Phát triển vượt cấp trong xã hội: Lịch sử, lôgíc và thực tiễn chủ nghĩa xã hội ngày nay
Sự vận động và phát triển của lịch sử xã hội loài người là một quá
trình lịch sử - tự nhiên. Trong tiến trình lịch sử, nhân loại tất yếu phải lần lượt
đi từ xã hội thấp lên xã hội cao, theo trật tự xã hội trước đến xã hội sau. Tuy
nhiên, ở từng thời kỳ cụ thể, một quốc gia, dân tộc riêng lẻ có thể diễn ra sự
phát triển vượt cấp bằng cách bỏ qua một giai đoạn phát triển nhất định và tiến
thẳng lên một giai đoạn phát triển cao hơn. Trên cơ sở phân tích các căn cứ về
lịch sử, lôgíc và từ thực tiễn chủ nghĩa xã hội, tác giả khẳng định có sự phát
triển vượt cấp như vậy, đồng thời khẳng định có khả năng quá độ lên chủ nghĩa
xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa.
Bạn đang xem tài liệu "Phát triển vượt cấp trong xã hội: Lịch sử, lôgíc và thực tiễn chủ nghĩa xã hội ngày nay", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Phát triển vượt cấp trong xã hội: Lịch sử, lôgíc và thực tiễn chủ nghĩa xã hội ngày nay
Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 9 (70) - 2013 40 PHÁT TRIỂN VƯỢT CẤP TRONG XÃ HỘI: LỊCH SỬ, LÔGÍC VÀ THỰC TIỄN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI NGÀY NAY PHẠM VĂN CHÚC* Tóm tắt: Sự vận động và phát triển của lịch sử xã hội loài người là một quá trình lịch sử - tự nhiên. Trong tiến trình lịch sử, nhân loại tất yếu phải lần lượt đi từ xã hội thấp lên xã hội cao, theo trật tự xã hội trước đến xã hội sau. Tuy nhiên, ở từng thời kỳ cụ thể, một quốc gia, dân tộc riêng lẻ có thể diễn ra sự phát triển vượt cấp bằng cách bỏ qua một giai đoạn phát triển nhất định và tiến thẳng lên một giai đoạn phát triển cao hơn. Trên cơ sở phân tích các căn cứ về lịch sử, lôgíc và từ thực tiễn chủ nghĩa xã hội, tác giả khẳng định có sự phát triển vượt cấp như vậy, đồng thời khẳng định có khả năng quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Từ khóa: Phát triển vượt cấp trong xã hội, bỏ qua chế độ, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội, lịch sử, lôgíc. Đặt vấn đề Từ trước đến nay các nhà tư tưởng, lý luận của giai cấp tư sản trên thế giới đều luôn luôn nhất quán và triệt để bác bỏ toàn bộ mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở tất cả các nước. Họ cho rằng, CNXH là điều không tưởng, trái tự nhiên, phi lý; còn chủ nghĩa tư bản (CNTB) mới chính là đỉnh điểm hoàn thiện nhất của tiến bộ xã hội, là đích đến cuối cùng trọn vẹn của sự phát triển văn hóa, văn minh nhân loại. Đối với các nước đang phát triển, chậm phát triển về kinh tế - kỹ thuật, bao gồm cả những nước xã hội chủ nghĩa (XHCN), thì họ khẳng định rằng, con đường phát triển hợp lý tất yếu chỉ có thể là đi lên CNTB và mục tiêu tối thượng, duy nhất đúng đắn chính là các xã hội tư bản chủ nghĩa (TBCN) phương Tây hiện nay. Trên ý nghĩa ấy, vào năm 1989, thời điểm khó khăn nhất của phong trào XHCN thế giới, học giả danh tiếng người Mỹ Ph. Phukuyama đã tuyên bố đầy hứng khởi về một “sự cáo chung của lịch sử” mà hàm ý chính là nhằm đến CNXH hiện thực.(*) Trong khi đó, có những người không hoàn toàn đứng chung đội ngũ với các học giả tư sản, thậm chí còn tự coi mình là có lập trường “XHCN đích thực”, “mácxít chân chính”, thì tuy không trực tiếp bác bỏ mục tiêu và con đường đi lên CNXH nói chung, song lại hoàn toàn phủ nhận khả năng quá độ lên CNXH, xây dựng thành công xã hội XHCN ở những quốc gia, dân tộc đang hoặc chậm phát triển, bỏ qua chế độ TBCN hoặc giai (*) Phó giáo sư, tiến sĩ. Phát triển vượt cấp trong xã hội ... 41 đoạn phát triển cao của chế độ này. Luồng ý kiến trên đã từng xuất hiện trong phong trào XHCN ở Châu Âu ngay từ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, cũng như ở nước Nga trước và trong một thời gian nhất định sau cách mạng Tháng Mười. Đặc biệt, nó rộ lên chiếm ưu thế tại Liên Xô và Đông Âu từ khi bắt đầu bước vào cái gọi là “cải tổ”. Ở nước ta, thời gian qua và kể cả hiện nay cũng xuất hiện những ý kiến như vậy. Các ý kiến này cho rằng, theo chính lý luận mácxít thì các nước tiền TBCN cần phải và cũng chỉ có thể đi lên CNTB. Tương tự, các nước TBCN phát triển thấp hoặc trung bình cũng cần phải và chỉ có thể đi lên CNTB phát triển cao. Sự kiện chế độ XHCN ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ chính là cái giá mà các nước này phải trả cho “tội tổ tông” của họ. Đó là việc, trong khi nền kinh tế, sản xuất còn thua kém xa các nước TBCN phương Tây, thì các Đảng Cộng sản, nhà nước XHCN và người dân ở đây đã cố thực hiện cách mạng tháng Mười và các cuộc cách mạng XHCN khác một cách gò ép, chủ quan, duy ý chí. Mọi khó khăn, trở ngại và bất cập của CNXH hiện thực trong suốt thời gian qua, cũng như thất bại cuối cùng không tránh khỏi tới đây của các nước XHCN còn lại, đều bắt nguồn từ sự bất chấp, vi phạm những quy luật lịch sử tự nhiên mà chính “Mác trẻ” thiên tài đã phát hiện... Các ý kiến trên đây trái ngược với quan điểm của Đảng ta khẳng định rằng, Việt Nam bỏ qua chế độ TBCN để quá độ lên CNXH. Bài viết này phân tích một số căn cứ (lịch sử, lôgíc, thực tiễn) để bác bỏ các ý kiến vừa nêu. 1. Lịch sử Lịch sử phát triển của toàn bộ xã hội loài người trên phạm vi cả thế giới nói chung từ trước đến nay đã và đang trải qua năm hình thái kinh tế - xã hội: công xã nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, TBCN, CSCN. Trong tiến trình lịch sử chung đó, nhân loại tất yếu phải lần lượt đi từ xã hội thấp lên xã hội cao, theo trật tự từ xã hội trước đến xã hội sau. Ở đây lịch sử không thể có sự đứt đoạn, hụt hẫng hoặc nhảy cóc phi thực tế từ hư vô, bất chấp những tiền đề, mục tiêu hiện thực cụ thể nhất định. Nhưng mặt khác, sự vận động, phát triển của xã hội loài người là một quá trình lịch sử - tự nhiên, chứ không phải là một quá trình tự nhiên trực tiếp đơn thuần, tuyệt đối cứng nhắc, máy móc định mệnh. Cho nên cũng chính trong sự phát triển tuần tự, tổng thể chung, thì ở từng thời kỳ, giai đoạn cụ thể nhất định, trong phạm vi từng khu vực, từng quốc gia, dân tộc riêng lẻ lại diễn ra những trường hợp đặc thù. Chẳng hạn, một số cư dân, nền văn minh ở Ấn Độ thời cổ đại, Trung Mỹ thời tiền Côlông đang từ tầm cao phát triển lại trở nên tàn lụi, diệt vong. Hoặc không ít cộng đồng người trên thế giới trong những thời kỳ lịch sử khác nhau, do lâm vào điều kiện sống khắc nghiệt hơn trước mà bị thụt lùi về trình độ phát triển mọi mặt. Ngược lại, một số quốc gia, dân tộc, cộng đồng trong những điều kiện Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 9 (70) - 2013 42 thuận lợi nhất định lại phát triển vượt cấp lên một hình thái kinh tế - xã hội cao hơn hẳn, bỏ qua một hay thậm chí một vài hình thái kinh tế - xã hội cao hơn kế tiếp liền kề. Hoặc ở mức độ gần tương tự như vậy là việc trong cùng một hình thái kinh tế - xã hội, thì có quốc gia, dân tộc, cộng đồng đi trước nhưng về sau lại tụt hậu. Còn quốc gia, dân tộc, cộng đồng đi sau lại vươn lên hàng đầu, đạt tới mức phát triển cao nhất và sớm nhất của hình thái kinh tế - xã hội đó. Về trường hợp thứ hai nêu trên, lịch sử đã có một số ví dụ cụ thể tiêu biểu. Chẳng hạn, người Giécmanh ở Đức thời cổ đại đã từ xã hội Công xã nguyên thủy bỏ qua chế độ chiếm hữu nô lệ của người La Mã cùng thời, tiến lên một xã hội hoàn toàn mới cho đến lúc đó là xã hội phong kiến. Người Mông Cổ, Mãn Thanh thời trung cổ sau khi chinh phục nước Trung Hoa, đã bỏ qua chế độ chiếm hữu nô lệ trong quá khứ để tiến lên xã hội phong kiến đương thời của những kẻ bại trận, tuy nhiên cũng bị họ đồng hóa hoàn toàn. Thổ dân da đỏ ở Bắc Mỹ, người Maori ở Ôxtrâylia thời cận đại đã từ xã hội Công xã nguyên thủy tiến lên xã hội TBCN, bỏ qua các chế độ nô lệ và phong kiến. Nước Mỹ thời cận đại là một cộng đồng bao gồm cả thổ dân da đỏ lẫn dân nhập cư da trắng và da đen, đã từ một xã hội có nền sản xuất TBCN kết hợp với chế độ chính trị mang yếu tố chiếm nô đậm nét, thực hiện cuộc Cách mạng tư sản năm 1776 để tiến lên CNTB. Trong thời hiện đại, nhiều quốc gia, dân tộc ở Châu Phi đã từ các xã hội tiền phong kiến tiến lên xã hội TBCN. Trong thời cổ đại, một số thuộc địa của các nhà nước chiếm hữu nô lệ Hy Lạp (như Cáctagiơ ở Bắc Phi,...) đã phát triển lên trình độ điển hình của chế độ này cao hơn và sớm hơn so với chính quốc. Trong thời trung cổ ở Châu Âu, một số cư dân (như người Noócmăngđi ở Anh,...) đã đi lên xã hội phong kiến muộn hơn người Giécmanh, nhưng lại phát triển xã hội này đến trình độ điển hình trước tiên. Thể chế phong kiến đó vẫn hiện diện trong nền quân chủ lập hiến đại nghị tư sản của nước Anh ngày nay. Sang thời cận, hiện đại thì mầm mống của CNTB hình thành sớm nhất và những cuộc chính biến tư sản nổ ra đầu tiên không phải tại Anh, mà lại là ở Italia và Hà Lan. Cuộc cách mạng tư sản điển hình nhất được thừa nhận chung, là Đại cách mạng tư sản Pháp năm 1789. CNTB đạt tới trình độ phát triển điển hình sớm nhất và cao nhất cho đến nay, không phải là ở Tây Âu mà là ở Mỹ và Nhật Bản... 2. Lôgíc Trên cơ sở kết hợp việc tổng kết toàn bộ lịch sử phát triển xã hội loài người từ đầu cho đến khoảng những năm 20 thế kỷ XX, bao gồm cả phương Tây và phương Đông, Châu Âu và ngoài Châu Âu (trong đó có nhiều trường hợp đã nêu ở phần trên) với việc nghiên cứu sâu sắc lý luận triết học, kinh tế chính trị học và tư tưởng XHCN, các nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác - Lênin đã xây Phát triển vượt cấp trong xã hội ... 43 dựng học thuyết cách mạng khoa học về hình thái kinh tế - xã hội. Từ nội dung của học thuyết này, có thể rút ra những luận điểm cơ bản quan trọng sau đây làm căn cứ luận để khẳng định quan điểm đúng đắn của Đảng ta về vấn đề quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN ở Việt Nam. Thứ nhất, toàn bộ lịch sử thế giới nói chung tất yếu tuần tự trải qua tất cả các hình thái kinh tế - xã hội từ thấp đến cao: từ công xã nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, TBCN, đến XHCN; quá trình phát triển chung nhất, phổ biến đó không thể bỏ qua bất kỳ một hình thái kinh tế - xã hội nào đã nêu. Thứ hai, đối với từng khu vực, quốc gia, dân tộc nhất định, thì sự phát triển có tính đặc thù (tức là nó có thể không tuần tự đi hết tất cả các hình thái kinh tế - xã hội, mà bỏ qua một hay một số hình thái kinh tế - xã hội kế tiếp liền kề để tiến vượt cấp lên hình thái kinh tế - xã hội cao hơn hẳn). Thứ ba, khả năng quá độ bỏ qua, phát triển vượt cấp này không phải là tùy tiện mà dựa trên những điều kiện lịch sử cụ thể nhất định. Thứ tư, trong trường hợp một xã hội thấp hơn muốn bỏ qua một xã hội cao hơn đang tồn tại để tiến lên một xã hội cao hơn hẳn và là hoàn toàn mới cho đến lúc đó thì cần có những điều kiện sau: Một là, xã hội được bỏ qua (cao hơn) đã ra đời, tồn tại và đạt tới trình độ phát triển chín muồi; các mâu thuẫn kinh tế và chính trị cơ bản của nó đã trở nên gay gắt đến mức không thể khắc phục được hoàn toàn; yêu cầu khách quan về sự xóa bỏ, thay thế nó đã xuất hiện. Hai là, bằng những phương thức, cách thức và theo những quy mô, mức độ cụ thể nhất định, xã hội này cao phải tham gia góp phần tạo nên tiền đề vật chất - kỹ thuật, kinh tế - kỹ thuật cần thiết nhất định cho xã hội thực hiện sự bỏ qua (thấp hơn). Ba là, xã hội thấp phải có mối liên hệ, quan hệ, tác động qua lại thuận lợi và độc lập tự chủ với xã hội cao. Bốn là, xã hội thấp hơn (về vật chất - kỹ thuật, kinh tế - kỹ thuật) phải có sẵn nhân tố vật chất - xã hội (kinh tế - xã hội, chính trị - xã hội, xã hội) tích cực thích hợp nhất định, góp phần làm tiền đề cho sự ra đời của xã hội cao hơn hẳn (mới). Năm là, xã hội thấp hơn phải làm chủ được cơ sở vật chất - kỹ thuật, kinh tế - kỹ thuật mà xã hội cao đã tạo ra; cải biến, nâng cao thêm chất lượng và hiệu quả, vai trò và tác dụng của nhân tố tích cực vốn có của mình; liên kết, phối hợp chặt chẽ những tiền đề này, phát triển chúng đầy đủ hơn nữa; xây dựng, sáng tạo được những nhân tố của xã hội mới. Sáu là, xã hội thấp hơn tất yếu phải tiến hành bước quá độ gián tiếp, chứ không phải trực tiếp lên xã hội mới. Khâu trung gian ở đây là bước quá độ trực tiếp của nó lên cơ sở kinh tế - kỹ thuật của xã hội cao hơn. Tiếp theo là phát triển bản thân cơ sở này đến những trình độ cao nhất, tột bậc của chính nó. Cuối cùng là từ đây quá độ lên xã hội mới. Những luận điểm lôgíc đã được khái quát này hoàn toàn phù hợp và thống Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 9 (70) - 2013 44 nhất biện chứng với các trường hợp lịch sử thực tế đã nêu trên. Cụ thể là: người Giécmanh gắn liền nhiều mặt với người La Mã đang ở trình độ cao nhất của xã hội chiếm hữu nô lệ. Trong mối quan hệ này, tuy thuộc xã hội thấp hơn nhưng người Giécmanh lại là kẻ chiến thắng, thống trị; còn người La Mã chỉ là kẻ bại trận, bị chinh phục. Khi kết hợp với lực lượng sản xuất cao hơn của người La Mã, thì kiểu tổ chức quân sự của người Giécmanh đã được vận dụng, cải biến và phát triển thành quan hệ sản xuất phong kiến. Đối với trường hợp nước Nga trong bối cảnh của CNTB giữa thế kỷ XIX, C.Mác và Ph.Ăngghen đã quan tâm xem xét, phân tích sâu sắc khả năng nước này có thể bỏ qua “khe núi Cápđia”, tức là những khó khăn, gian khổ trong xã hội TBCN để tiến thẳng lên xã hội cộng sản chủ nghĩa (CSCN). Theo các ông, từ khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, CNTB phương Tây đã phát triển chín muồi. Mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất xã hội hóa cao độ với quan hệ sản xuất chiếm hữu tư bản tư nhân trở nên gay gắt. Điều này dù chưa làm CNTB sụp đổ, song cũng cho thấy rõ là, chế độ đó sẽ không thể loại trừ, hay khắc phục được hoàn toàn mâu thuẫn ấy. Công xã Pari năm 1871 dù chỉ tồn tại trong 72 ngày, nhưng đã khẳng định rõ thêm điều đó. Như vậy, từ đây điều kiện khách quan cho việc phủ định, thay thế CNTB, bao gồm cả sự phát triển vượt cấp từ các xã hội tiền TBCN (hay CNTB chưa phát triển cao) bỏ qua chế độ TBCN lên CNCS, đã xuất hiện. Cũng theo C.Mác và Ph.Ăngghen, điều kiện cần thiết để nước Nga thực hiện được bước chuyển biến cách mạng tốt đẹp này là, công xã nông thôn cổ truyền ở đây phải được bảo tồn cho đến khi bước vào xã hội mới. Lúc đó nó sẽ được tiếp nhận, cải biến và phát triển thành các quan hệ xã hội và kinh tế - xã hội, quan hệ sản xuất CSCN. Ngoài ra, cuộc cách mạng vô sản của giai cấp công nhân Nga phải nhận được sự phối hợp, ủng hộ của giai cấp công nhân Tây Âu cũng đồng thời thực hiện thắng lợi cách mạng ở nước mình. Như vậy, trong hai trường hợp trên, xã hội cao hơn đã có sự phát triển tuần tự và quá độ trực tiếp lên xã hội cao hơn hẳn kế tiếp liền kề sát nó. Còn xã hội thấp hơn đã phát triển vượt cấp và quá độ gián tiếp lên xã hội cao hơn hẳn. Xét chung tổng thể cả hai xã hội này, thì với xã hội cao hơn hẳn mới ra đời, trên thực tế và về bản chất một sự phát triển vượt cấp tương đối và một bước quá độ gián tiếp tương đối đã được thực hiện. 3. Đột phá lý luận của V.I.Lênin Trong thời đại CNTB phát triển lên giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, V.I.Lênin đã tiếp tục phát triển lý luận và giải quyết trong thực tiễn vấn đề quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN ở nước Nga nói riêng, các nước lạc hậu nói chung. Để xoa dịu, giải tỏa mâu thuẫn cơ bản của CNTB trong phạm vi quốc gia, dân tộc mình, các nước TBCN lớn phương Tây đã đẩy mạnh xu hướng quốc tế hóa và trở thành những nước đế quốc. Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX xu hướng này phát triển tới mức làm cho mâu thuẫn giữa các nước đế quốc trở Phát triển vượt cấp trong xã hội ... 45 nên hết sức trầm trọng và dẫn đến Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Chính điều đó đã mở ra cơ hội cho phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân có thể phát triển, cách mạng XHCN có thể nổ ra mà không bị CNTB đế quốc quốc tế thống nhất phối hợp đàn áp, tiêu diệt. So với khả năng được C.Mác và Ph.Ăngghen dự kiến trước đây, thì nước Nga lúc này còn thiếu cả cơ sở kinh tế - kỹ thuật tiên tiến, hùng mạnh được hỗ trợ từ bên ngoài lẫn một nhân tố vật chất - xã hội tích cực có sẵn ở bên trong để quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN. Đó là “sự giúp đỡ của công nhân Tây Âu” và kết cấu “công xã nông thôn” (đã bị chính CNTB ở Nga phá vỡ) làm tiền đề để xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, phát triển lực lượng sản xuất và tạo lập các mối quan hệ kinh tế - xã hội, quan hệ sản xuất của CNXH. Mặt khác, do là một cường quốc thế giới, nên nước Nga có thể giữ vững nền độc lập và chủ quyền quốc gia, dân tộc của mình. Như vậy, giai cấp công nhân Nga có thể tránh được sự tấn công giai cấp tư sản quốc tế để tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng XHCN, thực hiện thành công thời kỳ quá độ lên CNXH. Trước bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế mới đó, V.I.Lênin đã nêu lên những tư tưởng cách mạng sáng tạo có tính đột phá chính như sau: Thứ nhất, cho đến trước chiến tranh thế giới thứ nhất, nước Nga đã rơi vào tình trạng không thể phát triển được khi tiếp tục đi theo con đường cũ. Chế độ phong kiến Sa hoàng đã hết sức lỗi thời, thối nát, phản động. CNTB Nga, giai cấp tư sản mại bản Nga phụ thuộc nặng nề vào tư bản phương Tây. Cuộc thế chiến làm cho những mâu thuẫn bên trong và bên ngoài nước Nga càng trở nên gay gắt, trầm trọng. Như vậy là, cả thời đại và dân tộc, quốc tế và quốc gia đều tạo nên những nhân tố khách quan cần thiết cho một sự thay đổi cách mạng của đất nước. Vấn đề chỉ còn là ở chỗ nhân tố chủ quan đã được chuẩn bị đầy đủ đến đâu. Thứ hai, giai cấp công nhân Nga, dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvích, trước hết phải độc lập và chủ động giành và giữ vững chuyên chính vô sản, Nhà nước Xô-viết. Đây chính là điều kiện, tiền đề tiên quyết để từ đó tiếp tục tạo lập các điều kiện, tiền đề cần thiết khác còn chưa có, hoặc chưa có đầy đủ cho việc quá độ lên CNXH. Thứ ba, quá độ lên CNXH của nước Nga thực chất là quá độ lên CNXH từ một nước TBCN riêng lẻ đơn độc, kém phát triển với nền sản xuất tiểu nông là phổ biến, bỏ qua giai đoạn phát triển cao của chế độ TBCN. Cho nên, nội dung quan trọng hàng đầu trong thời kỳ quá độ này không phải là thực hiện ngay bước chuyển trực tiếp lên CNXH, mà là xây dựng tiền đề, điều kiện đầy đủ cho bước chuyển này. Nhìn chung, bản thân tiền đề, điều kiện ấy chưa mang tính XHCN hoàn toàn, nhưng cũng không còn là TBCN thuần túy. Đó chỉ là những kết cấu TBCN đã bị tước bỏ vai trò chi phối và thống trị về chính trị - xã hội, được cải biến sâu sắc và kiểm soát chặt chẽ về kinh tế - xã hội, phát triển nhanh mạnh về kinh tế - kỹ thuật. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 9 (70) - 2013 46 Thứ tư, cho đến khi được giai cấp công nhân các nước tiên tiến giúp đỡ, thì nước Nga phải quyết tâm và kiên nhẫn đứng vững trong vòng vây của CNTB đế quốc thế giới. Nó phải vừa sẵn sàng đánh thắng mọi sự can thiệp, tấn công xâm lược quân sự, đồng thời vừa khôn khéo, linh hoạt tranh thủ khai thác, tận dụng mọi mối quan hệ kinh tế, thương mại với những nước TBCN tiên tiến. Về nội dung thứ hai trong đường lối quốc tế này của V.I.Lênin, thì Liên Xô và các nước XHCN qua nhiều thập niên sau này (1924 - 1991) về cơ bản đã không thực hiện được hoàn toàn đầy đủ và hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu ở đây là, hơn lúc nào hết kể từ khi “bóng ma CNCS”, chủ nghĩa Mác - Lênin xuất hiện, lúc này chính CNTB đế quốc phương Tây cũng đã thấy rõ những điều kiện, khả năng, con đường, phương cách để CNXH có thể ra đời, tồn tại, phát triển và đi tới thắng lợi từ các nước tiền TBCN, hoặc TBCN chưa phát triển cao. Do nguyên nhân đó cho nên trong gần suốt thế kỷ XX, đối với các nước XHCN mà trường hợp tiêu biểu là Việt Nam, chúng đã tổ chức nhiều đợt tấn công quân sự xâm lược trực tiếp khốc liệt; tiến hành cuộc “chiến tranh lạnh” và chiến lược “diễn biến hòa bình” dai dẳng, hiểm độc, dựng “bức màn sắt” bao vây, phong tỏa, cấm vận ngặt nghèo về kinh tế, khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Thậm chí cho đến tận ngày nay, Cu Ba và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, một số nước dân tộc độc lập theo xu hướng tiến bộ, cách mạng vẫn đang phải tiếp tục chịu đựng sự “trừng phạt” đó. Tất cả những hành động trên đều nhằm mục tiêu là kiềm chế, bóp nghẹt các nước XHCN trong tình trạng lạc hậu, nghèo nàn, dốt nát vĩnh viễn, kể cả bị “đẩy lùi về thời kỳ đồ đá”. Điều đó gây ra cho các nước XHCN tình trạng căng thẳng, khó khăn, thiếu thốn kéo dài, tương tự như hoàn cảnh của nước Nga Xô-viết những năm 1918 - 1921, khi thi hành “chính sách CNCS thời chiến”. Chính sách “CNCS thời chiến” này không phải là “giáo điều, tả khuynh” như một số ý kiến đánh giá giản đơn, một chiều. Thực ra nó chính là giải pháp duy nhất đúng đắn, cần thiết tất yếu cho một tình hình chính trị, quân sự, đối ngoại, kinh tế cụ thể đương thời của đất nước. Chính sách ấy chỉ trở thành sai lầm khi bị duy trì, áp dụng kéo dài quá giới hạn của những điều kiện thực tế đã làm nảy sinh ra nó; tức là tình trạng khẩn cấp, thời chiến đã được giải tỏa, bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đã thay đổi cơ bản. Thứ năm, giai đoạn quá độ gián tiếp phải thực hiện đầu tiên và trong một thời gian rất lâu dài. Nó diễn ra trước bước quá độ trực tiếp chỉ có thể có ở cuối thời kỳ quá độ lên CNXH. Với điểm xuất phát cụ thể đã nêu, quá độ gián tiếp ấy của nước Nga Xô-viết sẽ khó khăn, phức tạp hơn nhiều so với quá độ lên xã hội phong kiến của người Giécmanh, cũng như so với quá độ lên xã hội CSCN của nước Nga mà C.Mác và Ph.Ăngghen giả định từ nửa cuối thế kỷ XIX. Trong tương quan và ý nghĩa như vậy, qua độ lên CNXH của nước Nga là Phát triển vượt cấp trong xã hội ... 47 quá độ gián tiếp hoàn toàn, hay quá độ “gián tiếp của gián tiếp”. Nội dung tổng quát của nó bao gồm: trước hết là bước quá độ từ xã hội phong kiến nửa TBCN với nền sản xuất tiểu nông còn phổ biến lên trình độ kinh tế - kỹ thuật cao nhất của CNTB, và cuối cùng là quá độ từ đỉnh điểm ấy của cơ sở vật chất - kỹ thuật, kinh tế - kỹ thuật TBCN lên xã hội XHCN. Thứ sáu, chính sách kinh tế mới (NEP), với nội dung toàn diện không chỉ về kinh tế và đối nội mà còn về chính trị và đối ngoại, chính là biểu hiện tập trung, cụ thể, đầy đủ và rõ ràng của tư tưởng “tiền đề của tiền đề”, thực hiện quá độ “gián tiếp của gián tiếp” nêu trên. Đó cũng là đường lối của nước Nga Xô-viết độc lập tự chủ quá độ lên CNXH từ xã hội tiểu nông phong kiến nửa tư bản, bỏ qua giai đoạn phát triển cao của chế độ TBCN. 4. Thực tiễn chủ nghĩa xã hội trên thế giới Từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đến nay, công cuộc xây dựng CNXH ở các nước XHCN có nội dung cơ bản, thực chất là tiến trình quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN hoặc giai đoạn phát triển cao của nó. Tiến trình ấy mở đầu thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên toàn thế giới, đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Tiến trình quá độ bỏ qua này vẫn đang tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều kết quả tích cực, quan trọng. Từ những năm 1989-1991 tại các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô trước đây, tiến trình trên bị gián đoạn. Tuy nhiên, cả tiến trình đó ở các nước XHCN còn lại lẫn thời đại vẫn đang tiếp diễn với bản chất không thay đổi. Không những thế, tính đặc thù của giai đoạn đầu (tiến trình quá độ bỏ qua) của thời đại càng trở nên rõ rệt, đậm nét hơn trước. Do vậy, lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về quá độ bỏ qua nói chung, trực tiếp là quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN nói riêng, càng trở nên có ý nghĩa lý luận - thực tiễn to lớn và tính thời sự cấp thiết. CNXH ở các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô trước đây sụp đổ do nhiều nguyên nhân cơ bản quan trọng. Một trong số đó là, việc lý luận trên đã vừa không được thực hiện đầy đủ, vừa không được tiếp tục bổ sung, phát triển ở mức độ cần thiết ngang tầm với tinh thần sáng tạo của chính nó. Điều này biểu hiện ở các điểm sau: Thứ nhất, thời kỳ quá độ tại đây không những không được nhìn nhận một cách đúng đắn là thời kỳ quá độ bỏ qua, mà còn bị cắt giảm, đơn giản hóa, đồng nhất theo hướng lạc quan và chủ quan thành CNXH, CNXH phát triển chín muồi, thậm chí đã bắt đầu quá độ trực tiếp lên CNCS. Vấn đề này ở đây liên quan không phải đến thuật ngữ định danh, mà đúng hơn là thực chất nội hàm khái niệm và nội dung, lập trường tư tưởng. Thứ hai, một số kết cấu, quan hệ kinh tế - xã hội XHCN được xác lập chưa có cơ sở đầy đủ, vững chắc và còn mang tính hình thức. Thứ ba, chưa hình thành được những thể chế, cơ chế chính trị - xã hội mới mẻ, sáng tạo, hiệu quả để phát triển dân chủ XHCN và phát huy quyền làm chủ Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 9 (70) - 2013 48 của người lao động. Thứ tư, nhân tố TBCN ở bên trong, một mặt không được tận dụng, khuyến khích đúng mức về kinh tế. Nhưng mặt khác, nó lại không được chi phối, kiểm soát chặt chẽ về chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội, để cuối cùng đã trỗi dậy phục hồi, phục thù và trở thành chế độ thống trị theo phương cách dường như hết sức đột ngột, bất ngờ. Thứ năm, đối với CNTB đế quốc bên ngoài, thì tuy các nước XHCN đã đánh thắng mọi cuộc tấn công quân sự xâm lược, nhưng chưa khắc phục được một cách hiệu quả chiến lược bao vây, phong tỏa của chúng. Vì thế CNXH đã tiếp nhận được không đáng kể những thành tựu khoa học - công nghệ và nguồn lực kinh tế - kỹ thuật tiên tiến của nhân loại tập trung tại các nước TBCN phương Tây. 5. Thực tiễn chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam Từ lập trường chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa yêu nước chân chính, từ thực tế đất nước và thế giới đầu thế kỷ XX, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã sớm nắm bắt được nội dung, tính chất, xu hướng cơ bản của thời đại mới từ sau Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, là thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên toàn thế giới bao hàm cả khả năng mang tính hiện thực trực tiếp bỏ qua chế độ TBCN. Ngay từ những năm 1930, Đảng ta đã xác định: sau khi thực hiện thành công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cách mạng Việt Nam sẽ chuyển ngay sang thời kỳ quá độ lên CNXH, bỏ qua chế độ TBCN. Đường lối này đã được phát triển ngày càng đầy đủ, sâu sắc, thể hiện trong Cương lĩnh, Nghị quyết Đại hội và Hội nghị Trung ương từ trước đến nay của Đảng. Nó đã được thực hiện nhất quán, toàn diện và đạt nhiều kết quả to lớn quan trọng trên miền Bắc từ năm 1954, trên cả nước từ năm 1975, nhất là trong thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay. Đường lối đổi mới của Đảng ta chính là đường lối thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN trong tình hình mới, với những nội dung chính sau: Thứ nhất, từ sau ngày 30/4/1975, nhất là từ sau năm 1990 trở đi, đất nước vẫn còn phải tiến hành hai cuộc chiến tranh biên giới, nhưng đã ra khỏi tình trạng thời chiến, khẩn cấp, hoặc tình hình chủ yếu là như vậy. Thứ hai, từ những năm 1989 - 1991 phe XHCN không còn, các nước XHCN còn lại cũng không tạo thành một hệ thống thế giới liên minh, liên kết toàn diện về chính trị, tư tưởng, quân sự, kinh tế như trước. Việt Nam ở trong hoàn cảnh gần tương tự như nước Nga Xô- viết, sau đó là Liên Xô những năm 1917 - 1945 đơn độc đi lên CNXH. Ngoài ra, nước ta hoàn toàn chưa có được những cơ sở vật chất - kỹ thuật, kinh tế - kỹ thuật lớn mạnh đáng kể cả về tương đối lẫn tuyệt đối, cũng như không bao giờ có được vị thế cường quốc hay siêu cường thế giới như nước Nga từ thời Sa hoàng sang thời Xô-viết đến nay. Thứ ba, xác lập cơ sở vật chất - xã hội, tức là hệ thống những quan hệ, tổ chức, cơ cấu, hình thức, phương thức Phát triển vượt cấp trong xã hội ... 49 mới tiến bộ phù hợp của CNXH về kinh tế - xã hội, chính trị - xã hội thích ứng với điều kiện vật chất - kỹ thuật, kinh tế - kỹ thuật cụ thể của đất nước. Thứ tư, sử dụng hợp lý một số nhân tố không chỉ về kinh tế - kỹ thuật, mà cả về kinh tế - xã hội của tư bản trong và ngoài nước, trước hết nhằm cải tạo nền sản xuất nhỏ lạc hậu tiền TBCN. Thứ năm, sử dụng cơ chế thị trường và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Thứ sáu, tranh thủ mặt tích cực của toàn cầu hóa để tiếp nhận nguồn lực vật chất - kỹ thuật, kinh tế - kỹ thuật, khoa học - công nghệ tiên tiến của các nước TBCN phát triển. Nhưng đây là một quá trình không phải là tuyệt đối khách quan, mà do CNTB hiện đại thời “hậu chiến tranh lạnh” chi phối, chủ đạo. Trên thực tế và về bản chất, toàn cầu hóa lồng ghép một chiến lược mới của CNTB. Vì vậy, tuy mang tính hình thức dường như trái ngược với chiến lược bao vây, phong tỏa trước đây, song thật ra nó vẫn nhằm đạt tới những mục tiêu không thay đổi của CNTB đế quốc thế giới. Đó là đẩy lùi, tiêu diệt CNXH; trở thành nô dịch theo phương cách cả mới lẫn cũ của các nước dân tộc độc lập; phân hóa và làm suy yếu, tan rã phong trào công nhân trong phạm vi từng quốc gia, dân tộc cũng như trên quy mô quốc tế. Các nước XHCN ngày nay buộc phải một mặt là, vượt qua thử thách không kém phần nặng nề, khốc liệt của cuộc chiến mới không tiếng súng ấy mà không thể lẩn tránh hay cự tuyệt nó, mặt khác là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ Đảng và Nhà nước suy thoái, thoái hóa, biến chất đi đến kết cục tan rã, sụp đổ. Chỉ khi giải quyết tốt những yêu cầu và nhiệm vụ đó, thì các nước này mới có thể thu hút, tiếp nhận được nguồn lực vật chất - kỹ thuật, kinh tế - kỹ thuật, khoa học - công nghệ lớn mạnh, tiên tiến của nhân loại hiện đại tập trung chủ yếu ở các nước phương Tây, để thực hiện thành công sự phát triển xã hội vượt cấp và quá độ bỏ qua chế độ TBCN lên CNXH. Thứ bảy, chủ động, tích cực nắm bắt và vận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại và nên kinh tế tri thức trên thế giới, nhờ đó phát triển nhanh mạnh cơ sở vật chất - kỹ thuật, kinh tế - kỹ thuật của nền sản xuất và nền kinh tế XHCN. Thứ tám, tất cả những việc trên đều nhằm khắc phục, xóa bỏ tình trạng lạc hậu và tụt hậu của các xã hội tiền TBCN, hoặc TBCN chưa phát triển cao. Đồng thời, chính trong tiến trình này, cũng như thông qua tiến trình đó mà từng bước xây dựng, phát triển ngày càng mạnh mẽ, vững chắc cơ sở vật chất - xã hội, kinh tế - kỹ thuật, khoa học - công nghệ của toàn bộ nền sản xuất và đời sống xã hội của XHCN hiện thực. Tài liệu tham khảo 1. C.Mác và Ph. Ăngghen (2002), Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội. 2. V.I.Lênin (1998), Toàn tập, tập 45, Nxb Tiến bộ, Matxcơva. 3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 9 (70) - 2013 50
File đính kèm:
- phat_trien_vuot_cap_trong_xa_hoi_lich_su_logic_va_thuc_tien.pdf