xứ Lục Nam). - Hạt Ba kích nảy mầm tốt nhất khi ngâm trong dung dịch Gyberellin (GA3) 100 ppm 8 giờ. Sau thu hái, sơ chế nên gieo hạt ngay cho tỷ lệ nảy mầm đạt cao nhất. Trường hợp chưa gieo ngay có thể phơi hạt 2-3 ngày trong nắng nhẹ, đựng trong túi giấy xi măng và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, nhiệt độ bảo quản 3 - 50C. Thời gian bảo quản không nên quá 6 tháng. - Sử dụng hom giữa và xử lý ra rễ bằng IBA nồng độ 1.000-1.500ppm cho hiệu quả tốt nhất. Thời vụ thích hợp là vụ Đông (tháng 11 - 12). - Ba kích có thể trồng ở đất trống, dưới tán cây Vải hoặc rừng tự nhiên ở độ tàn che 0,2 - 0,3. - Công thức bón phân thích hợp với trồng Ba kích là: Bón lót (1kg phân chuồng + 0,05kg phân hỗn hợp + 0,1kg phân vi sinh)/cây, bón thúc năm 1 (0,05kg phân hỗn hợp + 0,1 kg phân vi sinh)/gốc; Bón thúc năm 2 hai lần, lần 1 (0,5kg phân chuồng hoai + 0,05 kg phân hỗn hợp + 0,1kg phân vi sinh)/cây; Bón thúc năm 3 hai lần, mỗi lần (0,05 kg phân hỗn hợp + 0,1kg phân vi sinh)/cây). 2. Tồn tại Luận án mới chỉ đánh giá chất lượng dược liệu qua chỉ tiêu diện tích peak Nistose mà chưa có điều kiện đánh giá định tính, định lượng các chỉ tiêu dược liệu khác theo Dược điển Việt Nam V. Chưa đánh giá ảnh hưởng của lập địa, các biện pháp kỹ thuật trồng thâm canh tới chất lượng dược liệu. 3. Khuyến nghị Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang (Sở NN&PTNT, Phòng NN&PTNT các huyện Yên Thế, Lục Nam, Sơn Động, Lục Ngạn) tham khảo các kết quả nghiên cứu của luận án (nguồn giống, biện pháp kỹ thuật nhân giống, trồng) để phổ biến vào trong sản xuất của địa phương. Đưa giống Ba kích BK11 vào gây trồng ở Bắc Giang và hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật trồng thâm canh Ba kích.
File đính kèm:
- luan_an_nghien_cuu_mot_so_co_so_khoa_hoc_nham_phat_trien_cay.docx
- 2. Tong luan an_4_21.docx
- Luan an tom tat_Kim Ngoc Quang_English.docx
- Thong tin luan an _Kim Ngoc Quang_English.doc
- Thong tin luan an _Kim Ngoc Quang_VN.doc
- Trich yeu luan an_Kim Ngoc Quang.doc