Từ thư viện truyền thống đến thư viện số: Sự kế thừa và phát triển

Ngày nay, trong bối cảnh xã hội thông tin với nền kinh tế tri thức, quan niệm về thư viện

đã có nhiều thay đổi. Thư viện từ chỗ được quan niệm đơn thuần chỉ là nơi lưu giữ, bảo

quản tài liệu phục vụ nhu cầu đọc của xã hội thì nay đã và đang được quan niệm là nơi quản

trị thông tin và tiến tới quản trị tri thức. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và

truyền thông đã mang lại những thành tự to lớn trong nhiều lĩnh vực nói chung và trong

hoạt động thông tin – thư viện nói riêng. Thư viện số ra đời là sự kế thừa và phát triển trên

nền tảng của thư viện truyền thống. Thư viện số tồn tại song hành cùng thư viện truyền

thống, cả hai thư viện cùng bổ sung và hỗ trợ cho nhau nhằm mục đích nâng cao hiệu quả

phục vụ cho người sử dụng.

pdf 8 trang dienloan 2540
Bạn đang xem tài liệu "Từ thư viện truyền thống đến thư viện số: Sự kế thừa và phát triển", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Từ thư viện truyền thống đến thư viện số: Sự kế thừa và phát triển

Từ thư viện truyền thống đến thư viện số: Sự kế thừa và phát triển
1 
TỪ THƯ VIỆN TRUYỀN THỐNG ĐẾN THƯ VIỆN SỐ: 
SỰ KẾ THỪA VÀ PHÁT TRIỂN 
Trần Thị Hồng Nhiên
*
Tóm tắt: Khái quát các quan niệm khác nhau về thư viện, thư viện số. Sự kế thừa và phát 
triển của thư viện qua bốn yếu tố cấu thành: vốn tài liệu, cán bộ thư viện, ng ười sử dụng 
thư viện, cơ sở vật chất – kỹ thuật và hạ tầng công nghệ thông tin. Chỉ ra một số yêu cầu và 
thách thức đối với thư viện số. 
Từ khóa: Thư viện; Thư viện số; Thư viện hiện đại 
Ngày nay, trong bối cảnh xã hội thông tin với nền kinh tế tri thức, quan niệm về thư viện 
đã có nhiều thay đổi. Thư viện từ chỗ được quan niệm đơn thuần chỉ là nơi lưu giữ, bảo 
quản tài liệu phục vụ nhu cầu đọc của xã hội thì nay đã và đang được quan niệm là nơi quản 
trị thông tin và tiến tới quản trị tri thức. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và 
truyền thông đã mang lại những thành tự to lớn trong nhiều lĩnh vực nói chung và trong 
hoạt động thông tin – thư viện nói riêng. Thư viện số ra đời là sự kế thừa và phát triển trên 
nền tảng của thư viện truyền thống. Thư viện số tồn tại song hành cùng thư viện truyền 
thống, cả hai thư viện cùng bổ sung và hỗ trợ cho nhau nhằm mục đích nâng cao hiệu quả 
phục vụ cho người sử dụng. 
1. Khái niệm 
Thuật ngữ “thư viện” xuất phát từ chữ Hy Lạp “bibliotheca”. “Biblio” nghĩa là sách, 
“theca” nghĩa là nơi bảo quản. Hiểu theo nghĩa đen, thư viện là nơi bảo quản sách, là nơi 
tàng trữ sách báo. 
Thuật ngữ “Thư viện số” có nhiều định nghĩa và hiểu khác nhau. Thư viện số (digital 
library) thường được gọi là “thư viện của tương lai” với nhiều thuật ngữ hiện đại như thư 
viện điện tử, thư viện ảo, thư viện không tường,... Theo quan điểm của Liên đoàn Thư viện 
số thế giới: Thư viện số là tổ chức cung cấp các nguồn lực – tài nguyên, bao gồm cả các 
chuyên gia để lựa chọn, cấu trúc, cung cấp khả năng truy cập tới các nguồn tri thức, phân 
phối, bảo đảm tính vẹn toàn và tính lâu dài của các bộ sưu tập số để cho một cộng đồng 
hoặc một tập hợp cộng đồng người dùng tin xác định có thể sử dụng một cách nhanh chóng, 
kịp thời và kinh tế. Như vậy, có thể hiểu thư viện số là bộ sưu tập thông tin một cách có tổ 
chức, là tập hợp các đối tượng dữ liệu số bao gồm cả văn bản, hình ảnh, âm thanh,... được 
* Trung tâm Thông tin – Thư viện, Trường Đại học Hạ Long, Quảng Ninh 
2 
quản trị, truy cập, khai thác thông quan hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và truyền 
thông. 
Cho dù thời gian có thay đổi, thư viện ngày càng phát triển thì định nghĩa của Tổ chức Giáo 
dục Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vẫn giữ nguyên giá trị. “Thư viện”, 
không phụ thuộc vào tên gọi của nó, là bất cứ bộ sưu tập có tổ chức nào của sách, ấn phẩm 
định kỳ hoặc các tài liệu khác, kể cả đồ họa, nghe –nhìn, và nhân viên phục vụ có trách 
nhiệm tổ chức cho bạn đọc sử dụng các tài liệu đó nhằm mục đích thông tin, nghiên cứu 
khoa học, giáo dục hoặc giải trí. 
2. Các yếu tố cấu thành thư viện 
2.1. Vốn tài liệu – Bộ sưu tập số 
Trong thư viện truyền thống, khái niệm “tài liệu” được hiểu là “vật mang tin trên đó ghi cố 
định thông tin và được xem như một đối tượng xử lý trong quá trình xử lý thông tin và tư 
liệu” (Tiêu chuẩn Việt Nam – Hoạt động thông tin tư liệu.-H..:Viện Tiêu chuẩn Việt Nam, 
1995.-tr.3), hoặc “tài liệu là một dạng vật chất đã ghi nhận những thông tin ở dạng thành 
văn, âm thanh, hình ảnh nhằm mục đích bảo quản và sử dụng. (Pháp lệnh Thư viện/Báo 
Nhân dân ngày 17/02/2001.- tr.6). 
Vốn tài liệu thư viện hay còn gọi là “Bộ sưu tập” thư viện, là những tài liệu được sưu tầm, 
tập hợp theo một hoặc nhiều chủ đề/nội dung nhất định, được xử lý theo quy tắc, quy trình 
khoa học của nghiệp vụ thư viện để tổ chức phục vụ người đọc đạt hiệu quả cao và được 
bảo quản. 
Trong các thư viện thời cổ đại, trung đại, vốn tài liệu bao gồm các sách ghi trên đá, đất sét, 
giấy papirut, da thú, xương thú, thẻ tre, mai rùa, gỗ, đồng,...; sau đó là sách in (thế kỷ XV). 
Từ cuối thế kỷ XIX trở đi, trong các thư viện ngoài sách (vật mang tin chủ yếu), vốn tài liệu 
còn bao gồm các vật mang tin khác như microfim, microfis, băng từ, đĩa từ, CD-ROM. 
Cán bộ thư viện thực hiện việc bổ sung, xử lý nghiệp vụ, tổ chức tài liệu thành các loại kho 
tài liệu nhằm giới thiệu, thông tin về các lĩnh vực tri thức, các thành tựu khoa học kỹ thuật , 
kinh tế, văn hóa của thế giới, của đất nước,... 
Tài liệu là đối tượng lưu giữ và bảo quản của cơ sở vật chất – kỹ thuật, là mục đích tồn tại 
và phát triển của cơ sở vật chất – kỹ thuật. Không có tài liệu thì nhà kho không thể trở thành 
kho tài liệu của thư viện. Vốn tài liệu càng phát triển thì cơ sở vật chất – kỹ thuật càng phải 
được đầu tư, tăng cường mở rộng. 
Manh nha từ những thập niên cuối của thế kỷ trước, tài liệu số mới xuất hiện trong các thư 
viện, trung tâm thông tin – thư viện, trung tâm học liệu,... ở Việt Nam vào những năm đầu 
thế kỷ XXI. 
Có nhiều quan điểm khác nhau về tài liệu số, trên cơ sở các khái niệm có liên quan được 
giải thích trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thì Tài liệu số là vật mang tin mà 
3 
thông tin trong đó được tạo lập bằng phương pháp dùng tín hiệu số hình thành trong quá 
trình hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Có quan điểm cho rằng, Tài liệu số là những 
tài liệu được lưu giữ bằng máy tính. Tài liệu số có thể được tạo lập bởi máy tính nhờ việc 
xử lý các file văn bản, các bảng biểu hoặc chúng có thể được chuyển đổi sang dạng số từ 
những tài liệu dạng khác. 
Tài liệu số không chỉ là tài liệu số hóa mà còn bao gồm những tài liệu số nguyên sinh – tài 
liệu ngay từ khi xuất bản đã ở định dạng số và những nguồn tin được thuê bao hoặc truy cập 
được từ bên ngoài. 
Tài liệu số có những đặc tính nổi trội so với tài liệu truyền thống, như: 
- Có mật độ thông tin cao nên dung lượng thông tin được được lưu trữ lớn hơn nhiều; 
- Có khả năng đa truy cập, cho phép người dùng có thể tìm tài liệu đồng thời theo 
nhiều dấu hiệu, nhiều điểm truy cập khác nhau và truy cập linh hoạt, nhanh chóng; 
- Có khả năng liên hệ, tiếp cận với các tác giả, tạo ra kênh phản hổi thông tin giữa 
người dùng tin và người sáng tạo ra thông tin; 
- Cho phép lưu giữ thông tin từ nhiều dạng nguồn tin khác nhau, như văn bản, âm 
thanh, hình ảnh tĩnh và động,... trong cùng một tài liệu; 
- Có thể cùng lúc phục vụ cho nhiều đối tượng khác nhau, không phụ thuộc vào số 
lượng người dùng, thời gian và vị trí địa lý của họ; 
- Có khả năng cập nhật dữ liệu nhanh chóng và thường xuyên. 
Chính vì vậy, tài liệu số mang lại hiệu quả cao và ý nghĩa rất lớn, như tạo môi trường bình 
đẳng, mở rộng cho tất cả mọi người trong việc sử dụng nguồn tài liệu vào các mục đích 
khác nhau: học tập hoặc nghiên cứu hay giải trí, mà không bị giới hạn về không gian và 
thời gian; góp phần thu hẹp khoảng cách tri thức giữa người giàu và người nghèo, giữa 
thành thị và nông thôn, giữa các quốc gia phát triển nhanh và các quốc gia đang phát triển. 
Ngoài ra, bộ sưu tập số còn mang lại hiệu quả cao về kinh tế: tiết kiệm thời gian và kinh 
phí. Thư viện không cần xây dựng nhiều kho tàng, mua sắm giá kệ, tốn nhiều chi phí lưu 
giữ, bảo quản, vận chuyển tài liệu... trong khi đó, bạn đọc có thể nhanh chóng tìm kiếm, 
khai thác tài liệu, thông tin phù hợp. 
2.2. Cán bộ thư viện 
Thời cổ, khi thư viện mới chỉ là nơi tàng trữ và bảo quản tài liệu, phục vụ cho một số rất ít 
người, người làm việc trong thư viện phải là những người có trình độ học vấn cao. Ở các 
nước phương Tây thường là các nhà khoa học, ở phương Đông (ví dụ Trung Quốc, Việt 
Nam) thời phong kiến, việc trông coi thư viện được giao cho những người học hành đỗ đạt 
cao, được triều đình ban chức, chẳng hạn “Giám quốc tử thư khố”- quan coi thư viện thời 
Trần, “Trưởng thư giám”- quan coi thư viện thời Lê. 
4 
Từ khoảng giữa thế kỷ XIX trở đi, khi thư viện mở rộng cửa phục vụ đông đảo mọi tầng lớp 
trong xã hội và được coi là cơ quan văn hóa, giáo dục ngoài nhà trường thì nhu cầu về 
những người làm việc trong các thư viện tăng lên, các trường đào tạo cán bộ thư viện lần 
lượt ra đời ở các nước. 
Vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng 
thông tin và sự tiến hóa nhanh chóng của các công cụ nắm bắt, lưu trữ, tìm và phổ biến 
thông tin đã ảnh hưởng sâu sắc đến việc đào tạo cán bộ thư viện và việc xác định vai trò của 
cán bộ thư viện. Đội ngũ cán bộ thư viện cần năng động, có trình độ cao, có khả năng giải 
quyết những nhiệm vụ phức tạp liên quan đến việc tìm, thu thập, phân tích, khai thác, phổ 
biến thông tin, biết tận dụng tối đa tiềm năng của công nghệ, cơ sở vật chất – kỹ thuật của 
các thư viện,... Đội ngũ cán bộ thư viện trở thành nhân tố xúc tác, những chiếc cầu nối giữa 
người sử dụng thư viện và thiết bị công nghệ để truy nhập các thông tin cần thiết theo nhu 
cầu. 
Làm việc tại thư viện số, cán bộ thư viện không còn là người thụ động, chờ bạn đọc đến đặt 
yêu cầu tìm kiếm tài liệu hay thông tin, mà phải chủ động cộng tác chặt chẽ với người sử 
dụng để chủ động hướng dẫn họ sử dụng thư viện số. 
Hơn nữa, cán bộ thư viện số còn là người lựa chọn, bổ sung, tổ chức, tạo ra khả năng truy 
cập và lưu trữ bộ sưu tập số; lên kế hoạch, triển khai và hỗ trợ các dịch vụ số. Cán bộ thư 
viện số phải là người quản trị thư viện số, quản trị thông tin và tri thức, phổ biến thông tin 
số, cung cấp các dịch vụ số và dịch vụ điện tử, cung cấp tri thức từ các nguồn tri thức khác 
nhau, số hóa tài liệu, bảo quản và lưu trữ dữ liệu số, cung cấp khả năng truy cập và khai 
thác nguồn tài liệu số đến người dùng và biết cách biên mục và phân loại tài liệu số hay tri 
thức số. 
Cán bộ thư viện số cần có kiến thức và kỹ năng về ba nhóm lĩnh vực tri thức: công nghệ, 
thư viện và kỹ năng phụ trợ. Các kiến thức và kỹ năng về công nghệ bao gồm: Kỹ năng cá 
nhân về công nghệ thông tin (CNTT); Kiến thức và sự hiểu biết về hệ thống CNTT và các 
ứng dụng; Kiến thức về: Web, như công nghệ web và phát triển web, Ngôn ngữ đánh dấu 
siêu văn bản, các tiêu chuẩn về công nghệ và quản lý chất lượng, khai thác và quản trị dữ 
liệu, lập trình. Đồng thời cán bộ thư viện số cũng cần có các kiến thức và kỹ năng liên quan 
đến thư viện, như nhu cầu thông tin, đào tạo và phục vụ người dùng tin; lưu trữ và bảo quản 
dữ liệu số; biên mục, siêu dữ liệu và đánh chỉ mục; bổ sung tài liệu, dịch vụ thông tin tham 
khảo trực tuyến. Các kiến thức bổ trợ khác bao gồm sự hiểu biết thông tin, kỹ năng nghiên 
cứu, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản trị và các kiến thức liên quan đến pháp lý, bản quyền 
và sở hữu trí tuệ. 
2.3. Người sử dụng thư viện 
Trụ sở thư viện, cơ sở vật chất – kỹ thuật, vốn tài liệu, cán bộ thư viện là tiền đề để xuất 
hiện bạn đọc – người sử dụng thư viện, để tạo nên hoạt động thư viện như một hiện tượng 
5 
xã hội. Phục vụ bạn đọc là mục tiêu cuối cùng của thư viện. Càng phục vụ nhiều bạn đọc thì 
vai trò xã hội của thư viện ngày càng tăng. Vì vậy, nếu không có bạn đọc thì thư viện cũng 
mất đi mục đích tồn tại của mình. 
Nhu cầu đọc của bạn đọc xuất hiện trong quá trình lao động sản xuất, công tác, học tập, giải 
trí và các hoạt động khác... Các nhu cầu này rất khác nhau do sự khác biệt về trình độ, nghề 
nghiệp, lứa tuổi,... Các nhu cầu này cũng rất đa dạng, phong phú và không ngừng tăng lên 
cùng với thời gian. Mạng lưới thư viện được thiết lập ở khắp mọi nơi, mọi ngành, mọi nước 
là nhằm đáp ứng đầy đủ, chính xác, nhanh chóng, kịp thời nhu cầu của người sử dụng. Chủ 
động nghiên cứu người đọc và nhu cầu đọc, nhu cầu thông tin của họ là một trong những 
nhiệm vụ quan trọng của các thư viện. Đề cao vai trò của người đọc, tìm mọi biện pháp để 
hoàn thiện việc phục vụ người đọc, thỏa mãn tối đa nhu cầu đọc là đặc điểm của hoạt động 
thư viện. 
Theo Thông tư số 18/2014/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định 
về hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của thư viện thì người sử dụng thư viện là người có 
nhu cầu tra cứu, tìm thông tin và tài liệu, sử dụng tài liệu, sản phẩm, dịch vụ thư viện, hoặc 
tham gia các hoạt động khác do thư viện tổ chức. 
Để giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu của người sử dụng với khả năng đáp ứng của thư 
viện, thư viện số đã ra đời. Thư viện số có khả năng mở rộng đối tượng phục vụ hơn so với 
thư viện truyền thống do không bị phụ thuộc vào số lượng người dùng, thời gian và vị trí 
địa lý của họ. Mỗi người sử dụng được phân loại và lưu trữ các thông tin cần thiết liên quan 
đến họ để thư viện có thể thiết lập nên các chính sách truy cập tới tài liệu số, quản lý truy 
cập và thu phí. Căn cứ vào các chính sách lưu thông được thiết lập, người sử dụng tự quyết 
định mức độ truy cập theo thời lượng và chi phí dựa trên chính sách lưu thông do thư viện 
thiết lập. 
2.4. Cơ sở vật chất – kỹ thuật và hạ tầng công nghệ thông tin 
Cơ sở vật chất – kỹ thuật là các tòa nhà, trụ sở, địa điểm, diện tích dành cho thư viện với 
toàn bộ trang thiết bị. Cơ sở vật chất – kỹ thuật có vai trò to lớn: Đối với tài liệu, cơ sở vật 
chất – kỹ thuật là nơi chứa đựng, tàng trữ và bảo quản tài liệu. Đối với bạn đọc, cơ sở vật 
chất – kỹ thuật là nơi bạn đọc làm việc với các tài liệu, tiếp xúc với các nguồn thông tin, nơi 
gặp gỡ và trao đổi thông tin, nơi sáng tạo. Đối với cán bộ thư viện, cơ sở vật chất – kỹ thuật 
là nơi họ vận dụng kiến thức vào thực tiễn, vào nghề nghiệp. 
Trong thư viện số, bên cạnh hệ thống trang thiết bị hiện đại và đồng bộ thì yếu tố quyết 
định nhất là hạ tầng CNTT. Hạ tầng CNTT giúp thực hiện các công việc trong quy trình tạo 
lập và vận hành của thư viện số, do đó phái đáp ứng các yêu cầu: 
- Là công cụ, môi trường để đảm bảo các tài liệu số hóa sau khi được tạo lập sẽ dễ 
dàng, thuận tiện cho người dùng tiếp cận; 
6 
- Có đủ độ tin cậy cho người quản trị và kỹ thuật viên trong quá trình tạo lập, bảo quản 
và cung cấp dữ liệu trong quá trình hoạt động của bộ sưu tập; 
- Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chuẩn nghiệp vụ thông tin - thư viện; 
- Dễ dàng trao đổi dữ liệu với các chuẩn khác; 
- Có công cụ sao lưu an toàn dữ liệu. 
Trong thư viện số, hạ tầng CNTT phải bao gồm: 
- Hệ thống mạng Intranet được kết nối Internet với đường truyền đủ đáp ứng cho số 
người dùng tối thiểu của thư viện; 
- Hệ thống máy chủ đủ mạnh để đáp ứng việc lưu trữ, bảo quản, cung cấp dữ liệu và 
quản lý người dùng và các phần mềm hệ thống có bản quyền; 
- Hệ thống máy trạm phục vụ xử lý tài liệu, số hóa và phục vụ bạn đọc; 
- Trang thiết bị số hóa, ví dụ máy scan; 
- Trang Web đăng tải và là cổng truy cập của người dùng vào bộ sưu tập; 
- Phần mềm quản lý tài liệu số phải đáp ứng các yêu cầu: 
o Tạo siêu dữ liệu: Có ba dạng siêu dữ liệu là Siêu dữ liệu mô tả (Mô tả các 
thông tin về tài liệu), Siêu dữ liệu cấu trúc (Mô tả các liên kết giữa các đối 
tượng thông tin liên quan của tài liệu như mục lục, chương, phần, trang sách, 
hình ảnh minh họa, phụ lục...giúp người dùng dễ dàng di chuyển đến các 
thành phần của tài liệu) và Siêu dữ liệu quản trị gồm tạo kích cỡ tập tin. 
o Định dạng tài liệu (PDF); 
o Xác định đặc tính sử dụng và tình trạng của tài liệu; 
o Mô tả dữ liệu: (theo một trong các chuẩn siêu dữ liệu: MARC; Dublin core; 
MODS; METS, ISO 2709 ) trong đó chuẩn Dublin Core là dùng tương đối 
phổ biến vì có khả năng tùy biến cho các tiêu chuẩn khác với 16 trường biên 
mục; 
o Vận hành liên kết: Tạo ra một giao diện tra cứu tích hợp cho người dùng trên 
nhiều bộ sưu tập cùng một lúc dựa trên các điểm truy cập nhất quán như: Tác 
giả; Nhan đề tài liệu; Từ khóa; Chủ đề; Chỉ mục quốc gia... 
o Quản lý các nguồn dữ liệu truy cập được cho phép, theo đó chỉ có các thành 
viên đã được đăng ký mới được quyền truy cập vào tài liệu (hoặc quản lý chế 
độ dowload của tài liệu); 
o Xuất - nhập dữ liệu để trao đổi với các hệ thống khác theo các chuẩn chung. 
3. Kết luận 
7 
Cho dù là thư viện truyền thống hay thư viện số thì đều phải có cùng mục tiêu, chức năng, 
bao gồm đầy đủ các nhiệm vụ của một thư viện, như phát triển bộ sưu tập, quản trị kho, xây 
dựng công cụ tìm và phát hiện tài nguyên, cung cấp khả năng khai thác, truy cập tài liệu, 
bảo quản sưu tầm... 
Xây dựng và phát triển thư viện số không chỉ là xu thế tất yếu mà đã trở thành nhu cầu cấp 
thiết của hệ thống thư viện Việt Nam. Tuy nhiên, xây dựng, duy trì và phát triển thư viện số 
là một vấn đề không đơn giản. Việc xây dựng thư viện số đòi hỏi kinh phí lớn, nguồn nhân 
lực có chất lượng và có kỹ năng tốt, cũng như cần có cách tiếp cận hệ thống, toàn diện. 
Đồng thời cần lưu ý đến các khía cạnh: 
- Khía cạnh tổ chức: Làm rõ những mục tiêu cụ thể và chức năng của thư viện trong 
mối quan hệ với tổ chức/đơn vị thiết lập thư viện số; 
- Khía cạnh nội dung: Chú trọng việc xác định đúng đắn những tài nguyên số cần đưa 
vào bộ sưu tập số, những khổ mẫu dữ liệu được chọn để sử dụng cho bộ sưu tập; 
- Khía cạnh người dùng: Xem xét kỹ vấn đề người dùng để có được đội ngũ cán bộ 
thư viện có kỹ năng vận hành hệ thống thư viện số một cách tốt nhất, cũng như phải 
lưu ý đến vấn đề đào tạo người dùng tin để nâng cao kiến thức thông tin của họ 
nhằm khai thác tốt nhất năng lực của hệ thống; 
- Khía cạnh tính năng: Cần có một số tính năng không thể thiếu liên quan đến việc 
đăng ký đối tượng số (tài liệu số), tính năng liên quan đến quản lý đối tượng số, tính 
năng liên quan đến tìm lại và duyệt xem đối tượng số ngoài ra hệ thống cần có 
những tính năng quản lý chức năng của thư viện số (ví dụ: quản trị người dùng, sao 
lưu, thống kê, bảo toàn dữ liệu...); 
- Khía cạnh chính sách: Không chỉ bao gồm những chính sách do thư viện số đề ra mà 
còn bao gồm cả những chính sách từ bên ngoài (chính sách của nhà nước, chính sách 
của cộng đồng...); 
- Khía cạnh chất lượng: Xây dựng được những tiêu chí và phương pháp đánh giá thư 
viện số; 
- Khía cạnh kiến trúc: Rõ ràng, tuân thủ các chuẩn, chú ý tính liên tác của hệ thống tạo 
ra với những hệ thống khác. 
Hy vọng trong thời gian tới, các thư viện số sẽ phát triển mạnh và sớm hội nhập cộng đồng 
thư viện số quốc tế để thỏa mãn tối đa nhu cầu của người sử dụng trong thời đại số. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1. Bùi Loan Thùy (2001), “Thư viện học đại cương”, Hồ Chí Minh, Nxb. Tp. HCM. 
2. Cao Minh Kiểm (2014), “Phát triển thư viện số: những vấn đề cần xem xét”, Thông 
tin và Tư liệu, 2/2014, tr.3-9 
8 
3. Trần Thị Kiều Hương (2009), “Giải pháp xây dựng bộ sưu tập tài liệu số phục vụ 
đào tạo và nghiên cứu tại thư viện đại học Ngoại thương”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học 
“Phát triển và chia sẻ nguồn tài nguyên số trong các trường đại học và nghiên cứu”, 
Hội Thư viện Việt Nam và Liên hiệp Thư viện đại học khu vực phía Bắc, tr. 108 -117 
4. Hoàng Đức Liên, “Giải pháp xây dựng các bộ sưu tập số phục vụ đào tạo, nghiên 
cứu”, 
d%E1%BB%B1ng%20v%C3%A0%20ph%C3%A1t%20tri%E1%BB%83n10.pdf, 
truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2016 
5. Nguyễn Huy Chương (2009), “Xây dựng thư viện điện tử và phát triển nguồn tài 
nguyên số trong hệ thống thư viện đại học Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học 
“Phát triển và chia sẻ nguồn tài nguyên số trong các trường đại học và nghiên cứu” , 
Hội Thư viện Việt Nam và Liên hiệp Thư viện đại học khu vực phía Bắc, tr. 9-21 
6. Nguyễn Huy Chương (2015), “Tạo lập, quản trị và khai thác tài nguyên số trong thư 
viện đại học Việt Nam”, Thông tin và Tư liệu, 4/2015, tr.3-9 
7. Nguyễn Huy Chương (2016), “Thư viện số với hoạt động giáo dục – đào tạo”, Kỷ 
yếu Hội thảo Khoa học “Xây dựng thư viện số và tài nguyên số”, Khoa Thông tin – 
Thư viện, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội và Trung tâm 
Thông tin – Thư viện, trường Đại học Hạ Long, tr.1-7 
8. Đỗ Văn Hùng (2016), “Thư viện số trong bối cảnh thay đổi môi trường học tập của 
giáo dục đại học”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Xây dựng thư viện số và tài nguyên 
số”, Khoa Thông tin – Thư viện, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà 
Nội và Trung tâm Thông tin – Thư viện, trường Đại học Hạ Long, tr.29-45 
9. Phạm Văn Hùng (2009), “Nghiên cứu xây dựng và quản lý nguồn tài nguyên số nội 
sinh tại Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia”, Luận văn Thạc sĩ 
Thông tin – Thư viện, tr. 18 
10. Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, “Trao đổi về khái niệm “tài liệu điện tử” và “tài 
liệu số””, 
&listId=64c127ef-bb13-4c45-820f-d765e28eb7cc&ws=content, truy cập ngày 15 
tháng 11 năm 2016 

File đính kèm:

  • pdftu_thu_vien_truyen_thong_den_thu_vien_so_su_ke_thua_va_phat.pdf