Một số biến chuyển của cao đài đại đạo chiếu minh tam thanh vô vi hiện nay

Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi, gọi tắt

là Chiếu Minh Tam Thanh, do ông Ngô Minh Chiêu sáng lập cuối

năm 1926, tu hành theo “Tâm pháp chơn truyền” của đạo Cao

Đài. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện

nay, phái Cao Đài này đã có những điều chỉnh vừa phù hợp với sự

biến đổi của xã hội, vừa giữ chân truyền của phái đạo. Bài viết này

bước đầu đề cập đến sự chuyển biến của Chiếu Minh Tam Thanh

những năm gần đây trên ba phương diện cơ bản là truyền đạo,

hành đạo và quản đạo; từ đó đặt ra một số vấn đề đối với phái Cao

Đài này hiện nay như phát huy tinh thần dân chủ, tính bình đẳng

và tôn trọng nhau, truyền thống nhân nghĩa và khoan dung.

pdf 9 trang dienloan 9380
Bạn đang xem tài liệu "Một số biến chuyển của cao đài đại đạo chiếu minh tam thanh vô vi hiện nay", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Một số biến chuyển của cao đài đại đạo chiếu minh tam thanh vô vi hiện nay

Một số biến chuyển của cao đài đại đạo chiếu minh tam thanh vô vi hiện nay
124 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 - 2014 
NGUYỄN THỊ ÁNH NGÀ* 
MỘT SỐ BIẾN CHUYỂN CỦA CAO ĐÀI ĐẠI ĐẠO CHIẾU 
MINH TAM THANH VÔ VI HIỆN NAY 
Tóm tắt: Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi, gọi tắt 
là Chiếu Minh Tam Thanh, do ông Ngô Minh Chiêu sáng lập cuối 
năm 1926, tu hành theo “Tâm pháp chơn truyền” của đạo Cao 
Đài. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện 
nay, phái Cao Đài này đã có những điều chỉnh vừa phù hợp với sự 
biến đổi của xã hội, vừa giữ chân truyền của phái đạo. Bài viết này 
bước đầu đề cập đến sự chuyển biến của Chiếu Minh Tam Thanh 
những năm gần đây trên ba phương diện cơ bản là truyền đạo, 
hành đạo và quản đạo; từ đó đặt ra một số vấn đề đối với phái Cao 
Đài này hiện nay như phát huy tinh thần dân chủ, tính bình đẳng 
và tôn trọng nhau, truyền thống nhân nghĩa và khoan dung. 
Từ khóa: đạo Cao Đài, Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh 
Vô Vi, Chiếu Minh Tam Thanh, Ngô Minh Chiêu. 
1. Vấn đề truyền đạo của Chiếu Minh Tam Thanh hiện nay 
Chiếu Minh Tam Thanh tu hành theo bí pháp của ông Ngô Minh 
Chiêu thông qua phương thức trực truyền hoặc cơ bút. Khi cầu đạo, ông 
Ngô Minh Chiêu phát nguyện: “Nếu Đức Cao Đài độ cho tôi thành đạo 
thì tôi sẽ lo độ lại chúng sanh tùy theo phước đức của mỗi người”1. Ông 
dạy: “Hễ bí pháp thì khẩu khẩu tương truyền, tâm tâm tương thọ, không 
được thấu lậu ra cho ai hay biết đặng, hoặc tả vẽ, giải phân trên giấy mực 
hay dùng cơ bút mà truyền bí pháp đặng”2. Cho nên, khi còn tại thế, ông 
Ngô Minh Chiêu không thuyết pháp và biên kinh sách3, mà dùng cơ bút 
để truyền đạo. “Thầy nhứt định không giao Thánh giáo cho tay phàm 
nữa, vì trước kia Tam giáo thất chơn truyền là cũng bởi Thánh giáo ở 
trong tay phàm, nên các con canh cải làm sái lạc pháp linh”4. 
Ngày nay, bên cạnh phương thức trực truyền bí pháp, Chiếu Minh 
Tam Thanh còn xây dựng quy chế, nội quy thống nhất, tránh tình trạng 
*
 ThS., Trường Chính trị Thành phố Cần Thơ. 
Nguyễn Thị Ánh Ngà. Một số biến chuyển... 125 
 125
mỗi nơi thực hiện một kiểu. Việc truyền giáo lý được mở rộng bằng 
nhiều hình thức như: hội thảo giáo lý, viết bài đăng trên Tạp chí Cao Đài 
(cơ quan ngôn luận của các Hội thánh Cao Đài), v.v Bên cạnh đó, bút 
tích các vị tiền bối Chiếu Minh Tam Thanh được đánh máy, các ấn phẩm 
của hệ phái được Nhà xuất bản Tôn giáo in ấn, phát hành đã tạo điều kiện 
thuận lợi cho đạo hữu học đạo và hành đạo. 
Trước đây, Chiếu Minh Tam Thanh hoạt động thuần túy tôn giáo. 
“Tín đồ phải trầm mặc, chẳng nên bàn đến chánh sự, chẳng nên luận đến 
tông giáo khác, chẳng nên xen vô việc đôi chối của người”5. “Đối với 
luật đạo thì chẳng nên vượt ra ngoài khuôn khổ quy giới của tôn giáo. 
Nhứt là chẳng nên làm chính trị, hoặc gia nhập vào những đảng phái 
chính trị”6. 
Ngày nay, đại diện Chiếu Minh Tam Thanh là thành viên của Ủy ban 
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt 
Nam Thành phố Cần Thơ, Ban Quy ước các phái đạo Cao Đài (một tổ 
chức giúp chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lý nhà nước đối 
với đạo Cao Đài tại Thành phố Cần Thơ). Đây là sự vận động phù hợp 
với điều kiện lịch sử cụ thể. Bởi vì, lúc sinh thời, ông Ngô Minh Chiêu đã 
nhận thấy, nếu tham gia chính trị, hoạt động đạo sự sẽ gặp trở ngại bởi sự 
kiểm soát gắt gao của chính quyền đương thời. Ngày nay, quyền tự do tín 
ngưỡng, tôn giáo được Đảng và Nhà nước Việt Nam tôn trọng, Chiếu 
Minh Tam Thanh tham gia các tổ chức nêu trên là một trong những việc 
làm thiết thực, góp phần thực hiện tốt đường hướng “tốt đời, đẹp đạo”. 
Việc mở rộng thu phục tín đồ của Chiếu Minh Tam Thanh trước đây, 
theo ông Ngô Minh Chiêu: “Tín đồ chẳng đặng phép đi tuyên truyền, 
hoặc rủ ren, mời mọc người khác. Phận sự phải luôn luôn làm gương 
mẫu, là cố gắng hành đạo cho đúng quy giới, hầu có thể cảm hóa người 
trông vào. Đó là phép chánh kỷ hóa nhơn”7. Đây là điểm khác biệt rõ rệt 
giữa Chiếu Minh Tam Thanh với các phái Cao Đài và nhiều tôn giáo 
khác. Bởi vì, thông thường, mong muốn có thêm tín đồ nên các tôn giáo 
thực hiện nhiều biện pháp vận động, mời gọi để mở rộng đạo. Chiếu 
Minh Tam Thanh không làm như vậy, mà chỉ truyền giáo khi có người tự 
nguyện tìm hiểu và quyết tâm cầu đạo. Ngày nay, thành phần tham dự 
nhiều hoạt động tôn giáo và nghi lễ tôn giáo của Chiếu Minh Tam Thanh 
không chỉ có thành viên của phái Cao Đài này, mà còn có đại diện các 
phái Cao Đài khác, các tôn giáo bạn, các cơ quan có liên quan trong hệ 
126 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 - 2014 
 126
thống chính trị. Đây là những việc làm tích cực, chưa từng có so với 
Chiếu Minh Tam Thanh trước đây. 
Những năm gần đây, Chiếu Minh Tam Thanh đã tham gia vào nhiều 
hoạt động xã hội như: hưởng ứng “Cuộc vận động học tập và làm theo 
tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Ngày vì người nghèo”, “Đền ơn đáp 
nghĩa”; thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa; khám 
chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí, v.v Với kết quả tích cực và thiết thực 
đạt được, nhiều gương người tốt việc tốt của Chiếu Minh Tam Thanh 
được chính quyền các cấp ghi nhận và khen thưởng. 
Ngoài ra, các nhà đàn Chiếu Minh Tam Thanh đã biết áp dụng khoa 
học công nghệ vào đạo sự qua các trang thông tin điện tử như: Tổ đình 
Thánh Đức (Cần Thơ) có caodaitodinh.com.vn; đàn Thông Linh Khiếu 
(Tiền Giang) có thonglinhkhieu.com; Giáo tòa Chiếu Minh (Vĩnh Long) 
có chieuminhgiaotoa.org; đàn Bửu Minh (Cộng hòa Pháp) có 
antruong.free.fr, chieuminh.free.fr, v.v... 
2. Vấn đề hành đạo của Chiếu Minh Tam Thanh hiện nay 
Tại đàn cơ tổ chức ở đàn Chiếu Minh Long Ẩn, ngày 15 tháng 6 năm 
Tân Mão (tức ngày 18/7/1951), ông Ngô Minh Chiêu đã dạy tín đồ: 
“Mình tu mà đừng cho người ta biết mình tu, giữ bề ngoài như người 
thường”8; “Chiếu Minh Tam Thanh là một phái vô vi tu ẩn không đem 
triết lý mà khuyên đời, chỉ dụng đức tốt hạnh lành để làm kiểu mẫu cho 
người soi gương thôi. Bởi vậy, người tu ở bực nầy, lúc ở nhà cũng như 
khi ra đường, luôn luôn phải có cử chỉ nhã nhặn, thái độ ôn hòa đối với 
mọi người và trong mọi việc”9. 
Do vậy, những người tu hành theo Chiếu Minh Tam Thanh truyền 
thống: “Phải trường trai, tuyệt dục, chịu khổ hạnh công phu khuya sớm 
cho đủ tứ thời, và phải ngủ ngồi cho pháp đạo dễ bề lưu thông chuyển 
hóa”10; “Phải có kế sanh nhai, tự nuôi thân, chớ chẳng được phép nhờ 
người giúp đỡ, cấp dưỡng (cố nhiên trừ ra trường hợp những người già cả 
phải nhờ con cháu phụng dưỡng). Công ăn việc làm phải cố gắng đừng 
cho trái nhơn đạo. Ngoài ra, phải giữ tròn bổn phận công dân, khâm tuân 
pháp luật, giúp ích xã hội. Trong gia đình, sau việc cúng kiếng, phượng 
thờ, phải lo tròn nhiệm vụ”11. 
Những quy định nêu trên đến nay vẫn được cộng đồng Chiếu Minh 
Tam Thanh tuân thủ và ngày càng bài bản hơn. Cụ thể, Chương VI, Điều 
Nguyễn Thị Ánh Ngà. Một số biến chuyển... 127 
 127
lệ Pháp môn về cấp tu - giới luật - lễ phục - ấn tín quy định: Người tu 
hành theo Chiếu Minh Tam Thanh phải giữ đúng phép nước (làm tròn 
bổn phận công dân, không vi phạm pháp luật hiện hành, không làm điều 
sai trái), giữ nghiêm luật đạo (không lạc quyên hoặc thu nhận tiền bạc 
của bá tính, tự lao động, làm ăn chân chính, thực hiện Tam quy và Ngũ 
giới). Người thụ pháp bình đẳng trên tinh thần huynh đệ, tỷ muội; có cử 
chỉ nhã nhặn, thái độ ôn hòa, kính trên nhường dưới; có bổn phận giúp đỡ 
nhau trong việc đạo và việc đời. 
Tín đồ của Chiếu Minh Tam Thanh chủ trương trước hết là đạo pháp, 
kế đó là đạo thể, không quan tâm đạo tướng. Quy điều nội lệ đã hướng 
dẫn chi tiết cách thức bảo tồn cơ thể và đạo pháp. Theo đó, người tu hành 
trước hết nên làm việc phúc đức, sau nữa cố công gắng sức luyện tập đầy 
đủ, tứ thời điều dưỡng; thu xếp thời giờ tĩnh tâm để giao cảm, liên thông 
với Trời Phật; làm mọi việc đều theo quy tắc, mực thước. “Ăn thì phải có 
độ lượng, ngủ thì có giờ khắc nhứt định, còn làm việc lao lực cũng có 
chừng mực thôi. Chuyện chi cũng vậy, chẳng nên khi thì thái quá, còn lúc 
lại bất cập. Vì thái quá hay bất cập chi cũng đều có hại cho đạo pháp và 
cơ thể”12. 
Có thể thấy, việc tu hành theo Chiếu Minh Tam Thanh là một sự khổ 
công. Đây là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao Chiếu Minh 
Tam Thanh, tuy là phái Cao Đài đầu tiên, nhưng đến nay, sau gần 90 năm 
tồn tại và phát triển, số lượng người tu hành vẫn rất ít. 
Trước đây, ông Ngô Minh Chiêu dạy tín đồ: “Lòng từ bi - bác ái luôn 
luôn phải thực sự, cụ thể, tích cực, nhưng hành vi phải âm thầm kín đáo, 
làm việc phước đức cho thường, song chẳng cho người thấy biết”13. Ngày 
nay, một số kết quả hoạt động của Chiếu Minh Tam Thanh được báo cáo 
về chính quyền địa phương, Hội đồng Điều hành Pháp môn và trên các 
phương tiện truyền thông đại chúng. Điều này không ngược với lời dạy 
của Đức Tôn sư phái Chiếu Minh Tam Thanh: các việc tốt và việc thiện 
vẫn được thực hiện tích cực nhưng không khuếch trương hình thức, 
không quan tâm đến sự ghi nhận hay trả ơn của người thụ hưởng. 
3. Vấn đề quản đạo của Chiếu Minh Tam Thanh hiện nay 
Trước đây, do điều kiện khách quan, “các nhà đàn (Chiếu Minh Tam 
Thanh - TG) đều hoạt động độc lập và chưa khai báo với chính quyền 
đương thời, do đó âm thầm phát triển và len lỏi khắp nơi như những 
mạch nước ngầm luân chảy mà chỉ có những người có căn duyên gặp đạo 
128 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 - 2014 
 128
hay thọ pháp tu hành thì mới biết”14. Từ khi Ban Tôn giáo Chính phủ cấp 
giấy chứng nhận hoạt động tôn giáo (ngày 15/12/2009), “Pháp môn Cao 
Đài Chiếu Minh hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật của 
nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”15. Các nhà đàn cùng xây 
dựng Quy chế hoạt động làm quy tắc chung trong hành đạo trên tinh thần 
đoàn kết, tôn trọng, không xen vào nội bộ, tổ chức với mục tiêu gìn giữ 
đạo pháp, giúp đỡ lẫn nhau ngày càng bền vững. Để điều hành chung 
trong toàn đạo, Đại hội đại biểu lần thứ nhất phái Chiếu Minh Tam 
Thanh nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã suy tôn Ban Hành lễ Pháp môn và Hội 
đồng Điều hành Pháp môn. Hằng quý, các thành viên trong hai ban này 
(đại diện cho các nhà đàn) tổ chức triển khai kế hoạch đạo sự đã đề ra, 
sắp xếp kiện toàn bộ máy hành đạo. Đây là nét nổi bật về quản đạo của 
Chiếu Minh Tam Thanh từ khi thành lập đến nay. 
Sau Đại hội, Pháp môn đã thăm viếng, tìm hiểu đạo sự, đồng thời đề 
ra phương hướng giải quyết khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà 
đàn hoạt động: dự lễ khánh thành Thánh tịnh Chiếu Minh (Bình Dương); 
nhà đàn Cam Ranh (Khánh Hòa), nhà đàn Cần Đước (Long An) tiếp nhận 
quyết định cho phép đăng ký hoạt động; giúp nhà đàn Toàn Chơn (Thành 
phố Hồ Chí Minh), nhà đàn Khuyết Linh (Bến Tre), nhà đàn Minh Cảnh 
(Tây Ninh) hoàn tất thủ tục pháp lý; định hướng khôi phục nhà đàn Long 
Ân (Bà Rịa - Vũng Tàu). 
Hiện nay, nội bộ Chiếu Minh Tam Thanh vẫn còn một số người cho 
rằng, họ tự tu hành và sinh hoạt không vi phạm luật pháp của Nhà nước, 
không cản trở đến sản xuất, không gây thiệt hại đến lợi ích cộng đồng 
nên không cần phải báo cáo với Pháp môn. Vì thế, trong chương trình 
đạo sự, Pháp môn đã rất quan tâm đến việc tổ chức giao lưu với một số 
nhà đàn chưa đồng thuận, tạo sự gắn kết giữa các nhà đàn, dần công nhận 
các nhà đàn này để thuận tiện trong giao lưu hành đạo và công tác quản 
lý của Nhà nước. 
4. Một số vấn đề đặt ra đối với Chiếu Minh Tam Thanh hiện nay 
Chiếu Minh Tam Thanh là một tôn giáo nội sinh, mang trong mình 
nhiều yếu tố bản sắc dân tộc. Ngày nay, xu thế toàn cầu hóa đã và đang 
tác động không nhỏ đến đời sống tôn giáo Việt Nam nói chung, Chiếu 
Minh Tam Thanh nói riêng. Vì thế, để bảo đảm tính dân tộc và tính thời 
đại trong hoạt động đạo sự, theo chúng tôi, Chiếu Minh Tam Thanh cần 
lưu ý một số vấn đề sau đây: 
Nguyễn Thị Ánh Ngà. Một số biến chuyển... 129 
 129
Một là, phát huy tinh thần dân chủ. Từ lúc khai đạo năm Bính Dần 
(1926) đến năm Canh Dần (1950), do Đức Tôn sư tùy duyên hóa độ, nên 
phép cúng, phụng thờ, lễ phục, giữa các nhà đàn Chiếu Minh Tam 
Thanh có sự khác nhau nhất định. Để tránh sự mơ hồ, nghi hoặc cho 
người muốn vào đạo, vào dịp Trọng Thu năm Canh Dần (1950) tại đàn 
Phú Lâm, Cao Đài Tiên Ông giáng cơ giải thích việc lập thành Quy điều 
nội lệ phải do đệ tử của Chiếu Minh Tam Thanh thực hiện như sau: 
“Thầy không nỡ đem sự khó khăn mà giao trách cho các con, vì hễ Thầy 
làm ra đó là luật, còn các con lập thành thì chỉ là thể lệ hay nội lệ mà thôi. 
Còn về phần hữu hình đã làm cho các con ở Tiền Giang và Hậu Giang 
bất đồng ý nhau là cũng do nơi tiền định mà từ lâu Thầy không phân 
bạch, hắc. Vả lại các con ở Tiền Giang thì noi theo cách hành vi của Thầy 
lúc Đạo Khai, còn các con ở Hậu Giang thì tuân theo lời Thầy dạy lúc 
Đạo Chuyển. Còn ngày nay là cơn Đạo Thành thì các con nên dung hòa 
nhau mà lập thành một quy tắc mới cho phù hợp với thời cơ, chớ từ xưa 
nay dầu sao Thầy cũng dung nạp, vì xưa kia chính Thầy đã dạy thì không 
sao là phải, sao là chẳng phải”16. 
Ngày nay, việc quyết định nhân sự Hội đồng Điều hành Pháp môn 
và Ban Hành lễ Pháp môn đều được bàn bạc và tín nhiệm của đại hội. 
Các chương trình đạo sự đều có sự trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm và 
đồng thuận của các nhà đàn qua hội nghị định kỳ. Việc phát huy dân 
chủ là điều hết sức cần thiết đối với Chiếu Minh Tam Thanh. Đây là 
một trong những biểu hiện của sự tiến bộ xã hội trong Chiếu Minh 
Tam Thanh hiện nay. 
Hai là, phát huy tính bình đẳng và tôn trọng nhau. Nếu như chức sắc, 
chức việc của một số tôn giáo chỉ chọn nam giới, còn nữ giới thì không 
tiến cử hoặc nếu có chỉ ở phạm vi nhất định, thì thành phần điều hành 
Chiếu Minh Tam Thanh không có sự phân biệt về giới tính. Hiện nay, 
Trưởng ban Quản lý Tổ đình Thánh Đức, Chánh Hội trưởng Hội đồng 
Điều hành Pháp môn và Trưởng ban Hành lễ Pháp môn đều là nữ giới. 
Khi qua đời, đạo hữu đắc đạo được ân phong cũng không phân biệt 
giới tính, miễn sao quá trình tu tập bảo đảm quy định của luật đạo. Từ 
năm 1926 đến năm 1936, trong số 43 tín đồ của Chiếu Minh Tam Thanh 
qua đời có ấn chứng17 (mắt trái mở to có đủ tinh thần như còn sống, mắt 
phải nhắm, sắc diện còn tươi, thân thể còn ấm) đã có 11 vị được phong 
Nương Nương hoặc Tiên Nữ. 
130 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 - 2014 
 130
Sự bình đẳng của Chiếu Minh Tam Thanh không chỉ về giới tính, mà 
còn trong giao tiếp, ứng xử. Người tu hành theo phái Cao Đài này không 
phân giai cấp, sang hèn, đối xử với nhau như người trong gia đình. 
Một trong những đặc điểm nổi bật của Chiếu Minh Tam Thanh là tính 
độc lập và tôn trọng lẫn nhau. Các cá nhân tích cực và chủ động trong tu 
học và lao động sản xuất, không nhận sự trợ giúp của bá tính. Giữa các nhà 
đàn không thiên vị, phân biệt đối xử cũ - mới, thấp - cao, tôn trọng tính độc 
lập trong truyền đạo và quản đạo. Hội đồng Điều hành Pháp môn và Ban 
Hành lễ Pháp môn cũng không áp đặt vấn đề đạo sự cho các nhà đàn. 
Ba là, phát huy truyền thống nhân nghĩa và khoan dung. Tinh thần 
nhân nghĩa và khoan dung của tín đồ Chiếu Minh Tam Thanh không chỉ 
là sự kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, mà còn khẳng 
định tính thiện của các tôn giáo trong xã hội Việt Nam hiện nay. 
Ông Ngô Minh Chiêu là tấm gương sáng cho toàn phái Chiếu Minh 
Tam Thanh. Sinh thời, trong gia đình, ông là người hiếu nghĩa vẹn tròn. 
Ngoài xã hội, ông giúp đỡ mọi người một cách kín đáo, không hề nhận lễ 
vật của ai. Trong thời gian làm quan, ông nổi tiếng là vị quan thanh liêm, 
chính trực. Tóm lại, với nhiệm vụ thì ông công bình và bác ái; với đồng 
liêu thì khiêm nhượng và khoan dung; với quần chúng thì thân tình và 
đức độ. 
Ngày nay, cộng đồng Chiếu Minh Tam Thanh chú trọng “tu tịnh làm 
lành, lánh dữ, tích cực hoạt động từ thiện giúp đỡ người nghèo khó trong 
đạo cũng như ngoài xã hội, lo lập công bồi đức”18; phát huy truyền thống 
yêu nước, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Các hoạt động 
từ thiện xã hội của phái Cao Đài này như: nuôi trẻ mồ côi, xây nhà dưỡng 
lão, cứu trợ người tàn tật và đồng bào bị lũ lụt, chăm sóc sức khỏe nhân 
dân, luôn được coi trọng và khuyến khích phát triển. Từ năm 2010 đến 
năm 2013, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của tám nhà đàn, số tiền 
hoạt động từ thiện xã hội của Chiếu Minh Tam Thanh quy ra tiền là 9,5 
tỷ đồng, một con số đáng trân trọng. 
Nhìn chung, Chiếu Minh Tam Thanh hiện nay đã và đang thể hiện 
được tính năng động, tùy duyên đầy sáng tạo trước những đổi thay của 
hoàn cảnh xã hội. Tuy nhiên, phái đạo Cao Đài này cần chú ý đến một số 
yếu tố khá đặc biệt như tín đồ tắm nước nóng, tự lao động, không nhận 
sự trợ giúp của bá tính; tư thế ngồi nằm trong tu tập, v.v... Điều này, đòi 
Nguyễn Thị Ánh Ngà. Một số biến chuyển... 131 
 131
hỏi tín đồ của Chiếu Minh Tam Thanh phải luôn tu dưỡng theo mục đích 
và đường hướng hành đạo. 
Cùng với sự đổi thay của xã hội, Chiếu Minh Tam Thanh cũng phải 
không ngừng thay đổi để thích nghi. Do đó, trước những tiêu cực có thể 
nảy sinh, Hội đồng Điều hành Pháp môn và Ban Hành lễ Pháp môn cần 
tăng cường quản lý để hoạt động của Chiếu Minh Tam Thanh luôn trong 
sạch, thuần túy, không bị biến dạng. Đó là một trong những giải pháp 
thiết thực và hiệu quả mà bản thân Chiếu Minh Tam Thanh cần triển khai 
trong giai đoạn hiện nay./. 
CHÚ THÍCH: 
1 Đồng Tân (1967), Lịch sử Cao Đài Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, quyển 1, Nxb. Cao 
Hiên: 75. 
2 Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi (2011), Đại Thừa chơn giáo, 
Nxb. Tôn giáo, Hà Nội: 37. 
3 Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi (2007), Lịch sử quan phủ Ngô 
Văn Chiêu, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội: 131. 
4 Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi (2011), Đại Thừa chơn giáo, 
sđd: 35. 
5 Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi (2007), Lịch sử quan phủ Ngô 
Văn Chiêu, sđd: 136. 
6 Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi (2007), Quy điều nội lệ, tập số 
3: Tu hành, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội: 9. 
7 Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi (2007), Lịch sử quan phủ Ngô 
Văn Chiêu, sđd: 136. 
8 Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi (2007), Quy điều nội lệ, sđd: 52. 
9 Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi (2007), Quy điều nội lệ, sđd: 12. 
10 Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi (2010), Quy chế pháp môn Cao 
Đài Chiếu Minh, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội: 18. 
11 Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi (2007), Lịch sử quan phủ Ngô 
Văn Chiêu, sđd: 135. 
12 Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi (2007), Quy điều nội lệ, sđd: 10. 
13 Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi (2007), Lịch sử quan phủ Ngô 
Văn Chiêu, sđd: 133. 
14 Hội đồng Điều hành Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi (2010), 
Báo cáo tổng hợp tại Đại hội lần I Pháp môn Cao Đài Chiếu Minh. 
15 Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi (2010), Quy chế pháp môn Cao 
Đài Chiếu Minh, sđd: 4. 
16 Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi (2007), Quy điều nội lệ, sđd: 11 
- 12. 
17 Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi (2011): Đại thừa chơn giáo, 
sđd: 279 - 280. 
18 Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi (2007), Quy chế pháp môn Cao 
Đài Chiếu Minh, sđd: 7. 
132 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 3 - 2014 
 132
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1. Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi (2007), Lịch sử quan phủ Ngô 
Văn Chiêu, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 
2. Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi (2007), Quy điều nội lệ, tập số 
3: Tu hành, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 
3. Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi (2010), Quy chế pháp môn Cao 
Đài Chiếu Minh, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 
4. Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi (2011), Đại Thừa chơn giáo, 
Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 
5. Hội đồng Điều hành Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi (2010), 
Báo cáo tổng hợp tại Đại hội lần I Pháp môn Cao Đài Chiếu Minh. 
6. Đồng Tân (1967), Lịch sử Cao Đài Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, quyển 1, Nxb. Cao Hiên. 
Abstract 
SOME CHANGES OF CHIẾU MINH TAM THANH VÔ VI 
CAODAISM 
Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi (Chiếu Minh Tam 
Thanh for in short) was founded by Ngô Minh Chiêu in 1926. In present 
global context and international integration, this sect has regulated itself 
to meet the change of society and to maintain sect. This article initially 
mentioned the change of Chiếu Minh Tam Thanh sect in recent years on 
three main aspects: preaching, practicing and management. Then, the 
author brought out some problems concerning Chiếu Minh Tam Thanh 
sect such as developing democracy, equality and respect, tradition of 
benevolence and tolerance. 
Key words: Caodaism, Cao Đài Đại Đạo Chiếu Minh Tam Thanh Vô 
Vi, Chiếu Minh Tam Thanh, Ngô Minh Chiêu. 

File đính kèm:

  • pdfmot_so_bien_chuyen_cua_cao_dai_dai_dao_chieu_minh_tam_thanh.pdf