Quản lý tam giáo dưới triều vua Lê Thánh Tông

Sau khi giới thiệu khái lược về thân thế và sự nghiệp của

vua Lê Thánh Tông, bài viết tập trung phân tích việc quản lý Nho

giáo, Phật giáo, Đạo giáo (Tam giáo) của triều đại vị minh quân

này, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm đối với công tác tôn

giáo của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay.

pdf 8 trang dienloan 5320
Bạn đang xem tài liệu "Quản lý tam giáo dưới triều vua Lê Thánh Tông", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Quản lý tam giáo dưới triều vua Lê Thánh Tông

Quản lý tam giáo dưới triều vua Lê Thánh Tông
96 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 8 - 2014 
TRẦN THỊ CHÂM* 
QUẢN LÝ TAM GIÁO 
DƯỚI TRIỀU VUA LÊ THÁNH TÔNG 
Tóm tắt: Sau khi giới thiệu khái lược về thân thế và sự nghiệp của 
vua Lê Thánh Tông, bài viết tập trung phân tích việc quản lý Nho 
giáo, Phật giáo, Đạo giáo (Tam giáo) của triều đại vị minh quân 
này, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm đối với công tác tôn 
giáo của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay. 
Từ khóa: Quản lý tôn giáo, Tam giáo, Nho giáo, Phật giáo, Đạo 
giáo, Lê Thánh Tông. 
1. Khái lược về thân thế và sự nghiệp vua Lê Thánh Tông 
Lê Thánh Tông (1442 - 1497) tên là Tư Thành, hiệu Thiên Nam động 
chủ, là con thứ tư của vua Lê Thái Tông và Hoàng hậu Ngô Thị Ngọc 
Dao; sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442) tại nhà ông ngoại ở 
khu đất chùa Huy Văn, nay thuộc quận Đống Đa, thành phố Hà Nội; mất 
ngày 30 tháng 01 năm Đinh Tỵ (1497). 
Lê Tư Thành lên ngôi vua (Lê Thánh Tông) ngày 8 tháng 6 năm Canh 
Thìn, tức ngày 26 tháng 6 năm 1460, khi 18 tuổi. Trong 38 năm làm vua, 
10 năm đầu lấy niên hiệu Quang Thuận, 28 năm sau lấy niên hiệu Hồng 
Đức, ông đã đưa nhà Hậu Lê phát triển tới đỉnh cao về mọi mặt. 
Về đối ngoại, vua Lê Thánh Tông tích cực mở mang bờ cõi về phía 
Nam với việc đánh dẹp Chiêm Thành, tạo ra thế và lực của Đại Việt lừng 
lẫy một phương, kể từ xưa đến nay chưa bao giờ cường thịnh như vậy1. 
Ở phía Bắc, Đại Việt lúc bấy giờ tuy xưng thần với nhà Minh, nhưng 
vua Lê Thánh Tông vẫn hết lòng phòng bị. Mỗi khi có người Phương Bắc 
sang quấy nhiễu, vua cho quân lên dẹp yên, đồng thời cho sứ giả sang 
Trung Quốc để phân giải rõ ràng mọi sự. Nhà vua thường nói với triều 
thần phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng để ai lấy mất một phân núi, một tấc 
sông do vua Lê Thái Tổ để lại2. Chính vì thế, do nhận thấy nước ta có 
*
 ThS., nghiên cứu sinh, Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội 
Việt Nam. 
Trần Thị Châm. Quản lý Tam giáo 97 
một vị vua tài giỏi, hết lòng vì nước, lại thêm thanh thế Đại Việt đang rất 
cao rộng, nên nhà Minh dẫu muốn dòm ngó cũng chẳng dám làm gì, phải 
lấy lễ nghĩa mà đối đãi, khiến cho quan hệ giữa hai nước được hòa bình. 
Về đối nội, vua Lê Thánh tông tích cực triển khai công cuộc cải cách 
toàn diện đất nước. 
Về quân sự, vua Lê Thánh Tông chỉnh đốn và tăng cường mọi khả 
năng chiến đấu của quân đội; đặc biệt quan tâm đến các vùng biên ải xa 
xôi, thậm chí thân chinh đi tuần phòng cùng với binh lính3. 
Về hành chính, vua Lê Thánh Tông chú trọng củng cố và xây dựng 
nền hành chính Đại Việt mạnh mẽ và hiệu quả. Trước đây, nền hành 
chính của nhà Trần chỉ có bốn bộ (Bộ Hình, Bộ Lại, Bộ Binh và Bộ Hộ), 
đến thời vua Lê Thái Tổ chỉ có ba bộ (Bộ Lại, Bộ Lễ và Bộ Hộ). Vua Lê 
Thánh Tông tổ chức thành sáu bộ (Bộ Lại, Bộ Lễ, Bộ Hộ, Bộ Binh, Bộ 
Hình và Bộ Công). 
Về kinh tế, vua Lê Thánh Tông đặc biệt quan tâm sửa đổi luật thuế 
khóa, điền địa; khuyến khích phát triển nông nghiệp, mở đồn điền; kêu 
gọi người phiêu tán về quê; đặt ra luật quân điền, v.v 
Về giáo dục, vua Lê Thánh Tông đẩy mạnh đào tạo, phát triển nhân tài. 
Dưới thời ông trị vì có rất nhiều tiến sĩ và trạng nguyên đỗ đạt và thành 
danh. Ông khởi xướng lập bia tiến sĩ tại Văn miếu Quốc Tử Giám để ghi 
danh, tôn vinh người tài đức của đất nước. Đặc biệt, ngoài việc tích cực 
cải tổ giáo dục (có chính sách mới về thi cử và tránh gian lận trong thi 
cử), nhà vua còn không ít lần đích thân chấm và phúc khảo các bài thi. 
Về tôn giáo, dưới thời Hậu Lê, trong đó có triều vua Lê Thánh Tông, 
Phật giáo và Đạo giáo bị đẩy xuống thấp, Nho giáo được coi trọng. Tình 
hình đó thể hiện không chỉ trong đời sống chính trị xã hội, mà còn trong 
công cụ pháp lý của triều đình vua Lê Thánh Tông, đó là Quốc triều hình 
luật4. Bộ luật này chia thành sáu quyển, mỗi quyển có nhiều chương, mỗi 
chương có nhiều điều luật, tổng cộng tới 722 điều (bản gốc không đánh 
số thứ tự, chỉ ở đầu chương có nói rõ số điều của chương), trong đó có 32 
điều quy định về lĩnh vực tôn giáo. 
2. Quản lý Tam giáo thời vua Lê Thánh Tông 
2.1. Đối với Nho giáo 
Nho giáo5 chiếm vị trí cao nhất trong Tam giáo thời Hậu Lê. Để được 
như vậy, Nho giáo đã phải đáp ứng tối đa cho phát triển xã hội. Từ thời 
98 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 8 - 2014 
vua Lê Thái Tông (1434 - 1442) đã quy định: “5 năm một lần thi Hương, 
6 năm một lần thi Hội Năm Nhâm Tuất (1442), mở khoa thi tiến sĩ, 
bao nhiêu người thi đỗ đều được khắc tên vào bia đá để phấn chấn lòng 
người văn học”6. Đến thời vua Lê Thánh Tông bắt đầu cho phép tôn vinh 
việc học bằng lễ xướng danh, lễ vinh quy bái tổ (đón rước người thi đậu 
về làng), nhất là lệ khắc tên và lý lịch tiến sĩ vào bia đá Văn Miếu. 
Ở triều vua Lê Thánh Tông, việc thi cử được định lệ: “Không cứ là 
quân dân sắc mục, hạn đến thượng tuần tháng 8 năm nay phải đến nhà 
giám hay đạo sở tại khai tên và căn cước, đợi thi Hương: đỗ thì gửi danh 
sách đến Viện Lễ nghi, đến trung tuần tháng giêng sang năm vào thi Hội. 
Cho quan bản quản và xã trưởng xã mình làm giấy bảo kết rằng người ấy 
thực là có đức hạnh thì mới được kê vào sổ đi thi. Người nào vào loại bất 
hiếu, bất mục, bất nghĩa, loạn luân, điêu toa, v.v thì tuy có học vấn, 
giỏi văn bài, cũng không cho vào thi”7. 
Vua Lê Thánh Tông đưa quy định của Nho giáo đặt ra 24 điều nhằm 
sửa phong tục, giữ thói tốt. Chẳng hạn: “Chỗ dân gian mở trường du hí 
hoặc cúng tế, thì con trai con gái đến xem không được lẫn lộn, để khỏi 
thói dâm” (Điều 16). “Các nhà vương, công, đại thần dung túng những 
đứa tiểu nhân, đưa người khấn lễ, và để cho người nhà đi ức hiếp dân 
gian mà mua rẻ các đồ vật, thì cho dân được đầu cáo để trọng trị” (Điều 
21). “Các người huynh trưởng ở chốn xã thôn và phường biết dậy bảo 
con em trong làng cho nên được phong tục tốt, thì quan phủ huyện phải 
bẩm tòa Thừa, tòa Hiến để tâu vua ban khen cho” (Điều 23)8. 
Điều 1429 quy định: “Những lễ tang, tế tự, cho đến nhà cửa xe thuyền, 
áo mũ, đồ dùng, phần mộ, nếu làm quá phép thì xử tội phạt hay biếm, và 
phải hủy bỏ những đồ quá phép ấy”10. 
Vua Lê Thánh Tông còn quan tâm đối với nghi lễ, thiết chế của Nho 
giáo được thực hành trong các đại sự quốc gia: “Những ngày quốc kỵ và 
tế lễ lớn mà đồ lễ thiếu thốn hay không được tinh khiết, thì người chủ sự 
bị xử tội biếm hay bãi chức. Các quan trông coi lăng miếu không chịu 
kiểm soát hay bày đặt không đúng phép thì cũng bị xử tội như thế; quan 
câu đương thì xử nhẹ hơn hai bậc. Nếu có giấy báo trước thì được miễn” 
(Điều 104)11. Xử nghiêm (xử chém) những hành vi ăn trộm đồ thờ, tượng 
thánh trong lăng miếu (Điều 431). 
Trần Thị Châm. Quản lý Tam giáo 99 
Việc Nho giáo chiếm địa vị cao không có nghĩa là vua Lê Thánh Tông 
không quan tâm đến Phật giáo và Đạo giáo. Theo Đỗ Thị Kim Hoa, Nho 
giáo độc tôn không có nghĩa là Phật giáo và Đạo giáo không còn chỗ 
đứng. Đương thời, Phật giáo và Đạo giáo được phát triển mạnh mẽ trong 
dân gian và là nguồn chất liệu không thể thiếu đối với nhà nho và đối với 
văn hóa Việt Nam12. 
2.2. Đối với Phật giáo 
Nhận thấy người dân sùng tín Phật giáo, hay làm chùa, nên vua Lê 
Thánh Tông cấm làm chùa mới: “Mùa thu, tháng 7, ngày 11, động đất. 
Chỉ huy cho các xứ phủ lộ rằng, chùa quán nào mà không có ngạch cũ thì 
không được tự tiện làm mới”13. Như thế, việc cấm làm chùa mới của vua 
Lê Thánh Tông là tránh lãng phí, vượt quá nhu cầu, khác với việc cấm 
đoán Phật giáo nói chung. 
Trong Quốc triều hình luật, vấn đề này được quy định rất cụ thể: “Xây 
dựng chùa quán và đúc chuông đúc tượng riêng thì xử biếm hai tư. Muốn 
có việc Phật để khuyến cáo mà lấy tiền làm của riêng mình, thì xử tội đồ 
làm khao đinh, những của cải ấy phải nộp vào chùa. Nếu có giấy quan 
cấp cho, thì không phải tội”14. 
Đối với nhà tu hành Phật giáo, Điều 49 quy định: “Trong hạt nào có 
người giả xưng là bồ tát, bà đồng, mà các quan phủ, trấn, huyện hay xã 
không bắt trình lên trên để trị tội, thì đều xử tội biếm. Những bồ tát và bà 
đồng ấy đều xử tội đồ; tội nặng thì tăng thêm một bậc”15. 
Đối với các ấn phẩm của Phật giáo (và Đạo giáo), Điều 119 quy định: 
“Những người đem sách Phật Lão khắc in để bán lấy tiền của dân, làm 
rối loạn lòng dân, thì bị tội đồ; các quan sở tại thấy mà không bắt và tâu 
lên, thì bị biếm. Nếu đã tâu lên và được phép ấn hành, thì không phải 
tội”16. 
Ngoài ra, các điều 432 và 433 quy định xử phạt rất nặng tội ăn trộm 
đồ cúng, tượng Phật trong chùa. 
Như vậy, triều vua Lê Thánh Tông không cấm đoán Phật giáo, mà chỉ 
xử lý những hoạt động lãng phí và những hiện tượng trục lợi bất chính 
của giới Phật giáo. Tuy Nho giáo là chủ đạo, nhưng Phật giáo và Đạo 
giáo cũng có vị trí và vai trò không thể thay thế đối với đời sống xã hội 
đương thời. Về điều này, Ngô Quốc Đông nhận xét: Không có tương 
tranh tôn giáo với chính trị và tôn giáo với tôn giáo. Nhìn chung, chính 
100 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 8 - 2014 
sách nhà vua đối với các tôn giáo không thiên về một sự kỳ thị hay bài 
xích cực đoan; tôn trọng cả Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo và đặt định 
mỗi tôn giáo vào một cương vị thích hợp. Nhà Lê Sơ không kỳ thị Phật 
giáo với tư cách là một “áp lực chính trị” ảnh hưởng đến vương quyền, 
mà vì họ lựa chọn một hệ tư tưởng ngoài Phật giáo làm “bệ đỡ tư tưởng” 
chính thức cho vương triều. Nguyên do của sự việc còn là sự suy giảm 
vai trò của Phật giáo17. 
Theo khái quát của Đỗ Thị Kim Hoa, số đông nhân dân đương thời 
vẫn theo Phật giáo, ngay cả người học Nho, người trong hoàng tộc và 
đình thần. Mặt khác, triều đình tất nhiên nhận thấy tác dụng của Phật giáo 
(và Đạo giáo) đối với đông đảo quần chúng, nên vua Lê Thánh Tông đặt 
Ty Tăng Lục (và Ty Đạo Lục). Khi có thiên tai, nhà vua sai đình thần 
mang lễ vật đến chùa cầu xin, hoặc rước tượng Phật nổi tiếng linh thiêng 
về để làm chay ở kinh thành18. 
2.3. Đối với Đạo giáo 
Thời vua Lê Thánh tông, Đạo giáo hoạt động trong một môi trường 
quản lý khắt khe. Nhiều quy định trong Quốc triều hình luật đối với Đạo 
giáo thường là chung với Phật giáo. 
Điều 5, Quốc triều hình luật quy định: “Các sư và đạo sĩ từ 50 trở lên, 
phải có độ điệp (bằng sắc của triều đình ban cho) của quan cấp; nếu 
không có thì phải tội đồ làm khao đinh. Có độ điệp riêng thì cũng xử tội 
như thế; có độ điệp rồi mà phạm luật, phải đuổi ra khỏi chùa, quán, sau 
khi đã xét xử 10 ngày mà không chịu hoàn tục thì cũng phải tội như trên. 
Xã quan dung túng, thì phải tội biếm một tư; quan huyện vô tình không 
xét ra, thì bị xử tội trượng hay phạt; quan giám lâm cùng người trụ trì ở 
chùa, quán, đều phải biếm một tư. Nếu sư và đạo sĩ phạm tội uống rượu, 
ăn mặn, thì phải hoàn tục sung làm quân lính; phạm tội dâm thì xử tội 
đồ”19. Quy định này cho thấy, đạo sĩ và tăng sĩ thời đó bị xuống cấp trầm 
trọng về thần học, Phật học và đạo đức. 
Như đã đề cập, Điều 119, Quốc triều hình luật quy định quản lý các ấn 
phẩm của Đạo giáo (và Phật giáo); các điều 432 và 433 quy định về xử phạt 
rất nặng tội ăn trộm đồ cúng và tượng thờ của Đạo giáo (và Phật giáo). 
Như vậy, tương tự như Phật giáo, quản lý Đạo giáo dưới thời vua Lê 
Thánh Tông chủ yếu hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tôn giáo này. Theo 
Trần Văn Giàu, không có bằng chứng gì để nói rằng Đạo giáo đương thời 
Trần Thị Châm. Quản lý Tam giáo 101 
đang chết. Lê Thánh Tông và Luật Hồng Đức tỏ ra ít nhiều tư tưởng và 
hành động đối lập với Đạo giáo và Phật giáo. Đó là sự tiếp tục truyền 
thống chống Phật giáo của các nhà Nho thời Trần. Nhưng trên thực tế, 
nhà vua chẳng thù địch gì lắm đối với Đạo giáo. Sách Hội Chân Biên 
chép rằng, vua Lê Thánh Tông một hôm đi chơi chùa Ngọc Hồ, gặp tiên 
nữ, mời lên xe. Xe đến cửa Đại Hưng thì tiên nữ biến mất. Vua bèn sai 
lập Vọng Tiên Lâu ở đó, đến nay vẫn còn di tích. Vua Nho đi chùa gặp 
tiên! Một câu chỉ có sáu chữ mà đủ nói lên cả một trạng thái hỗn hợp 
Tam giáo20. 
Tóm lại, thời vua Lê Thánh Tông có cách quản lý tôn giáo mà các thời 
trước đó chưa có. Đó là việc đưa hoạt động Tam giáo vào trong pháp 
luật, cụ thể là Luật Hồng Đức/ Quốc triều hình luật, tạo ra môi trường 
quản lý tôn giáo vừa mang tính cụ thể, vừa mang tính chiến lược, tất cả vì 
mục tiêu đoàn kết tôn giáo, góp phần bảo vệ và phát triển đất nước. 
3. Mấy bài học kinh nghiệm 
Thứ nhất, vua Lê Thánh Tông không xây dựng riêng một bộ luật tôn 
giáo, mà đưa việc quản lý Tam giáo trở thành một số điều trong Quốc 
triều hình luật. Nếu nhận thức từ góc độ lý thuyết hệ thống cấu trúc, việc 
quản lý Tam giáo của vua Lê Thánh Tông thể hiện rõ mối quan hệ của 
cái hệ thống với cái bộ phận, cũng như quan hệ của các bộ phận với 
nhau. Ngày nay, theo chúng tôi, việc xây dựng một luật tôn giáo riêng có 
lẽ chưa cần thiết. Điều đó, một mặt đảm bảo cho sự bình thường hóa vấn 
đề tôn giáo trong đời sống xã hội; mặt khác, góp phần tạo ra sự cân bằng 
cần thiết trong lĩnh vực tôn giáo vốn rất đa dạng với các lĩnh vực khác 
của xã hội, trước hết là từ phương diện nhận thức xã hội. 
Thứ hai, dưới thời vua Lê Thánh Tông, Nho giáo có vai trò to lớn 
trong Tam giáo. Song ở phương diện quản lý xã hội, Nho giáo cơ bản vẫn 
được đặt trong sự bình đẳng tôn giáo. Trong Quốc triều hình luật, quy 
định về Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo đều nhằm phát huy mặt tích cực 
và hạn chế mặt tiêu cực của Tam giáo. Điều này góp phần vào việc đoàn 
kết tôn giáo, ổn định xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước. Ngày nay, 
công tác tôn giáo ở nước ta luôn đòi hỏi phải đảm bảo quyền tự do tôn 
giáo của nhân dân và quyền bình đẳng giữa các tổ chức tôn giáo. Vì thế, 
bài học này góp phần tìm tòi sáng tạo hơn nữa để nâng cao hiệu quả công 
tác tôn giáo. 
102 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 8 - 2014 
Thứ ba, vua Lê Thánh Tông coi trọng và nghiêm khắc đối với đội ngũ 
quan lại trong việc xử lý tình hình tôn giáo. Quốc triều hình luật đưa ra các 
hình phạt cụ thể không chỉ đối với chủ thể hoạt động tôn giáo, mà còn đối 
với chủ thể quản lý tôn giáo nếu vi phạm quy định. Những quy định như 
thế góp phần tạo cho phép nước nghiêm minh, xã hội ổn định, người dân 
tin tưởng vào chính quyền. Bài học này vẫn còn nguyên giá trị trong việc 
xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo ở nước ta hiện nay./. 
CHÚ THÍCH: 
1 Trần Trọng Kim (2008), Việt Nam sử lược, Nxb. Văn học: 263. 
2 Trần Trọng Kim (2008), Việt Nam sử lược, sđd: 273. 
3 Ở thành phố Hạ Long ngày nay có núi Bài Thơ. Đây là dấu tích trong một lần 
tuần tra tại vùng biển Hạ Long của vua Lê Thánh Tông. Ông đã đề một bài thơ 
trên vách núi, sau này dân chúng gọi núi đó là núi Bài Thơ. 
4 Tuy chưa thống nhất về thời gian biên soạn, thực hiện, cũng như mối quan hệ với 
các bộ luật trước và sau nó, nhưng đa số ý kiến khẳng định, Quốc triều hình luật 
là đỉnh cao của luật pháp Việt Nam trong lịch sử và gắn liền với tên tuổi vị vua 
tài ba và anh minh là Lê Thánh Tông. 
5 Nho giáo là một học thuyết chính trị xã hội có mang những yếu tố của một tôn 
giáo. Trong phân tích của mình, chúng tôi cố gắng tiếp cận Nho giáo từ phương 
diện tôn giáo. 
6 Trần Trọng Kim (2008), Việt Nam sử lược, sđd: 261. 
7 Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb. Văn hóa Thông tin, 2004: 251. 
8 Trần Trọng Kim (2008), Việt Nam sử lược, sđd: 268 - 269. 
9 Số thứ tự điều luật ở bài viết này lấy theo số thứ tự từ Điều 1 đến Điều 722 trong 
Quốc triều hình luật (Luật hình triều Lê), Nxb. Pháp lý Hà Nội, 1991. Thực tế ở 
mỗi chương của sách lại đánh số thứ tự từ 1 trở đi. 
10 Quốc triều hình luật (Luật hình triều Lê), sđd: 75. 
11 Quốc triều hình luật (Luật hình triều Lê), sđd: 67. 
12 ThS. Đỗ Thị Kim Hoa (2013), “Phật giáo trong mối tương quan Tam giáo và ảnh 
hưởng của nó đến văn hóa Việt Nam ngày nay”, trong Viện Triết học (Viện Hàn 
lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội (Giáo 
hội Phật giáo Việt Nam), Hội thảo quốc tế Phật giáo Châu Á và Việt Nam trong 
tiến trình phát huy văn hóa dân tộc, Hạ Long: 262 - 263. 
13 Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, sđd: 247. 
14 Quốc triều hình luật (Luật hình triều Lê), sđd: 115. 
15 Quốc triều hình luật (Luật hình triều Lê), sđd: 126. 
16 Quốc triều hình luật (Luật hình triều Lê), sđd: 94. 
17 Ngô Quốc Đông (2011), “Mối tương quan giữa Phật giáo với chính trị thời Lý: 
cơ sở, biểu hiện và những đặc trưng”, trong Đại đức, TS. Thích Đức Thiện, TS. 
Nguyễn Quốc Tuấn đồng chủ biên, Phật giáo thời Lý với 1.000 năm Thăng Long 
– Hà Nội, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội: 373. 
Trần Thị Châm. Quản lý Tam giáo 103 
18 ThS. Đỗ Thị Kim Hoa (2013), “Phật giáo trong mối tương quan Tam giáo và ảnh 
hưởng của nó đến văn hóa Việt Nam ngày nay”, bđd: 263. 
19 Quốc triều hình luật (Luật hình triều Lê), sđd: 114-115. 
20 Trần Văn Giàu (1993), Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến 
Cách mạng Tháng Tám, tập 1, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh: 483. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1. Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb. Văn hóa Thông tin, 2004. 
2. Ngô Quốc Đông (2011), “Mối tương quan giữa Phật giáo với chính trị thời Lý: cơ 
sở, biểu hiện và những đặc trưng”, trong Đại đức, TS. Thích Đức Thiện, TS. 
Nguyễn Quốc Tuấn đồng chủ biên, Phật giáo thời Lý với 1.000 năm Thăng Long 
- Hà Nội, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 
3. Trần Văn Giàu (1993), Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến 
Cách mạng Tháng Tám, tập 1, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh. 
4. Đỗ Thị Kim Hoa (2013), “Phật giáo trong mối tương quan Tam giáo và ảnh 
hưởng của nó đến văn hóa Việt Nam ngày nay”, trong Viện Triết học (Viện Hàn 
lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội (Giáo 
hội Phật giáo Việt Nam), Hội thảo quốc tế Phật giáo Châu Á và Việt Nam trong 
tiến trình phát huy văn hóa dân tộc, Hạ Long. 
5. Trần Trọng Kim (2008), Việt Nam sử lược, Nxb. Văn học. 
6. Quốc triều hình luật (Luật hình triều Lê), Nxb. Pháp lý Hà Nội, 1991. 

File đính kèm:

  • pdfquan_ly_tam_giao_duoi_trieu_vua_le_thanh_tong.pdf