Tư tưởng của Plato về thể chế dân chủ

Plato là vị triết gia vĩ đại, có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển triết học, đặc biệt là triết

học phương Tây. Tư tưởng của ông về dân chủ trong tác phẩm “Cộng hòa” có ảnh hưởng lớn đến

việc xây dựng và phát triển chính trị. Trong tác phẩm đó, ông phê phán dân chủ, coi sự ra đời của

thể chế dân chủ là một sự suy đồi của các loại thể chế chính trị. Bản chất dân chủ theo ông chính là

tự do và bình đẳng. Những phê phán của ông về tự do và bình đẳng trong thể chế dân chủ là bài học

cho chúng ta nhìn nhận những mặt trái của dân chủ, hoàn thiện nền dân chủ.

pdf 7 trang dienloan 9640
Bạn đang xem tài liệu "Tư tưởng của Plato về thể chế dân chủ", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Tư tưởng của Plato về thể chế dân chủ

Tư tưởng của Plato về thể chế dân chủ
 110 
Tư tưởng của Plato về thể chế dân chủ 
Đỗ Thị Kim Hoa1 
1 Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. 
Email: hoatuanphuc@gmail.com 
Nhận ngày 22 tháng 8 năm 2017. Chấp nhận đăng ngày 30 tháng 10 năm 2017. 
Tóm tắt: Plato là vị triết gia vĩ đại, có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển triết học, đặc biệt là triết 
học phương Tây. Tư tưởng của ông về dân chủ trong tác phẩm “Cộng hòa” có ảnh hưởng lớn đến 
việc xây dựng và phát triển chính trị. Trong tác phẩm đó, ông phê phán dân chủ, coi sự ra đời của 
thể chế dân chủ là một sự suy đồi của các loại thể chế chính trị. Bản chất dân chủ theo ông chính là 
tự do và bình đẳng. Những phê phán của ông về tự do và bình đẳng trong thể chế dân chủ là bài học 
cho chúng ta nhìn nhận những mặt trái của dân chủ, hoàn thiện nền dân chủ. 
Từ khóa: Thể chế, dân chủ, tự do, bình đẳng, Plato. 
Phân loại ngành: Triết học 
Abstract: Plato was a great philosopher, who left great influence on the development of 
philosophy, especially Western philosophy. His ideas on democracy in the work entitled 
“Republic” exerted major impacts on the building and development of politics. In the book, Plato 
criticised democracy, considering the birth of the democratic institution to be the degradation of 
types of political institutions. The essence of democracy, as deemed by him, is freedom and 
equality. His views on freedom and equality in the democratic institution are lessons for us to see 
the other side of democracy, and to perfect democracy. 
Keywords: Institution, democracy, freedom, equality, Plato. 
Subject classification: Philosophy 
1. Mở đầu 
Plato (427-347) là một triết gia vĩ đại, ông 
được đánh giá là người dệt giấc mơ lý 
tưởng với học thức uyên thâm theo sát với 
sinh hoạt tri thức đời thường. Hầu hết các 
nghiên cứu của các triết gia phương Tây 
sau này đều có cội nguồn từ những vấn đề 
được đặt ra trong tư tưởng của Plato. 
Những tư tưởng chính trị, xã hội của Plato 
đã có những ảnh hưởng lớn đối với tư 
tưởng phương Tây qua các thời kỳ. Các đối 
Đỗ Thị Kim Hoa 
111 
thoại mang tên ông đã được nghiên cứu, 
chắt lọc, kế thừa bởi các nhà tư tưởng từ cổ 
đại, trung đại đến cận đại và hiện đại. Khi 
nghiên cứu tư tưởng chính trị của Plato, đặc 
biệt tư tưởng chính trị trong tác phẩm 
“Cộng hòa”, những phê phán, chỉ trích của 
ông đối với chính thể dân chủ cần được 
xem xét một cách thấu đáo để có được 
những bài học kinh nghiệm cho xây dựng 
thể chế chính trị hiện nay. 
Tác phẩm “Cộng hòa” được công nhận 
là tác phẩm của Plato. Tuy nhiên, không sử 
sách nào ghi rõ một cách chính xác tác 
phẩm ra đời năm nào, trong hoàn cảnh nào. 
Do hạn chế của lịch sử nên các dữ liệu về 
Plato cũng như về tác phẩm của ông rất ít. 
Đây là một tác phẩm có hình thức được viết 
dưới dạng đối thoại gồm 10 phần, việc chia 
thành 10 phần này do học giả vô danh 
người Hy Lạp thực hiện. Plato đã rất khéo 
léo trong cách viết đối thoại, ông xây dựng 
hình ảnh các triết gia luôn ưa thích sự phản 
biện. Plato đã thành công trong việc diễn 
giải tư tưởng của mình, khi những điều 
phản biện đều được ông giải thích một cách 
cặn kẽ và tất cả lại được kết luận bởi con 
người uyên thâm đầy uy tín Socrates. Các 
bằng hữu của Socrates tưởng chừng như 
khó thuyết phục lại trở nên khá ngoan 
ngoãn đồng ý với tất cả những gì ông nói. 
Một nhóm độc giả đánh giá “Cộng hòa” 
thực chất là độc thoại, bởi tất cả những gì 
được cho là đúng thì chỉ là những phát ngôn 
của Socrates [1, tr.61]. Mặc dù bị đánh giá 
là độc thoại, nhưng với cách viết đối thoại 
như vậy, Plato đã cho người đọc một cái 
nhìn đa chiều, phân tích ở nhiều khía cạnh. 
Những câu hỏi của các triết gia tham gia 
đối thoại dường như cũng chính là những 
thắc mắc, trăn trở của người đọc. Qua đối 
thoại, ông cũng đã bảo vệ và chứng minh 
cho học thuyết của mình là đúng. Đối thoại 
“Cộng hòa” không những toát lên sự hiểu 
biết sâu rộng của ông mà còn cho thấy ông 
rất hiểu lối suy nghĩ của độc giả, của triết 
gia thời đó. Bài viết này phân tích tư tưởng 
của ông về thể chế dân chủ, cụ thể là về 
nguồn gốc hình thành và bản chất của thể 
chế dân chủ trong tác phẩm đó. 
2. Tư tưởng của Plato về nguồn gốc hình 
thành thể chế dân chủ 
Theo Plato, “chính thể ra đời không “từ cây 
sồi hay tảng đá”, mà từ con người sống 
trong cộng đồng” [6, tr.550]. Ông cho rằng: 
“Chính thể hình thành từ con người, đó là 
con đường duy nhất khả dĩ” [6, tr.551]. 
Chính con người tạo nên chính quyền và 
những đặc trưng của chính quyền bị quy 
định bởi con người. Mỗi mẫu người trong 
xã hội mang trong mình những tính cách 
riêng và tác động để hình thành nên loại 
chính thể tương ứng. Con đường hình thành 
nên các loại chính thể cũng chính là con 
đường biến đổi của các loại con người. Một 
mẫu người hình thành sẽ tạo ra một loại 
chính thể và rồi những đặc tính của chính 
thể ấy lại làm hình thành nên các mẫu 
người khác nhau trong xã hội. Một sự tương 
tác qua lại tạo nên các chính thể khác nhau. 
Loại chính thể đầu tiên là chính thể lý 
tưởng hay chính thể quý tộc và tương ứng 
với giai cấp quý tộc. Đó là chính thể mà 
người cầm đầu phải am tường triết học, 
mẫu người tương ứng với chính thể lý 
tưởng là mẫu người vừa tốt đẹp vừa công 
bằng. Tuy nhiên, với ông chính thể lý tưởng 
cũng sẽ băng hoại, đó là lẽ tự nhiên trên cõi 
đời. Ông viết: “Mọi vật có sinh đều có hóa, 
ngay cả trật tự xã hội cũng không thể kéo 
Khoa học xã hội Việt Nam, số 12 - 2017 
112 
dài mãi mãi, mà thể nào cũng suy tàn” [6, 
tr.553]. Chính thể được tạo ra từ con người, 
mà con người theo Plato không phải lúc nào 
cũng hoàn hảo. Mặc dù người cầm quyền 
trong chính thể lý tưởng được đào luyện 
cẩn thận, khôn ngoan, nhưng về lâu dài họ 
có thể không hoàn hảo. Tương ứng với 
người cầm quyền ấy là chính thể suy đồi. 
Bước đầu tiên cho con đường suy đồi 
của chính thể là chính thể vị danh. Nó tồn 
tại như là giai đoạn chuyển giao giữa hai 
chế độ, “chế độ đứng giữa giai cấp quý tộc 
và thành phần quả đầu” [6, tr.557]. Trong 
chính thể vị danh, thế hệ sau sẽ không đủ 
tinh khôn bằng thế hệ trước và những đặc 
tính bất thường sẽ sinh ra mâu thuẫn. Con 
người trong chế độ này lại có nhiều thay đổi 
và có đặc trưng riêng biệt. Con người bắt 
đầu ham mê tiền bạc không chút hạn chế. 
Họ tìm mọi cách để bảo vệ khối tài sản 
riêng ấy nhưng không muốn cho người 
khác biết, nên họ ăn chơi lén lút, tránh né 
pháp luật, hăng say chiến thắng, ham mê 
danh dự và quyền lực. Đặc trưng của chế độ 
là ngại bổ nhiệm người tài trí vào chức vụ 
cai trị, bởi không tìm thấy loại người cương 
nghị, thuần nhất nữa, mà chỉ có loại người 
pha trộn và dồn sức vào để chuẩn bị cho 
chiến tranh. 
Trải qua thời gian, tài sản trở thành 
thước đo giá trị, con người nhìn ngó nhau, 
ganh tỵ. Từ đó, người ham danh vọng, ưa 
chiến thắng biến thành đám đông hành xử 
giống nhau và đều yêu chuộng tiền bạc. Họ 
hạ thấp đạo đức. Hố sâu ngăn cách giữa đạo 
đức và tiền bạc ngày càng lớn. Cuối cùng, 
cảnh chuyển tiếp được diễn ra, người ưa 
chiến thắng và trọng danh dự trở thành 
người yêu tiền của. Rốt cuộc, tài sản là 
thước đo quyền lực. Của cải càng cao thì 
chính quyền càng quả đầu. Của cải càng ít 
thì chính quyền càng ít quả đầu. Đó chính 
là cách mà chính quyền quả đầu ra đời. 
Nhược điểm của chính thể quả đầu chính 
là lấy tài sản làm thước đo cho quyền lực 
chính trị. Ông ví nhà nước như con thuyền, 
nó sẽ ra sao khi người lái thuyền lại là 
người nhiều tiền, không biết phương hướng, 
trong khi con thuyền không được trao cho 
người hoa tiêu vì họ nghèo khó. Hơn nữa, 
vì thước đo là tài sản bị phân chia thành hai 
thành quốc cùng chung sống trên một mảnh 
đất. Một là toàn người giàu hoặc toàn người 
nghèo và luôn tìm cách hãm hại lẫn nhau 
nhưng né tránh chiến tranh. Người quả đầu 
sợ chiến tranh nhất vì nếu lâm trận họ lại 
chiếm thiểu số, vả lại, người có tài sản 
không muốn bỏ tiền để theo đuổi chiến 
tranh. Người trong thành quốc quả đầu do 
ham mê tiền bạc nên bủn xỉn, không đề cao 
đạo đức, không quan tâm giáo dục. Người 
được cầm quyền không muốn sử dụng luật 
pháp để “hạn chế tình trạng vô độ, quá trớn, 
ngăn cản đám trẻ tiêu pha hoang phí làm 
hại bản thân” [6, tr.574]. Họ rất muốn sự vô 
độ ấy xảy ra để họ có thể gia tăng sự giàu 
có, tiếng tăm, quyền lực hơn. 
Plato đã nhìn thấy những hạn chế vô 
cùng nghiêm trọng trong thành quốc quả 
đầu, đó là việc mất chính quyền dễ dàng 
diễn ra. Một chính quyền đề cao tài sản, coi 
nhẹ giáo dục và đạo đức, kiếm tiền một 
cách trâng tráo và xấu xa trên sự đau khổ 
của kẻ khác, chính quyền như thế sẽ hủy 
hoại chính tương lai của mình. Plato nhận 
định: “Thể chế đó sụp đổ là do thèm muốn 
quá đáng của cải, khiến không nghĩ tới vấn 
đề khác mà chỉ nghĩ đến làm tiền” [5. 
tr.589]. Plato cũng đưa ra giải pháp để bảo 
tồn chính thể quả đầu, đó là phải bổ sung 
điều luật, hạn chế sự vô độ, ép buộc quần 
chúng hành xử theo quy định được đưa ra. 
Đỗ Thị Kim Hoa 
113 
Nhưng theo Plato, họ lại lơ là đối với sự 
mạnh yếu của thành quốc, lo cho bản thân 
và đẩy thứ dân vào tình trạng cùng quẫn. 
Thế hệ sau của người cai trị vô giáo dục trở 
nên bạc nhược và không có khả năng chống 
đỡ khi có hiểm họa xảy ra. Khi đó, người 
nghèo nhận thấy kẻ giàu có đang bóc lột và 
sống nhờ vào chính họ và cảm thấy chúng 
cũng vô dụng và không phải người tốt. Họ 
không chấp nhận tình trạng hiện thời, từ đó, 
chiến tranh diễn ra và người nghèo thắng 
thế. Một chế độ thiếu giáo dục, nuôi nấng 
thói ham tiền một cách trâng tráo tồi tệ, tổ 
chức lỏng lẻo và xấu xa, thì ắt phải nhường 
vị trí cho một thế lực khác. Chính thể dân 
chủ ra đời khi người nghèo lên nắm chính 
quyền, tàn sát người giàu và tống cổ những 
thành phần đối lập lưu vong. 
3. Tư tưởng của Plato về bản chất của 
thể chế dân chủ 
Chính thể dân chủ gồm có ba thành phần cơ 
bản. Thứ nhất là thành phần lười biếng, tự 
do buông thả phát triển tự nhiên. Đây là 
thành phần nghèo khó nhưng chủ chốt, lãnh 
đạo thành quốc. Mọi việc trong thành quốc 
đều do họ quyết định, trừ vài trường hợp 
tầm thường. Thứ hai là thành phần nổi bật 
trong quần chúng. Đó là những kẻ có tiền, 
có của, nơi cung cấp mật ngọt cho thành 
phần thứ nhất (được ví như “đồng cỏ” của 
đám “ong đực”2). Thứ ba là thành phần 
quần chúng lao động, họ kiếm sống lo việc 
của mình và không can dự vào chính trị. 
Mỗi khi tụ họp bàn về quốc sự, thành phần 
này không muốn tham gia, trừ phi tụ họp để 
chia chác. Điều này cho thấy, khái niệm 
“dân” của Plato thiếu vắng hẳn tầng lớp nô 
lệ và dân nhập cư. 
Vậy những đặc trưng cơ bản của chính 
thể dân chủ được Plato đưa ra là: nguyên 
tắc trao quyền, bổ nhiệm chức vụ trong xã 
hội được thực hiện theo nguyên tắc bốc 
thăm; chính khách được đề cao khi người 
đó “tuyên bố là bạn của nhân dân, quyết 
tâm phục vụ mọi điều nhân dân ao ước” [6, 
tr.580]; quần chúng trong xã hội bình đẳng 
và đều có cơ hội tham gia chính quyền; tất 
cả được phân chia đồng đều; mọi người 
bằng nhau; quần chúng có quyền tự do 
ngôn luận rộng rãi, công dân đều tự do 
muốn làm gì thì làm; mọi người được tự do 
tổ chức cuộc sống riêng tư thích hợp hơn 
hết với mình. 
Rõ ràng, chính thể dân chủ mà Plato 
miêu tả ấy dù mô hình có khác nhiều so với 
chính thể dân chủ ngày nay, nhưng đó là 
một chính thể có nhiều yếu tố mà ngày nay 
con người vẫn đang muốn củng cố và duy 
trì. “Tự do” và “bình đẳng” có quan hệ mật 
thiết và phổ biến nhất trong chính thể này. 
Đó là những yếu tố tiến bộ hơn chính thể 
quả đầu. Quần chúng được tự do ngôn luận, 
tự do lựa chọn cuộc sống riêng cho mình 
mà không phải chịu sự ép buộc của bất cứ 
một ai. Tầng lớp dân nghèo trước đây bị 
chèn ép, bóc lột thì nay có cơ hội được 
tham gia vào mọi hoạt động, kể cả hoạt 
động chính trị. Đặc biệt, đặc tính có tính 
chất nhân văn và cao cả nhất là ở chỗ người 
có quyền lực chính trị được lựa chọn phải là 
người có tâm huyết phục vụ nhân dân, làm 
bạn với nhân dân. Những yếu tố như “người 
nghèo thắng thế”, “tự do”, “bình đẳng”, 
“phục vụ nhân dân” thực sự đã tô màu cho 
bức tranh nền dân chủ. Plato cũng thừa 
nhận một cách mỉa mai rằng: “Có lẽ đây là 
cơ chế hấp dẫn khủng khiếp. Như tấm áo 
thêu thùa đủ loại hoa hình, trình bày đủ loại 
màu sắc, tô điểm đủ loại nét vẻ con người, 
Khoa học xã hội Việt Nam, số 12 - 2017 
114 
cơ chế trở nên lôi cuốn lạ kỳ. Vì thế, quả 
nhiên và có lẽ, như đàn bà và trẻ con nom 
thấy đồ vật màu sắc sặc sỡ, đa số dân chúng 
nhận xét đó là hình thức xã hội tốt đẹp hơn 
hết” [6, tr.578]. 
Cơ chế cho thực thi dân chủ trong chính 
thể dân chủ theo Plato, chính là tự do và 
bình đẳng. Như vậy, dân chúng thích loại 
hình chính thể dân chủ. Tuy nhiên, Plato lại 
quan niệm ngược lại. Những đặc trưng về 
“tự do” và “bình đẳng chính trị” của chính 
thể dân chủ, thực sự lại gây nên những điều 
bất ổn trong thành quốc. Công dân hoàn 
toàn được tự do, “tự do” ấy đã bị đẩy lên 
mức cực điểm. Một sự “tự do” quá đáng, 
mất kiểm soát và “bình đẳng” ở trạng thái 
cào bằng sẽ xóa nhòa những ranh giới trong 
trật tự xã hội. Có lẽ, cuộc chiến 27 năm và 
việc bại trận của thành quốc Athens đã bao 
phủ lên tư tưởng của ông một bóng đen tiêu 
cực. Ông chỉ trích kịch liệt sự “tự do” và 
“bình đẳng” trong chính thể này. 
Theo ông, “bình đẳng” trong xã hội dân 
chủ là một sự phân chia ngang hàng không 
thứ bậc, không có trật tự, đa sắc màu, tạp 
nham, một “sự phân chia đồng đều, coi mọi 
người bằng nhau, bất kể họ có bằng nhau 
hay không” [5, tr.580]. Ý niệm “bình đẳng” 
được nuôi dưỡng bởi sự tự do rộng rãi sẽ 
trở thành sự tự do xây dựng cơ chế, xã hội; 
điều đó sẽ gây bấn loạn trong một loạt các 
mô hình thể chế. Ông viết: “Trong cơ chế 
này không có chuyện cưỡng bách, ép buộc 
cầm quyền dù quý hữu thừa khả năng, hay 
cúi đầu tuân lệnh chính quyền nếu quý hữu 
không muốn. Quý hữu không phải ra chiến 
trường nếu có chiến tranh; quý hữu có thể 
gây chiến tranh trong thời bình nếu không 
muốn hòa bình. Thêm nữa, nếu pháp luật 
ngăn cấm tham gia chính trị hay tư pháp, 
nếu muốn, quý hữu vẫn có thể làm cả hai, 
cầm quyền và xử án” [6, tr.579]. 
Cũng giống như sự suy đồi của chính 
thể quả đầu do ham mê quá đáng tiền bạc, 
chính thể dân chủ do ham mê quá độ “tự 
do” ắt dẫn đến những hậu quả không thể 
kiểm soát nổi. “Tự do” theo Plato, đem 
đến cho con người sự coi thường vị thế 
quyền lực. Người lãnh đạo chỉ phụ thuộc ý 
kiến số đông; điều đó dẫn đến những sai 
lầm trong lựa chọn người lãnh đạo bởi có 
thể số đông kia không được nuôi dưỡng 
trong một môi trường lành mạnh, không 
được giáo dục đầy đủ, không để có tâm 
thức đúng đắn trong sự lựa chọn của mình. 
Vì tự do, người lãnh đạo lại hành xử không 
đúng mực, với cái cớ “tự do”, mà làm 
những việc như thứ dân họ làm, tấm gương 
về đạo đức bị vấy bẩn. “Tự do” quá đáng 
mang lại sự coi thường trật tự xã hội, coi 
thường đạo lý gia đình. Trong gia đình, bề 
trên thì nuông chiều đám trẻ vì sợ mang 
tiếng khó tính; trẻ nhỏ thì cãi lý, đối địch 
với người già. “Tự do” làm cho thầy sợ 
trò, trò coi thường thầy giáo, chủ sợ đầy 
tớ, đầy tớ thì ngang hàng với chủ. Con 
người trong xã hội coi thường cả pháp 
luật; dân chúng không chịu ép mình trong 
bất kỳ một tổ chức chính trị, tôn giáo hay 
đạo đức nào [6, tr.579-591]. Tình trạng xã 
hội như vậy ắt nảy sinh chế độ độc tài. 
Quan niệm của Plato về bản chất dân 
chủ được ông rút ra kinh nghiệm của thành 
quốc Athens. Thật ra, thể chế dân chủ mà 
Plato chỉ trích phê phán này khác xa thể 
chế dân chủ mà chúng ta quan niệm ngày 
hôm nay. Đó là một nền dân chủ trực tiếp. 
Trong khoảng 300.000 người dân của 
thành quốc Athene, thì có gần 80.000 
người thuộc vào hàng nô lệ và gần 40.000 
người là dân nhập cư, họ bị tước đoạt tất 
cả quyền chính trị, quyền công dân. Với số 
Đỗ Thị Kim Hoa 
115 
người còn lại thì chỉ có một thiểu số người 
đủ tuổi công dân được đại diện tại quốc 
hội để bàn cãi và quyết định về các vấn đề 
của quốc gia. Tuy nhiên, nền dân chủ đó, 
có thể nói là hoàn hảo nhất cho tới lúc bấy 
giờ. Bởi, Đại hội đồng là cơ quan tối cao 
của quốc gia, tối cao pháp viện được tuyển 
chọn theo thứ tự trong danh sách của toàn 
thể công dân và đều do dân chúng kiểm 
soát [6, tr.26]. 
Trong quan niệm của Plato về dân chủ, 
cơ chế trao quyền điều hành quốc sự cho 
đám đông dân chúng không được giáo dục 
cẩn thận, không được nuôi dưỡng trong một 
môi trường trong sạch, không có nguồn 
gốc, rõ ràng, không có thứ bậc là điều 
không thể chấp nhận. Dân chúng non nớt, 
thiếu hiểu biết, nhận xét cảm tính hoặc 
thành kiến; từ đó lựa chọn người vào đại 
hội đồng không xác đáng. Điều đó dẫ đến 
kết quả là lợi ít, hại nhiều. Hậu quả chính là 
dễ dàng dẫn đến chính thể độc tài, đàn áp 
dân chúng một cách man rợ. 
Chính thể dân chủ dưới góc nhìn của 
ông gần như là một chính thể tiêu cực. 
Những yếu tố tích cực và được đánh giá 
cao và được dân chúng ủng hộ như tự do 
và bình đẳng, đối với ông lại là những yếu 
tố nguy hại. 
4. Nhận xét về tư tưởng của Plato về thể 
chế dân chủ 
Thứ nhất, quan niệm của ông về dân chủ đã 
tạo nên cơ sở, cái gốc rễ cho các triết gia 
sau này phát triển tư tưởng về dân chủ và 
xây dựng quan niệm về thể chế dân chủ. 
Yếu tố “tự do” và “bình đẳng” đã được đầu 
tư làm mới gắn chặt với sự phát triển và 
hoàn thiện về cơ chế hoạt động của chính 
thể dân chủ. Các tác giả đã biết kế thừa và 
chắt lọc những gì tinh túy trong tư tưởng 
của Plato để phát triển tư tưởng dân chủ của 
mình. Từ những phân tích các mặt tiêu cực 
của chính thể dân chủ, các triết gia sau này 
đã biết hoàn thiện lý thuyết về dân chủ để 
không còn những mặt hạn chế có thể xảy ra. 
Thứ hai, từ việc chỉ ra những khuyết 
điểm của “tự do” và “bình đẳng” trong cơ 
chế dân chủ của Plato, chúng ta có thể rút ra 
được kinh nghiệm trong quá trình hoàn 
thiện cơ chế dân chủ hiện nay. Những phân 
tích của ông về tự do và bình đẳng trong 
chính thể dân chủ đã góp phần tác động đối 
với việc xây dựng quyền tự do dân chủ 
ngày nay. Nó tạo nền tảng cho việc xây 
dựng quyền tự do cá nhân của mỗi con 
người, làm sao mỗi người trong xã hội được 
hưởng quyền tự do mà không xâm phạm 
đến trật tự xã hội, không vi phạm đạo đức 
và pháp luật, tự do trong khuôn khổ. 
 Thứ ba, trong cách nhìn của Plato về 
chế độ dân chủ có phần tiêu cực, nhưng đó 
là lời cảnh báo rằng một chính quyền 
muốn xây dựng nền dân chủ cần phải có 
những chính sách, biện pháp và phương 
tiện ngăn chặn cũng như phòng tránh được 
những điều xấu xảy ra. Những điều mà 
Plato đề cập đến không phải là không có 
nguy cơ xảy ra trong xã hội dân chủ ngày 
nay. Cách xem xét của ông có thể là rất 
cực đoan, nhưng chúng ta cần phải lấy đó 
làm bài học kinh nghiệm. Để lựa chọn 
người lãnh đạo thì không thể chỉ nhìn thấy 
vẻ bề ngoài, với những lời nói mị dân, mà 
còn phải hiểu rõ lai lịch, kinh nghiệm 
chính trường. Người đó lãnh đạo phải có 
bản chất cực kỳ tốt đẹp, trí tuệ am tường, 
hiểu biết rộng rãi, từ nhỏ phải được nuôi 
dưỡng trong một môi trường lành mạnh, 
được thụ huấn thói quen đúng đắn và phải 
Khoa học xã hội Việt Nam, số 12 - 2017 
116 
theo đuổi mục đích sáng ngời. 
Thứ tư, những phân tích của Plato cho 
thấy rằng, để đạt đến một chế độ lý tưởng 
thì nền dân trí cũng như quan trí phải thực 
sự cao, phải có sự quản lý tốt, có pháp luật 
chặt chẽ. Nếu không như vậy thì nền dân 
chủ sẽ hỗn loạn và dễ dàng chuyển sang chế 
độ độc tài. Thể chế chính trị là một trong 
những điều kiện quan trọng hình thành 
nhân cách con người. Do vậy, chúng ta cần 
phải tạo dựng một chính phủ có trách 
nhiệm, một nhà nước minh bạch, công 
bằng, đảm bảo tự do và bình đẳng thì mới 
có thể có được một xã hội văn minh với 
mẫu người hoàn thiện tương ứng. Với cách 
mô tả nền dân chủ như Plato, chúng ta phải 
thường xuyên kiểm tra chính phủ của mình. 
Rất có thể các nhà lãnh đạo là những kẻ bắt 
nạt và bạo chúa chính trị theo như Plato đã 
mô tả. Cần phải kiểm soát để tránh nền dân 
chủ của chúng ta dễ dàng trở thành độc tài 
như Plato đã phân tích. 
5. Kết luận 
Plato có cái nhìn quá cực đoan về chính 
thể dân chủ. Ông không xem xét chiều 
cạnh tích cực của thể chế dân chủ mà ra 
sức phân tích mặt tiêu cực của nó và đã 
đẩy mặt tiêu cực lên quá mức. Những gì 
ông phân tích đánh giá về mô hình trong 
chính thể dân chủ chưa đầy đủ và khách 
quan. Ông không thấy hết được những ưu 
điểm của thể chế dân chủ đem lại cho xã 
hội và cho con người. Tuy nhiên, ông đã 
đặt những “viên gạch” đầu tiên cho việc 
xây dựng nền dân chủ. 
Chú thích 
2 Đám ong đực, theo Plato, ý nói đến thành phần thứ nhất. 
Tài liệu tham khảo 
[1] Dave Robinson và Judy Groves (2006), Nhập 
môn Plato, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh. 
[2] David Held (2006), Các mô hình quản lý nhà 
nước hiện đại, Nxb Tri thức, Hà Nội. 
[3] Forrest E. Bard (2006), Tuyển tập danh tác 
triết học từ Platon đến Derrida, Nxb Văn hóa 
thông tin, Hà Nội. 
[4] Đỗ Minh Hợp (2000), 106 nhà thông thái, Nxb 
Chính trị quốc gia, Hà Nội. 
[5] Đỗ Minh Hợp, Nguyễn Thanh, Nguyễn Anh 
Tuấn (2006), Đại cương lịch sử triết học 
Phương Tây, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ 
Chí Minh. 
[6] Plato (2013), Cộng hòa, Nxb Thế giới, Hà Nội. 
[7] Vũ Văn Viên (1998), Triết học Arixtốt, Nxb 
Khoa học xã hội, Hà Nội. 
[8] Nguyễn Hữu Vui (2002), Lịch sử Triết học, 
Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 
[9] William. F.Lawhead (2014), Hành trình khám 
phá thế giới - Triết học Phương Tây, Nxb Từ 
điển Bách khoa, Hà Nội. 

File đính kèm:

  • pdftu_tuong_cua_plato_ve_the_che_dan_chu.pdf