Tiếp nhận tư tưởng Trần Đình Hượu về nghiên cứu nho giáo

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Trần Đình Hượu (1926-1995) là người mở đường

nghiên cứu Nho giáo và xác định những ảnh hưởng Nho giáo trong xã hội Việt

Nam giai đoạn nửa sau thế kỷ XX. Lấy Nho giáo làm hệ qui chiếu, Trần Đình

Hượu đã khảo sát từ các tác gia cụ thể, điển hình, đến các chủ điểm có tính khái

quát cao như vấn đề phân kỳ văn học sử, ảnh hưởng của Nho giáo tới văn học,

xác định đặc điểm “thực tại, cái thực và vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong văn

học Việt Nam trung cận đại”. Những suy tư, trăn trở của nhà nghiên cứu Trần

Đình Hượu về khả năng phát triển xã hội trong mối liên hệ với quá khứ, đã cảnh

tỉnh những di họa của Nho giáo và trách nhiệm về hiện tình đất nước

pdf 10 trang dienloan 9380
Bạn đang xem tài liệu "Tiếp nhận tư tưởng Trần Đình Hượu về nghiên cứu nho giáo", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Tiếp nhận tư tưởng Trần Đình Hượu về nghiên cứu nho giáo

Tiếp nhận tư tưởng Trần Đình Hượu về nghiên cứu nho giáo
TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 7 (203) 2015 
41
Tưởng niệm 20 năm ngày mất Giáo sư Trần Đình Hượu (1995 - 2015) 
TIẾP NHẬN TƯ TƯỞNG TRẦN ĐÌNH HƯỢU 
VỀ NGHIÊN CỨU NHO GIÁO 
NGUYỄN HỮU SƠN 
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Trần Đình Hượu (1926-1995) là người mở đường 
nghiên cứu Nho giáo và xác định những ảnh hưởng Nho giáo trong xã hội Việt 
Nam giai đoạn nửa sau thế kỷ XX. Lấy Nho giáo làm hệ qui chiếu, Trần Đình 
Hượu đã khảo sát từ các tác gia cụ thể, điển hình, đến các chủ điểm có tính khái 
quát cao như vấn đề phân kỳ văn học sử, ảnh hưởng của Nho giáo tới văn học, 
xác định đặc điểm “thực tại, cái thực và vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong văn 
học Việt Nam trung cận đại”... Những suy tư, trăn trở của nhà nghiên cứu Trần 
Đình Hượu về khả năng phát triển xã hội trong mối liên hệ với quá khứ, đã cảnh 
tỉnh những di họa của Nho giáo và trách nhiệm về hiện tình đất nước. 
Giáo sư Trần Đình Hượu là nhà nghiên 
cứu và giảng dạy lịch sử tư tưởng - 
văn hóa - văn học nghệ thuật Việt 
Nam và phương Đông nổi tiếng, có uy 
vọng và ảnh hưởng sâu sắc với nhiều 
thế hệ sinh viên ngành văn cũng như 
trong giới học thuật và nhiều bộ môn 
khoa học xã hội khác. Ngoài các công 
trình nghiên cứu chuyên sâu đã được 
xuất bản, ngay các bài giảng của ông 
cũng được môn đệ ghi chép cẩn thận, 
truyền thụ rộng rãi và mặc nhiên được 
coi như những trước thuật của bậc 
“phu tử”. Đến nay, các công trình 
nghiên cứu chuyên sâu của ông cơ 
bản đã được Giáo sư Trần Ngọc 
Vương tuyển chọn, giới thiệu và xuất 
bản(1), giúp bạn đọc có được cái nhìn 
tổng thể, toàn diện và hệ thống về 
chân dung nhà khoa học Trần Đình 
Hượu, trong đó nổi bật là những đóng 
góp về nghiên cứu Nho giáo và Nho 
giáo Việt Nam. 
1. NHỮNG THÀNH TỰU TRONG NGHIÊN 
CỨU VỀ NHO GIÁO 
Nói riêng trên lĩnh vực nghiên cứu 
Nho giáo, Trần Đình Hượu đã có 
được tầm bao quát sâu rộng, trong đó 
hướng tới lý giải hai vấn đề đặc biệt 
quan trọng: Nho giáo có là tôn giáo 
không và bản chất Nho giáo ở Việt 
Nam thời hiện đại? 
1.1. Tập trung nghiên cứu Nho giáo, 
Trần Đình Hượu thể hiện khả năng 
khảo sát, bao quát chuyên sâu các nội 
dung “Đến hiện đại từ truyền thống”, 
“Các bài giảng về tư tưởng phương 
Đông” và nhấn mạnh sự hiện diện của 
Nguyễn Hữu Sơn. Phó Giáo sư tiến sĩ. Viện
Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt
Nam. 
 NGUYỄN HỮU SƠN – TIẾP NHẬN TƯ TƯỞNG TRẦN ĐÌNH HƯỢU 
42
Nho giáo trong xã hội Việt Nam thời 
hiện đại. 
Đặt trọng tâm vào việc khảo sát, giới 
thiệu hệ thống tư tưởng cổ - trung đại 
Trung Quốc từng ảnh hưởng, chi phối, 
tác động mạnh mẽ tới đời sống xã hội 
- văn hóa - văn học nghệ thuật ở Việt 
Nam cũng như nhiều nước Đông Á 
cùng nằm trong quỹ đạo vùng văn hóa 
Hán, trước hết Trần Đình Hượu tìm về 
nguồn cội lịch sử và diện mạo các hệ 
phái tư tưởng Trung Hoa. Không 
dừng lại ở việc chỉ ra đặc điểm các chi 
phái tư tưởng Nho, Phật, Đạo từ góc 
độ lịch sử tư tưởng và đạo đức học, 
Trần Đình Hượu còn đi sâu phân tích 
các khả năng, xu thế chuyển dịch - 
chuyển hóa của chúng trong thực tiễn 
đời sống xã hội. Ông ý thức rõ bản 
chất mối quan hệ giữa đặc điểm và 
giá trị, xác định rõ thêm nhiều đặc 
điểm trong hệ thống tư tưởng phương 
Đông ngỡ là giá trị (xét trên phương 
diện đạo lý) nhưng lại là lạc hậu, thậm 
chí phản tiến hóa (xét trên phương 
diện tiến bộ xã hội). Ông xác định 
truyền thống văn hóa Đông Á và Nho 
giáo “còn có những mặt mạnh trước 
đây không nhìn ra” và lấy khả năng 
thúc đẩy tiến bộ xã hội làm thước đo 
giá trị. Trên cơ sở đó ông (2007, tập 1, 
tr. 147) nhận diện: “Nho giáo có ảnh 
hưởng lớn đến con người Việt Nam. 
Ảnh hưởng đó đã trở thành truyền 
thống văn hóa, ngày nay về căn bản 
vẫn còn khá mạnh. Ảnh hưởng đó có 
mặt tích cực, có mặt tiêu cực. Tích 
cực hay tiêu cực là nhìn vào việc tạo 
thuận lợi hay gây khó khăn cho nhận 
thức, thích ứng, lựa chọn, sáng tạo 
trong sự hòa nhập với thời đại”; có khi 
ông nhấn mạnh cái phương diện hạn 
chế của truyền thống: “Hiểu đặc sắc 
văn hóa dân tộc còn là giải phóng cho 
sức sáng tạo, nói đúng hơn là tìm 
phương hướng vun xới cho sức sáng 
tạo. Trong nền văn hóa cũ, sức sáng 
tạo của ta thường không khỏi có 
khuynh hướng tiểu kỹ, ứng dụng, 
thiếu những sáng tạo lớn. Đó là con 
đẻ của tinh thần thiết thực. Trong 
tương lai, đó là một nhược điểm. Đổi 
thay được nhược điểm đó chắc chắn 
không phải dễ dàng” (Trần Đình Hượu, 
2007, tập 1, tr. 193)... Các bài viết của 
ông thường giàu tính sáng tạo, khám 
phá, khơi gợi cái mới, in đậm tinh thần 
phản biện, đối thoại ngay từ cách đặt 
tên bài gắn với các định ngữ “về vấn 
đề”, “vài vấn đề”, “cách đặt vấn đề”, “ý 
kiến”, “cách nhìn”, “đi tìm”... 
Ngoài các công trình nghiên cứu 
chuyên sâu đã được xuất bản, ngay 
các bài giảng của Trần Đình Hượu 
(2001) cũng được môn đệ ghi chép 
cẩn thận, truyền thụ rộng rãi. Tập 
sách Các bài giảng và tư tưởng 
phương Đông (Rút từ bài ghi của sinh 
viên và từ băng ghi âm) là một minh 
chứng cho thực tế nói trên. Hệ thống 
Các bài giảng về tư tưởng phương 
Đông có hai phần chính, được coi như 
hai mục bài độc lập. Bài Tư tưởng 
Nho gia và Lão - Trang là phần giới 
thiệu khái quát cội nguồn và tiến trình 
phát triển của hệ thống tư tưởng Nho 
- Lão trong suốt trường kỳ lịch sử, bao 
gồm ba nội dung chính: Con đường 
hình thành chế độ phong kiến và tình 
hình chung của sự phát triển tư tưởng 
TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 7 (203) 2015 
43
Trung Quốc từ Xuân Thu đến Hán Vũ 
Đế; Người hiền giả mở đầu tư học, và 
Bách gia tranh minh (Mặc Địch và 
Dương Chu chống Nho gia - Đạo gia 
phát triển và chi phối các học phái 
khác - Mạnh Tử phát triển tư tưởng 
Nho gia theo hướng duy tâm chủ 
quan - Phủ định trí tuệ và chủ nghĩa 
duy tâm của Trang Chu)... Mục bài 
Nho giáo và Nho giáo ở Việt Nam là 
phần giới thiệu tổng quát các nội dung 
cơ bản trong học thuyết Nho giáo, góp 
phần lý giải thực trạng cơ sở kinh tế - 
xã hội của Nho giáo và xác định tầm 
mức ảnh hưởng của Nho giáo trong 
xã hội Việt Nam hiện đại (Trần Đình 
Hượu, 2007, tập 1, tr. 289-520). Là 
tập sách ghi chép các bài giảng, hiển 
nhiên nội dung các chương mục 
không thể phản ánh được đầy đủ các 
ý kiến phong phú của Thầy, song cách 
thức biên soạn trung thực, nghiêm túc 
đã góp phần nâng cao tính khoa học 
và cấu trúc chặt chẽ cho cả chuyên đề 
(Đơn cử ở các mục Đạo trung thư, Vô 
dụng là đại dụng không ghi được đầy 
đủ thì người biên soạn ký chú rõ “chỗ 
này ghi thiếu”, chứ không dám bịa tạc, 
tùy tiện bổ sung cho sách được đầy 
đặn). 
Nhân đây tôi đặc biệt nhấn mạnh 
thêm mấy thu hoạch sau khi đọc tập 
bài giảng. Điểm nổi bật là tập sách thể 
hiện tính hệ thống, thâu thái được 
nhiều kiến giải sâu sắc, có ý nghĩa là 
những luận điểm hạt nhân, cốt lõi nhất. 
Với tư cách là người nghiên cứu 
chuyên sâu về tư tưởng Lão - Trang 
ngay từ khi mới thâm nhập vào việc 
nghiên cứu các tư tưởng phương 
Đông, Trần Đình Hượu đã trở đi trở lại 
bàn về phạm trù ĐẠO trong những 
tương quan khác nhau: “Phái Đạo đức 
kinh cho Đạo là vô hình, vô thanh, vô 
danh, cực lớn, cực nhỏ, lưu hành 
khắp nơi, tồn tại vĩnh viễn. So với 
thuyết tinh khí, sự phân biệt về Đạo có 
khác, xa hơn phái Tống - Doãn. Bằng 
con đường tư biện, đi sâu vào các vấn 
đề bản chất, quá trình hình thành và 
vận động trong không gian và thời 
gian, quy luật vận động của Đạo. 
Trong học thuyết của họ, bản thể luận 
là thành phần trung tâm”; “Phái Tống - 
Doãn không trả lời ai sinh ra đạo? 
Phái Đạo đức kinh trả lời: Đạo không 
biết là con của ai nhưng nó sinh ra 
trước đế, có trước trời đất, độc lập mà 
không biến đổi. Nó là mẹ của thiên hạ, 
là tổ của vạn vật. Trời đất là trường 
cửu nhưng không vĩnh cửu, chỉ Đạo 
mới vĩnh viễn. Đạo là bất tử. Quan 
niệm vĩnh viễn gọi là thường... Vạn vật 
do Đạo sinh ra... Đạo cũng có nghĩa là 
Đức (hai cái này cùng ra đời nhưng 
khác tên nhau)... Đức là một trạng thái 
của Đạo chứ không phải là cái gì khác 
Đạo. Coi nó là vô khi nói nó là khởi 
thủy của thiên địa. Coi nó là hữu khi 
nói nó sinh ra vạn vật. Đạo là sự 
thống nhất giữa thường vô và thường 
hữu. Khi nói thường vô là nói cái vĩnh 
viễn, khi nói thường hữu là nói tác 
dụng to lớn của nó. Thường vô trỏ cái 
cùng cực, huyền diệu của Đạo, 
thường hữu trỏ cái biến tố, cái tác 
dụng to lớn của Đạo”; “Phái Đạo đức 
kinh coi Đạo như bản thể đẻ ra vạn 
vật, là thủy chung của vạn vật. Bản 
thân Đạo là hư vô nhưng có tồn tại. 
 NGUYỄN HỮU SƠN – TIẾP NHẬN TƯ TƯỞNG TRẦN ĐÌNH HƯỢU 
44
Nhìn cả về tồn tại và tác dụng thì Đạo 
là thống nhất thường vô và thường 
hữu... Trang Tử kế thừa quan niệm 
Đạo của phái Đạo đức kinh, chia ra 
vật - đạo,... nhưng do tư duy tư biện, 
ông đòi hỏi qui định lại thuộc tính”. 
Đồng thời với việc khẳng định những 
đóng góp về mặt biện chứng pháp, 
“chỉ ra được sự tương sinh tương 
thành, thấy được sự chuyển hóa của 
hai mặt đối lập, thấy được quy luật 
biện chứng của sự phát triển”, thì Trần 
Đình Hượu cũng chỉ rõ phương diện 
hạn chế, phản tiến hóa của phái Đạo 
đức kinh bởi nguyên cớ biện chứng 
dẫn tới tuần hoàn luận: “Vận động vì 
thế có tính chất siêu hình, không phải 
là nguyên nhân tự thân, qui nguyên 
nhân ra ngoài... Bằng tư duy tư biện, 
không có cơ sở khoa học, phái Đạo 
đức kinh tìm ra biện chứng pháp, đi 
gần tới quan niệm tự sinh nhưng lại đi 
vào tuần hoàn luận... Phái Đạo đức 
kinh chủ trương bỏ thành, bỏ trí, cho 
rằng có trí tuệ là đại ngụy... Họ phát 
triển Đạo của phái Tống - Doãn theo 
hướng duy tâm... Về chính trị và nhân 
sinh, phái Đạo đức kinh đưa ra lý luận 
phản động” (Trần Đình Hượu, 2007, 
tập 1, tr. 361-362, 392, 364-368). Mặt 
khác, ông rất có ý thức trong việc xác 
định những tiền đề lý luận và thực 
tiễn của việc nghiên cứu Nho giáo 
trong mối liên hệ chặt chẽ với các 
vấn đề vua chuyên chế ở phương 
Đông, và làng xã, bộ máy quan lại và 
đẳng cấp sĩ phu, đô thị và khởi nghĩa 
nông dân... 
Có thể khẳng định rằng Trần Đình 
Hượu là người đã góp công phân định, 
mã hóa một cách rõ ràng ý nghĩa cơ 
sở kinh tế - xã hội của Nho giáo, lược 
qui được tính chất phức hợp, tích hợp, 
giao thoa, chuyển hóa, đan xen chồng 
chéo của cả hệ thống lý thuyết tư 
tưởng dưới thời phong kiến thành 
những phạm trù, thuật ngữ, cách thức 
biểu đạt các vấn đề học thuật một 
cách lớp lang, hệ thống... 
1.2. Gắn với việc truy tìm bản chất 
Nho giáo, Trần Đình Hượu đặc biệt 
lưu tâm đến vấn đề Nho giáo có là tôn 
giáo và mang màu sắc tâm linh không? 
Thực chất cơ cấu và quá trình chuyển 
hóa giữa bản chất học thuyết chính trị 
và đặc trưng tôn giáo diễn ra trong nội 
bộ Nho giáo là như thế nào? 
Trên quan điểm duy vật Cơ sở kinh tế 
- xã hội của Nho giáo, Trần Đình 
Hượu (2007, tập 1, tr. 460-461) chủ 
trương tiếp cận và lý giải bản chất 
Nho giáo theo một cách khác: “Tôi cho 
rằng cái cách bấy lâu nay người ta 
phân tích để tiếp cận rằng Nho giáo là 
học thuyết phong kiến là sai, không 
chính xác. Tại sao tôi lại nói như vậy? 
Điều thứ nhất mà tôi lưu ý là phân biệt 
cơ sở tồn tại bởi vì nó tồn tại ở nhiều 
nước, ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều 
Tiên và Việt Nam. Một nơi là nó ra đời 
và những nơi khác là nơi nó du nhập. 
Chỉ có nơi nó ra đời thì nó mới hội đủ 
tất cả các điều kiện, còn khi du nhập 
thì dù không hội đủ các điều kiện đó, 
nó cũng có thể nhập vào được 
 Điều thứ hai tôi lưu ý là ảnh hưởng 
Nho giáo mạnh hay yếu và cung cách 
tác động của Nho giáo. Nho giáo ở 
Trung Quốc và Việt Nam được nhà 
nước chuyên chế sử dụng, nói cách 
TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 7 (203) 2015 
45
khác là được vua, tầng lớp quan liêu 
và sĩ phu sử dụng. Còn ở Nhật Bản, 
Nho giáo được vua và đẳng cấp võ sĩ, 
tức là Mạc phủ (ông chúa của võ sĩ 
đạo) sử dụng chứ không phải bộ máy 
quan liêu” 
Từ đây Trần Đình Hượu nêu lên một 
phản đề: “Trước hết, bấy lâu nay, 
người ta hay nói Nho giáo là học 
thuyết của phong kiến, có nghĩa là 
Nho giáo ra đời và mất đi cùng với 
chế độ này. Điều đó có đúng không?”, 
và ông lập luận, minh chứng một cách 
thật dễ hiểu: Nho giáo phản ánh thực 
tế lịch sử Trung Hoa từ thế kỷ XVII 
trước Công nguyên, tức trước thời 
Không Tử đến bảy, tám thế kỷ; thêm 
nữa, ngay cả sau khi chế độ phong 
kiến bị đánh đổ thì quán tính của nó 
vẫn còn rất mạnh mẽ (bao gồm cả 
phần tàn dư, lạc hậu, phản động và 
phần di sản, giá trị truyền thống). 
Khi trực diện đặt vấn đề và khẳng định 
Nho giáo với tư cách là một tôn giáo 
(1994), Trần Đình Hượu đã đi qua cả 
một chặng đường dài nghiên cứu Nho 
giáo đặt trong tương quan cấu trúc tư 
tưởng Đông Á - phương Đông (Nho - 
Phật - Đạo) và trong nội bộ kết cấu 
Nho giáo (hệ tư tưởng đạo đức - 
chính trị - tôn giáo) Trước hết, ông 
(2007, tập 1, tr. 540-542) xác định tính 
phức tạp của vấn đề và chỉ ra xu thế 
định hình đặc tính tôn giáo ngay trong 
lòng học thuyết Nho giáo: “Nho giáo 
có phải là tôn giáo hay không đã là 
vấn đề tranh cãi hàng thế kỷ nay ở 
Trung Quốc Gắn bó với chế độ 
chuyên chế, Nho giáo không mất đi 
nội dung là học thuyết chính trị - đạo 
đức nhưng mang thêm hình thức tôn 
giáo. Hình thức tôn giáo đó được thể 
hiện ở ba mặt: Sách vở thánh hiền 
được coi là kinh điển thiêng liêng – nội 
dung học thuyết được thần học hóa – 
Các nhà tư tưởng Nho giáo được thần 
hóa, sắp xếp thành đạo thống, được 
thờ phụng trong Văn Miếu” 
Đã từng có những ý kiến nhìn nhận 
đơn giản, cục bộ, một chiều, bất chấp 
thực tế khi cho rằng Nho giáo chỉ là 
học thuyết đạo đức - chính trị xã hội, 
không phải là tôn giáo. Thực tế cho 
thấy các nhà nghiên cứu vẫn nhấn 
mạnh đến tính chất lưỡng phân của 
Nho giáo (học thuyết đạo đức - chính 
trị xã hội và màu sắc tôn giáo, tâm linh) 
và xác định Nho giáo thực sự là tôn 
giáo trong hệ thống Tam giáo (Nho - 
Phật - Đạo). Nhấn mạnh tính phức 
hợp của Nho giáo như một tôn giáo 
gắn với thực tại xã hội, Trần Đình 
Hượu đi sâu phân tích và xác định: 
“Nho giáo không phải vô thần mà 
cũng không phải là tôn giáo truyền bá 
đức tin và hướng về thế giới bên kia, 
chờ mong hạnh phúc sau khi chết. 
Nhưng trong thực tế hàng chục thế kỷ, 
nó vẫn tồn tại như một tôn giáo, nhất 
là khi chế độ quân chủ chuyên chế có 
ý thức sử dụng Nho giáo như một 
công cụ tôn giáo để cai trị, bên cạnh 
chính quyền và quân đội. Nho giáo tồn 
tại như một tôn giáo với những thực tế: 
- Nền văn minh nông nghiệp với xu 
hướng tôn giáo đa thần. 
- Thể chế tập trung chuyên chế trên 
cơ sở làng họ phân tán cùng với 
truyền thống tôn tộc lâu đời. 
 NGUYỄN HỮU SƠN – TIẾP NHẬN TƯ TƯỞNG TRẦN ĐÌNH HƯỢU 
46
Và trong tình hình đó, nhà nước xã 
hội đã thần hóa thánh hiền, biến Nho 
giáo từ một học thuyết chính trị - đạo 
đức thành một tôn giáo cũng có đủ 
kinh điển, thần điện, thánh địa và mọi 
nghi thức thờ cúng” (Trần Đình Hượu, 
2007, tập 1, tr. 544). 
Từ nhận thức trên, Trần Đình Hượu 
(2007, tập 1, tr. 544-546 ) tiếp tục triển 
khai tư tưởng học thuật Nho giáo là 
cái chính, biểu hiện văn hóa, chi phối 
sự phát triển của tam giáo - Một hình 
thức tôn giáo Đông Á và xác định: “Về 
tư tưởng triết học, Phật giáo và Đạo 
giáo đối nghịch với tư tưởng Nho gia, 
về tôn giáo, Phật - Đạo cũng có định 
hướng khác Sự tranh chấp giữa 
Nho, Đạo với Phật và giữa Nho với 
Phật, Đạo cuối cùng dẫn đến dung 
hợp để thích ứng với nhà nước 
chuyên chế và với tâm thức của cư 
dân nông nghiệp, làng họ. Về mặt lý 
luận, tình hình đó dẫn tới tư tưởng 
“Tam giáo đồng nguyên”, “Tam giáo 
hợp nhất”. Cuối cùng là sự hình thành 
Thiền tông trong Phật giáo, Lý học và 
Tâm học trong Nho giáo” 
Việc đặt Nho giáo trong tổng thể tam 
giáo Nho - Phật - Đạo cũng như soi 
chiếu trong thực chất cơ cấu và quá 
trình chuyển hóa giữa bản chất học 
thuyết đạo đức - chính trị và đặc trưng 
tôn giáo diễn ra trong nội bộ Nho giáo 
gắn với đặc thù Đông Á - phương 
Đông đã giúp nhà nghiên cứu mở 
rộng tầm quan sát, so sánh và đối 
sánh trên tầm mức toàn cảnh hệ 
thống tôn giáo thế giới: “Còn về mặt 
Nho giáo là một tôn giáo? Chúng tôi 
nghĩ nó cũng là một tôn giáo hay đã 
từng tồn tại như một tôn giáo Nếu 
Nho giáo chỉ là một tôn giáo cụ thể, 
vấn đề sẽ không có nhiều chỗ để suy 
xét. Nhưng nếu nhìn đó là một hình 
thức tôn giáo Đông Á, một cung cách 
tín ngưỡng, một xu hướng tâm linh, 
thì ảnh hưởng của Nho giáo chưa 
phải là đã hết. Nhưng tôn giáo đã và 
đang hình thành vẫn là đi theo quĩ đạo 
dung hợp Tam giáo” (Trần Đình 
Hượu, 2007, tập 1, tr. 551). 
Như vậy, có thể nói Trần Đình Hượu 
đã lý giải sáng rõ vấn đề thực chất 
màu sắc tôn giáo trong Nho giáo theo 
tinh thần đặc thù Đông Á - phương 
Đông, một tinh thần duy tâm nửa vời 
so với tôn giáo Âu Tây và cũng là so 
với nhận thức chung về qui ước khái 
niệm tôn giáo. Đến đây đã có thể trả 
lời được việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, 
cha mẹ cũng là phương thức thực 
hành tôn giáo, tâm linh; việc thánh 
hóa hoàng đế, vương triều cũng hàm 
chứa yếu tố tôn giáo, tâm linh; việc “tu 
thân” theo chuẩn mực tam cương ngũ 
thường cũng in đậm sắc màu tôn giáo, 
tâm linh 
Nhưng việc xác định bản chất tôn giáo 
của Nho giáo không chỉ được quán 
chiếu trong nội tại Nho giáo và trong 
cơ cấu hệ thống tôn giáo Đông Á - 
phương Đông Nho - Phật - Đạo mà 
còn được Trần Đình Hượu (2007, tập 
1, tr. 550) so sánh và đối sánh trong 
tương quan với Thiên Chúa giáo – 
một tôn giáo điển hình của tư duy hữu 
thần luận Âu Tây: “Nho giáo là học 
thuyết coi trọng con người, cõi người. 
Tuy vẫn thừa nhận linh hồn và thần 
linh nhưng Nho giáo không khuyến 
TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 7 (203) 2015 
47
khích con người quan tâm nhiều quá 
đến quỷ thần và cuộc sống sau khi 
chết. Con người không phải là cái chỉ 
tồn tại ngắn ngủi một thời gian. Với 
thế giới linh thiêng, con người không 
quan hệ với một chúa sáng thế, mà 
quan hệ với những cha ông, tổ tiên 
làm cội nguồn cho con người. Trời là 
cha chung. Trước Trời, con người 
thấy gần hơn, không cảm thấy yếu 
đuối, bé nhỏ, tội lỗi như trước chúa 
sáng thế. Trời cũng theo dõi, thưởng 
phạt, nhưng hiếu sinh không đe dọa 
bằng thiên đường địa ngục và cuộc 
phán xét cuối cùng. Nho giáo không 
có quan niệm về ngày tận thế. Kinh 
dịch kết thúc không ở quẻ ký tế (đã 
hoàn thành) mà ở quẻ vị tế (chưa 
hoàn thành)”... 
Dẫn chứng trên đây cho phép người 
đọc thấy được nhiều con đường lý 
giải và tiếp nhận Nho giáo. Bên cạnh 
sự khảo sát, mô tả diện mạo, đặc 
điểm còn là phương pháp nghiên cứu 
so sánh, đối sánh các hiện tượng tư 
tưởng triết học, văn hóa, tôn giáo 
khác biệt nhau. Với Trần Đình Hượu 
là việc đặt vấn đề so sánh bản chất 
Nho giáo (rộng hơn là tam giáo Nho - 
Phật - Đạo phương Đông) với Thiên 
Chúa giáo (rộng hơn là triết học và tôn 
giáo hữu thần luận Âu Tây). 
1.3. Bên cạnh nguồn kiến văn rộng 
lớn và những kiến giải sâu sắc, các 
công trình nghiên cứu Nho giáo của 
Trần Đình Hượu còn hấp dẫn bởi ông 
thường xuyên quan tâm tới tính vấn 
đề, tính thời sự, hiện đại của đề tài. Ở 
đây người đọc có thể cảm nhận được 
những suy tư, trăn trở của một bậc 
thầy nghiên cứu về khả năng phát 
triển của đất nước trong mối liên hệ 
với quá khứ, trong ý thức cảnh tỉnh 
những di họa của Nho giáo và trong 
tầm nhìn đầy trách nhiệm qua cố gắng 
nhận diện ảnh hưởng của Nho giáo 
trong xã hội Việt Nam hiện đại. Việc 
nghiên cứu các di sản tinh thần quá 
khứ còn có ý nghĩa và giá trị chính là 
để góp phần trả lời cho những câu hỏi 
cấp thiết như thế. 
Trong mối quan tâm chung, Trần Đình 
Hượu xác định rõ việc nghiên cứu 
Nho giáo không phải chỉ để nghiên 
cứu một cách kinh viện mà chính là 
nhằm trả lời cho các câu hỏi đang đặt 
ra trong thực tại. Rất nhiều các vấn đề 
của Nho giáo được ông thẩm định, 
phản biện, lý giải nhằm soi sáng thực 
chất di sản và di hại của Nho giáo đã 
và đang tồn tại trong xã hội và đời 
sống đương đại với nhiều cách thức, 
màu sắc khác nhau: Nho giáo và Nho 
học ở Việt Nam, vài vấn đề về đặc 
điểm và vai trò của nó trước thực tế 
phát triển thời cận-hiện đại, Con người 
Việt Nam với truyền thống văn hóa 
Nho giáo, Gia đình truyền thống Việt 
Nam với ảnh hưởng Nho giáo, Bàn về 
thời kỳ quá độ: Di hại của Nho giáo 
trong xây dựng kinh tế 
Trên thực tế, Trần Đình Hượu rất 
hiếm khi trực diện phản biện, tranh 
luận, phê phán, bài bác một ý kiến cụ 
thể của ai đó ngay cả khi ông hiểu rõ 
điều này khác biệt, trái ngược, thậm 
chí là sai lầm, lạc hậu và lạc điệu so 
với chủ kiến của mình và so với mặt 
bằng tri thức chung của thời đại. Ấy 
vậy mà người đọc vẫn thấy toát lên 
 NGUYỄN HỮU SƠN – TIẾP NHẬN TƯ TƯỞNG TRẦN ĐÌNH HƯỢU 
48
nhiệt tình đặt lại vấn đề, phủ nhận 
những định hướng quan điểm ấu trĩ, 
khuynh tả, một chiều và hình thức chủ 
nghĩa. Chỉ có một lần, hầu như là duy 
nhất, ông nêu đích danh một tiếng nói 
đại diện cho định hướng phủ nhận 
sạch trơn, bất chấp thực tế lịch sử và 
cả qui luật biện chứng trong phát triển 
xã hội: “Sau khi bài báo công bố 
(Nguyễn Lân: Có nên vận dụng 
phương châm ‘Tiên học lễ, hậu học 
văn’ trong việc giáo dục thế hệ trẻ của 
ta ngày nay không? Văn hóa Nghệ 
thuật, số 31, tháng 7/1973 – NHS 
thêm), trên báo Tiền phong, số 2351, 
ra ngày 16/8/1973, Thanh Bình đã viết 
bài dài Quét sạch những tàn dư tệ hại 
của Khổng giáo. Tôi xin trích dẫn đoạn 
kết: ‘Là thế hệ thanh niên của thời đại 
Hồ Chí Minh, chúng ta đang sống, 
chiến đấu, lao động và học tập vì độc 
lập, tự do của Tổ quốc và chủ nghĩa 
xã hội, chúng ta có trách nhiệm bảo 
vệ và phát huy những truyền thống 
quý báu của dân tộc ta, bảo vệ sự 
trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin 
đầy sáng tạo. Chính vì thế mà chúng 
ta không thể dung hòa được với 
Khổng giáo cùng với hệ tư tưởng 
phản động và bảo thủ của nó. Vì sự 
nghiệp Cách mạng, chúng ta phải kiên 
trì đấu tranh để quét sạch nó ra khỏi 
mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như 
quét sạch đống rác bẩn vậy’” (Trần 
Đình Hượu, 2007, tập 1, tr. 45-46). 
Trần Đình Hượu (2007, tập 1, tr. 47) 
suy xét và phản biện, đặt lại vấn đề 
một cách nghiêm túc: “Có nhiều người 
tự coi là rũ sạch ảnh hưởng Nho giáo, 
lên án Nho giáo kịch liệt, nhưng vẫn 
sống và vẫn nghĩ rất ‘Nho’. Nhưng 
trong thực tế như vậy, Nho giáo không 
chỉ là còn, mà tư tưởng mới từ ngoài 
vào cũng bị Nho hóa; ở một chỗ nào 
đó, Nho giáo được coi là bị quét sạch 
thì nó vẫn có khả năng tái sinh” (NHS 
nhấn mạnh). 
Không nhằm vào những sự kiện, vụ 
việc cụ thể nhưng tính luận chiến, 
phản biện, gợi mở lại đặc biệt mạnh 
mẽ và sâu sắc trong các công trình 
nghiên cứu Nho giáo của Trần Đình 
Hượu. Nói khác đi, ông lược giản, bỏ 
qua những nhận thức thuộc về “lẽ 
phải thông thường” và ưu tiên cho 
việc phản biện, phản tỉnh ở tầm chiến 
lược, hàn lâm, chuyên sâu, mở 
đường cho những định hướng nghiên 
cứu khoa học cơ bản, nghiêm túc, lâu 
dài. Tính đến nay, rất hiếm có những 
tiếng nói nào có thể phản bác, qui kết 
những quan sát và đúc kết sắc nét về 
Nho giáo của Trần Đình Hượu, bởi lẽ 
muốn “có ý kiến” được thì chí ít người 
đối thoại cũng phải có vốn kiến văn và 
tầm suy tưởng về Nho học xấp xỉ như 
ông. 
Đọc các công trình nghiên cứu về Nho 
giáo của Trần Đình Hượu (2007, tập 1, 
tr. 45-52) có thể thấy sức công phá 
quyết liệt của ông vào thành trì của 
những nếp quen, thói quen, sự trì trệ 
và hình thức chủ nghĩa trong những 
tín điều tưởng chừng tiến bộ, mới mẻ, 
hiện đại nhưng thực chất lại chính là 
phần di hại của Nho giáo xưa cũ. Có 
thể nói sức mạnh công phá này được 
kiến tạo trên cơ sở một bản lĩnh học 
thuật, sự kết hợp giữa năng lực thông 
tuệ cá nhân và tư duy khoa học 
chuyên sâu, đi trước thời đại, đi trước 
TẠP CHÍ KHOA HỌC XÃ HỘI số 7 (203) 2015 
49
số đông. Thêm nữa, đó còn là cách 
dẫn giải khách quan, bình thản, nhuần 
nhị, thuyết phục của những chính kiến 
“tôi” cá nhân với sự thức nhận của cái 
“ta”, “chúng ta” cộng đồng. Chỉ cần 
quan sát vị thế, vai trò và cách thức 
bộc lộ tiếng nói chủ thể tác giả thông 
qua Lời tựa công trình Đến hiện đại từ 
truyền thống (1996) cũng thấy rõ điều 
này. Qua từng trang viết, Trần Đình 
Hượu nhấn mạnh trách nhiệm cá 
nhân với các diễn ngôn: “Tôi lựa chọn 
một số bài”, “tôi đặt tên cho tập sách”, 
“Đây là những bài tôi viết”, “Đối với tôi, 
vấn đề hiện đại hóa và sự chi phối của 
truyền thống đã lôi cuốn tôi từ nhiều 
năm”, “Mấy tháng sau tôi viết bài”, 
“Vào những năm sau đó, cái ám ảnh 
tôi là chủ nghĩa Mao, là chủ nghĩa xã 
hội kiểu Trung Hoa” (khác biệt với Việt 
Nam – NHS thêm), “Với truyền thống 
văn hóa phương Đông mà tôi xác định 
chịu ảnh hưởng chủ yếu của Nho giáo, 
tôi chỉ thấy sức mạnh níu kéo trở ngại 
cho sự phát triển”, đồng thời ông 
cũng thể hiện rõ tinh thần cầu thị và 
dân chủ khi bày tỏ chính kiến trước 
học giới: “Trong bài Ông quan liêu, 
ông quan và việc phát hiện nó theo 
cách nhìn của thơ trào phúng, tôi 
chưa đưa ra sự phân biệt giữa ông 
quan với người công chức, nhân vật 
chính của bệnh quan liêu hiện đại”, 
“Phải phát huy những cái tốt mà cũng 
phải biết cải tạo và lợi dụng những cái 
sẵn có. Có người góp ý kiến với tôi là 
không nên dùng chữ “lợi dụng” nhưng 
tôi vẫn nghĩ có những cái rồi phải vứt 
bỏ, nhưng hiện tại thì đang có ích, 
đang dùng được”, “Tôi đặc biệt nhấn 
mạnh yêu cầu xã hội hóa trong tiến 
trình hiện đại hóa”, “Để hình thành tư 
tưởng xã hội hóa như vậy, tôi được 
gợi ý bởi cách nói của người Nhật”, 
“Với những hiểu biết ít ỏi về kinh 
nghiệm Nhật Bản và Nam Triều Tiên, 
tôi cũng bắt đầu hiểu truyền thống văn 
hóa của phương Đông không chỉ là sự 
níu kéo, sự cản trở công cuộc phát 
triển, hiện đại hóa. Vấn đề ở chỗ biết 
nhìn đúng, có biện pháp cải tạo và lợi 
dụng chúng. Tôi nghĩ rằng Nhật Bản, 
Nam Triều Tiên – và cả Trung Quốc 
nữa – đã thành công vì làm tốt công 
việc đó”, “Trong truyền thống, tôi chỉ 
nói đến Nho giáo”, “Tôi muốn nhấn 
mạnh vai trò chi phối của Nho giáo, 
hơn thế tôi còn muốn lưu ý đến con 
đường Việt Nam và Đông Á hay Đông 
Nam Á”, mặt khác ông cũng xa gần 
cảnh báo, đúng hơn là gợi mở, 
khuyến khích những hướng nghiên 
cứu mới của đồng nghiệp và thế hệ 
mai sau: “Hai mươi năm là một thời 
gian dài, cuộc sống đã có nhiều đổi 
thay, bây giờ nếu viết lại chắc cũng có 
chỗ viết khác. Song, tôi chủ trương in 
lại nguyên văn như khi viết ban đầu, 
không sửa chữa để giữ tính lịch sử 
của hoàn cảnh đặt vấn đề và tư tưởng 
người viết” 
Đứng trước những thế ứng xử khác 
nhau trong việc đánh giá di sản và di 
họa Nho giáo trong xã hội Việt Nam 
thời hiện đại, có thể nói Trần Đình 
Hượu đã mở rộng cánh cửa tri thức 
mà không gặp nhiều sự chi phối, lực 
cản và sự qui chụp nào khác. Có 
được điều đó, bên cạnh bản lĩnh học 
thuật như đã nói trên, còn là thái độ 
 NGUYỄN HỮU SƠN – TIẾP NHẬN TƯ TƯỞNG TRẦN ĐÌNH HƯỢU 
50
trách nhiệm trước hiện tình đất nước, 
trước thực tiễn đời sống dân tộc mà 
không ai có thể bác bỏ được: “Điều 
quan trọng là hoạt động thực tiễn 
không thể chấp nhận sự đại khái, 
càng không thể chấp nhận những kết 
luận suy từ ý đồ cải tạo thế giới, 
những lời phẩm bình vừa không thực 
vừa vô bổ. Nếu để làm một học giả 
công bằng thì có lẽ chỉ cần đòi hỏi sự 
hiểu biết cụ thể - lịch sử, nhưng nếu 
muốn là một nhà hoạt động cải tạo 
thực tiễn, một học giả - chiến sĩ thì sự 
hiểu biết lịch sử - cụ thể còn đòi hỏi 
trải ra trên sự vận động thực tế của 
quá khứ, hiện tại và tương lai. Cho 
nên phê phán cũng là khen chê, 
nhưng quan trọng hơn ở đằng sau 
những lời khen chê là sự phát hiện đối 
tượng: bản chất, điều kiện tồn tại, 
hình thức tồn tại, qui luật vận động, 
phạm vi và hình thức tác động. 
Phê phán để có những nhận thức xác 
thực, cần cho hoạt động thực tiễn chứ 
không phải để có những lời phẩm 
bình đúng mức, có tình có lý, hay hơn 
thế một chút, là dễ chấp nhận, cũng 
gọi là có sức thuyết phục, đó là điều ta
cần phải cố gắng. Cố gắng đó, theo 
chúng tôi, là cố gắng vượt khỏi đường 
mòn Nho giáo để trở thành Mác xít” 
(Trần Đình Hượu, 2007, tập 1, tr. 99-
100). 
Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng 
sự thật, đó chính là tinh thần Trần 
Đình Hượu trong định hướng nghiên 
cứu và xác định các khả năng tác 
động của Nho giáo trong đời sống tư 
tưởng - chính trị - xã hội Việt Nam 
hiện đại. 
2. KẾT LUẬN 
Trong suốt một thời gian dài, học giả - 
chiến sĩ Trần Đình Hượu như một 
người bộ hành tiên phong và gần như 
âm thầm, đơn độc mở đường nghiên 
cứu Nho giáo và xác định những ảnh 
hưởng Nho giáo trong xã hội Việt 
Nam hiện đại. Ông “đốn ngộ” và đi 
trước thời đại một thôi đường dài. Học 
giới thời Đổi mới và những năm đầu 
thế kỷ XXI đã và đang “tiệm ngộ”, tiếp 
nhận, kế thừa và phát triển hệ thống 
tư tưởng nghiên cứu Nho giáo mà bậc 
thầy Trần Đình Hượu đã dày công xây 
đắp, mở đường.  
CHÚ THÍCH 
(1) Trần Đình Hượu - Tuyển tập – hai tập (Trần Ngọc Vương giới thiệu và tuyển chọn). 2007. 
Hà Nội: Nxb. Giáo dục, 1512 trang. 
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN 
(1) Trần Đình Hượu - Tuyển tập, hai tập (Trần Ngọc Vương giới thiệu và tuyển chọn). 
2007. Hà Nội: Nxb. Giáo dục. 
(2) Trần Đình Hượu. 2001. Các bài giảng và tư tưởng phương Đông (Rút từ bài ghi của 
sinh viên và từ băng ghi âm) (Lại Nguyên Ân biên soạn với sự cộng tác của Nguyễn 
Hòa, Trần Ngọc Vương). Hà Nội: Nxb. Đại học Quốc gia. 

File đính kèm:

  • pdftiep_nhan_tu_tuong_tran_dinh_huou_ve_nghien_cuu_nho_giao.pdf