Vấn đề tôn giáo trong tác phẩm “zarathustra đã nói như thế” của friedrich wilhelm nietzsche
Trong nghiên cứu tôn giáo, có nhiều cách tiếp cận
cái linh thiêng (le Sacré). Có những quan điểm của các học giả
trên thế giới phân tích và phê phán biểu hiện đối với cái linh thiêng
của các tôn giáo khác nhau. Tác phẩm “Zarathustra đã nói như
thế” của nhà tư tưởng nổi tiếng người Đức Friedrich Wilhelm
Nietzsche là một cách như vậy. Do điều kiện đương thời, nên F. W.
Nietzsche chủ yếu tập trung vào Kitô giáo. Tòa soạn Tạp chí
Nghiên cứu Tôn giáo đăng bài “Vấn đề tôn giáo trong tác phẩm
“Zarathustra đã nói như thế” của Friedrich Wilhelm Nietzsche của
hai nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Dũng và Hoàng Đức Bình để góp
phần thảo luận vấn đề tôn giáo một cách rộng rãi.
Bạn đang xem tài liệu "Vấn đề tôn giáo trong tác phẩm “zarathustra đã nói như thế” của friedrich wilhelm nietzsche", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Vấn đề tôn giáo trong tác phẩm “zarathustra đã nói như thế” của friedrich wilhelm nietzsche
Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 – 2014 3 NGUYỄN TIẾN DŨNG(*) HOÀNG ĐỨC BÌNH(**) VẤN ĐỀ TÔN GIÁO TRONG TÁC PHẨM “ZARATHUSTRA ĐÃ NÓI NHƯ THẾ” CỦA FRIEDRICH WILHELM NIETZSCHE Lời Tòa soạn: Trong nghiên cứu tôn giáo, có nhiều cách tiếp cận cái linh thiêng (le Sacré). Có những quan điểm của các học giả trên thế giới phân tích và phê phán biểu hiện đối với cái linh thiêng của các tôn giáo khác nhau. Tác phẩm “Zarathustra đã nói như thế” của nhà tư tưởng nổi tiếng người Đức Friedrich Wilhelm Nietzsche là một cách như vậy. Do điều kiện đương thời, nên F. W. Nietzsche chủ yếu tập trung vào Kitô giáo. Tòa soạn Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo đăng bài “Vấn đề tôn giáo trong tác phẩm “Zarathustra đã nói như thế” của Friedrich Wilhelm Nietzsche của hai nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Dũng và Hoàng Đức Bình để góp phần thảo luận vấn đề tôn giáo một cách rộng rãi. Tóm tắt: Friedrich Wilhelm Nietzsche (1844 - 1900) là một nhà tư tưởng nổi tiếng của Đức. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là “Zarathustra đã nói như thế”. Trong tác phẩm này, ông đã bàn đến một vấn đề mà cho đến hôm nay vẫn còn mang tính thời sự, đó là giá trị và ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Để làm rõ chủ đề này, ông đã phải lý giải các vấn đề lên quan đến tôn giáo. Quan niệm về tôn giáo của ông trong tác phẩm “Zarathustra đã nói như thế” đã từng là hiện tượng gây sốc ở Phương Tây. Bài viết này xin được giới thiệu quan niệm của F. W. Nietzsche về vấn đề tôn giáo trong tác phẩm “Zarathustra đã nói như thế”. Từ khóa: vấn đề tôn giáo, “Zarathustra đã nói như thế”, Friedrich Wilhelm Nietzsche. Zarathustra đã nói như thế(1) là tác phẩm cuối cùng của Friedrich Wilhelm Nietzsche. Trong tác phẩm này, F. W. Nietzsche lật đi lật lại các chủ đề đã được đề cập trong một số tác phẩm của ông mang tính thử *. PGS.TS., Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. **. ThS., Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế. 4 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2014 4 nghiệm xuất bản từ trước. Từ tinh thần ấy, ông đã kiện toàn tư tưởng và cố định ở ba vấn đề cơ bản là: tôn giáo, cuộc sống và con người. Những vấn đề này đan xen vào nhau lập thành một kết cấu ổn định triết lý của F. W. Nietzsche nói chung và tác phẩm của ông nói riêng. Vì vậy, sự phân chia chỉ có ý nghĩa tương đối. Sự tương đối này đòi hỏi khi phân tích từng chủ đề của tác phẩm không thể không đặt trong sự so sánh liên hệ với các chủ đề khác được xuất bản từ trước. Thực tế lịch sử cho thấy, quan niệm về hình thái ý thức xã hội tôn giáo luôn là một thành tố không thể thiếu trong các hệ thống triết học. Ngay từ thời Cổ đại, việc phân chia triết học thành hai hình thức cơ bản là chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm đã chứa đựng những quan điểm đối lập nhau trong việc xem xét vấn đề tôn giáo. Những triết gia duy vật dù còn ở trình độ thấp nhưng bước đầu kết luận nguồn gốc của tôn giáo là do sự nhận thức non nớt của con người, tôn giáo là do con người tạo ra. Đến thời kỳ Phục Hưng và Cận đại, về cơ bản, các nhà triết học duy vật vẫn tiếp tục những quan điểm đó, sự khác biệt chỉ ở mức độ dựa vào các thành tựu của khoa học thực nghiệm đương thời để làm rõ nhận định về tôn giáo. Có thể nói, với chủ nghĩa duy vật trước K. Marx, tôn giáo vẫn là một trong những vấn đề còn bỏ ngỏ. Trong khi đó, ở Phương Tây, thần học và chủ nghĩa duy tâm lại không ngừng chung sức, chung lòng ca ngợi tôn giáo. Theo Kinh Thánh, Thiên Chúa sáng tạo ra tất cả. Trái đất và sự sống ở trên Trái Đất là đặc ân của Thiên Chúa ban cho con người. Con người chỉ là lữ hành cô độc trong hành trình tiến về Nước Chúa vĩnh hằng. Bởi vậy, con người không sống mà chỉ là chuẩn bị sống, hạnh phúc ở trần gian là ảo vọng. Vì vậy, thân xác của con người là tạm bợ, không đáng tôn trọng. Mọi hoạt động xuất phát từ thân xác phải được xem là những dục vọng thấp hèn. Nghĩa là, thước đo giá trị hoạt động của con người không phải ở nó mà ở trên cao, bên ngoài nó. Tôn giáo ở Phương Tây đã tạo ra một hệ thống giá trị quy định đời sống trần gian của con người. Bờ vai con người oằn xuống dưới thang bậc của hệ thống giá trị đó. Đức tin trở thành bảng chỉ đường cho mọi hoạt động của con người. Trước tình trạng đó, một vài triết gia đã lên tiếng tố cáo, nhưng tiếng kêu của họ như là hạt sạn thả xuống ao bèo. Cả guồng máy khổng lồ của Phương Tây vẫn vận hành trong cơ chế đó. Bởi vì, chủ nghĩa tư bản khi thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình là loại bỏ Nguyễn Tiến Dũng, Hoàng Đức Bình. Vấn đề tôn giáo 5 5 chế độ phong kiến cũng để tung hô một cuộc cách mạng tinh thần. Giai cấp tư sản đã nhận thấy những chuẩn mực giá trị của tôn giáo là cản lực của cách mạng tư sản. Nhưng khi xác lập ổn định vị trí thì giai cấp tư sản lại chìa bàn tay về phía tôn giáo. Quan niệm về tôn giáo của F. W. Nietzche thống nhất từ tác phẩm đầu tiên cho tới tác phẩm cuối cùng. Zarathustra đã nói như thế là sự tổng kết cả quá trình kiến thiết về tư tưởng tôn giáo. Nhân danh người tiên tri của thời đại (Zarathustra là tiên tri của Islam giáo), F. W. Nietzsche đã phán quyết như một quan tòa rằng “Thượng Đế đã chết” ngay ở phần mở đầu của tác phẩm. Sự kiện này đã tạo nên một nghịch lý ở chỗ, trước đây, Thượng Đế là người phán xử cuối cùng, thì ngày nay, Thượng Đế lại bị con người phán quyết và kết tội chết. Sự ra đi của Thượng Đế đã làm sụp đổ các nền tảng của Kitô giáo nói riêng và tôn giáo nói chung. Những quan niệm bấy lâu nay hằng ngày bủa vây con người đã đến lúc con người được quyền tháo bỏ. Không ai có thể nhân danh bất cứ một cái gì đó không có mặt trên trần gian để phán quyết con người trừ chính bản thân con người. Theo F. W. Nietzsche, đó chính là tặng vật ông muốn dâng hiến cho loài người: “Nào tôi có nói đến tình yêu. Tôi đến hiến cho loài người một tặng phẩm rằng “Thượng Đế đã chết”(2). Mặc dù chưa hiểu được trong quá trình phản ánh các hình thái ý thức xã hội có tính độc lập tương đối, nhưng F. W. Nietzsche biết rằng, khi tuyên bố Thượng Đế đã chết vẫn chưa đủ để chấm dứt những quan niệm truyền thống của Kitô giáo đã trở thành nếp trong đời sống và tư duy của con người. Vì vậy, cần phải chỉ rõ những di chứng của nó để loài người nhận chân về một thuở ấu trĩ của mình (từ của F. W. Nietzsche, tương ứng với hành trình hóa thân của tinh thần từ lạc đà đến sư tử và trẻ thơ). Với tư cách là “triết gia với cây búa tạ”(3) và mục đích “thúc đẩy nhân loại đi đến những quyết định của tương lai”(4), ông đã lật ngược lại tất cả quan niệm của Kitô giáo về con người, vũ trụ và nhân sinh. Theo F. W. Nietzsche, khái niệm tiền kiếp hay hậu kiếp chỉ là những ảo ảnh do tôn giáo tạo ra để gây sự sợ hãi cho con người trong suốt chiều dài của lịch sử. Mọi sự sống đều bắt đầu ở trên mặt đất này. Bởi vậy, nếu không muốn rơi vào tình trạng tự túm tóc mình rồi bảo mình đang ở trên mặt đất, thì phải thấy hiện sinh của con người là ở ngay trên mặt đất này. F. W. Nietzsche tha thiết kêu gọi loài người: “Hỡi các anh em, ta van xin các người, hãy trung thành với mặt đất và chớ tin vào các kẻ nói với các 6 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2014 6 ngươi về hy vọng lững lờ trên bề mặt đất. Họ là những kẻ đầu độc, dẫu họ có ý thức điều đó hay không. Họ là những kẻ khinh miệt đời sống, những kẻ hấp hối và cũng chính là những kẻ bị đầu độc, mặt đất đã quá mệt mỏi chán chê họ, họ hãy cút đi cho khuất mắt. Xưa kia, báng bổ Thượng Đế là lời báng bổ nặng nhất, nhưng Thượng Đế đã chết và cùng chết theo Thượng Đế là những kẻ báng bổ ấy. Giờ đây, điều đáng khủng khiếp hơn nhiều là báng bổ mặt đất và coi trọng ruột rà của cõi bất khả thấu nhập hơn ý nghĩa, chiều hướng của mặt đất”(5). Chúng ta dễ dàng nhận thấy, việc F. W. Nietzsche phủ nhận sự hiện hữu thực sự của con người ở trên mặt đất có nhiều nét tương đồng với quan niệm của nhiều nhà triết học duy vật Phương Tây thời Cận đại. Denis Diderot (1713 - 1784), một triết gia Pháp từng cho rằng: “Địa Ngục, Thiên Đường quá xa xôi, trong khi những cái cần cho sự sống lại ở ngay trước mặt”(6), hay “Chúa của những người Cơ Đốc giáo, đó là những người cha chỉ biết coi trọng những đám mây chứ không lưu tâm gì đến những đứa con của ông ta đang hiện hữu trên mặt đất”(7). Với Baron Holbach (1723 - 1789), thoát ly cuộc sống trần thế, con người trở thành kẻ ở nhờ trong ngôi nhà của chính mình. Do vậy, tôn giáo không phải làm cho đời sống con người trở nên thanh cao, mà đang làm tha hoá đời sống thực của con người. Sự khác biệt giữa F. W. Nietzshe với các nhà triết học Phương Tây thời Cận đại ở chỗ, ông quyết liệt hơn, mạnh bạo hơn và bi tráng hơn. Điều này có cơ sở của nó. Bởi vì, lúc này, chế độ tư bản đã ổn định và thịnh vượng, nên các thế lực tôn giáo không còn ở thế thượng phong như các xã hội trước đây. Theo Kinh Thánh, con người là một thực thể lưỡng phân gồm hai phần: phần hồn và phần xác. Trong đó, thân xác là tạm bợ, linh hồn là vĩnh cửu vì Thiên Chúa ban cho. Với F. W. Nietzsche, thân xác của con người mới là đáng quý, vì con người sống bằng thân xác, tư duy bằng thân xác, các xung lực được tàng ẩn trong thân xác, sự gặp gỡ giữa người với người bắt đầu bằng thân xác. Do vậy, nếu kẻ nào khinh chê thân xác nghĩa là kẻ đó đang báng bổ vào chính mình(8). Ông cho rằng, mục đích của sự phân chia và phân định chức năng giữa phần hồn và phần xác của tôn giáo sẽ dẫn đến những phán xét giả tạo về ý nghĩa của sinh tồn, loại bỏ đi mặt sống động đầy hứng khởi của nguồn lực Dyonysos (thần Rượu nho). Trong khi đó, linh hồn không thể không dung thân trong thân xác. Sự cao ngạo của linh hồn thực ra chỉ do Kitô giáo cố ý gán ghép, cường Nguyễn Tiến Dũng, Hoàng Đức Bình. Vấn đề tôn giáo 7 7 điệu, để bỏ qua những sự thật hiển nhiên nhất. Cho dù con người “là một dòng sông nhơ bẩn” (từ của F. W. Nietzsche), thì dòng sông đó vẫn là chỗ cư ngụ của linh hồn, dẫu tạm bợ thì vẫn phải có quan hệ với linh hồn. Người ta có quyền đối chất với Thiên Chúa rằng, Ngài đã tạo ra con người, ban cho con người linh hồn, tại sao Ngài lại khinh chê ngay sản phẩm do mình tác chế ra. Về mặt thực tế, F. W. Nietzsche nhấn mạnh, nếu thân xác mà không khỏe mạnh thì không thể có tư duy mẫn tiệp. Linh hồn là một đại lượng phiếm chỉ, trong khi đó, thân xác luôn có một cái tên, một cái họ. Các linh mục dạy người ta là cái chết bắt đầu bằng sự ra đi của linh hồn, nhưng sự thật, bao giờ sự chấm dứt hiện hữu của một kiếp người cũng bắt đầu từ thân xác(9). Vì thế, chúng ta phải làm một phép đảo hoán trong quan niệm là thân xác quan trọng hơn linh hồn, linh hồn phải chịu sự quy định của thân xác, tránh tình trạng như quan niệm truyền thống: “Khi xưa, linh hồn đưa con mắt nhìn thân xác với vẻ khinh miệt và lúc bấy giờ chẳng có gì cao cả hơn sự khinh miệt đó, linh hồn muốn cho thân xác ốm o, khả ố, đói khát. Làm thế, linh hồn tưởng là đã thoát được thân xác, thoát được thân xác và mặt đất. Ôi, tấm linh hồn ấy đã còn ốm o, khả ố, đói khát và sự tàn bạo là nỗi khoái lạc của linh hồn này!”(10). Như vậy, trong quan niệm về tôn giáo, F. W. Nietzsche đã đặt ra hai vấn đề hoàn toàn khác biệt với quan niệm của Nhà thờ, đó là đời sống thật sự của con người trên trái đất này, và con người được gọi là con người vì có thân xác. Do vậy, thân xác là cái đáng quý, đáng trọng. Với hai quan điểm này, ông đã phủ nhận những tín điều quan trọng nhất của Kitô giáo, trở về với đặc tính tinh khôi (từ của F. W. Nietzsche) vốn có của con người. Tính vô lý của hai sự kiện này trong cách hành xử của Nhà thờ ở chỗ: Thứ nhất, đó là nguyên nhân dẫn đến “Đau khổ và bất lực - đấy là những cái tạo nên những cõi - bên - kia, tạo nên cơn điên cuồng ngắn ngủi mà duy kẻ chịu đựng nỗi thống khổ ngất trời mới biết đến”(11). Thứ hai, chính những kẻ hằng ngày đang thuyết giảng trên các giáo đường cũng không tin rằng có thế giới bên kia, rằng thân xác là không đáng được coi trọng: “Ta biết quá rõ những kẻ giống với Thượng Đế, chúng muốn rằng thiên hạ tin nơi chúng và hoài nghi là một trọng tội. Nhưng ta biết quá rõ, chúng tin tưởng vào điều gì hơn cả. Thực ra, chúng không tin vào cõi bên kia cùng những giọt máu cứu thế. Chính chúng cũng tin vào thân xác 8 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2014 8 nhiều hơn và chính thân xác chúng là cái được chúng xem là sự vật tự nội”(12). Thứ ba, nếu có Thượng Đế thì Ngài vẫn cần phải có thân xác để hiện hình. Bằng chứng là trong các nhà thờ đầy rẫy tranh, tượng về các vị thánh của Kitô giáo. Bản thân Thượng Đế cũng biểu hiện sự tồn tại của mình như vậy: “Vị Thượng Đế đó chỉ là con người, là mảnh vụn thảm thương của một con người và một “ngã thể”. Vị Thượng Đế hình ma bóng quế đó xuất sinh từ mớ tro lạnh và từ lò than hồng của chính ta. Thực ra, vị Thượng Đế đó không đến với ta từ cõi bên kia mà từ mặt đất”(13). Những kết luận này của F. W. Nietzsche đã nhận được sự chia sẻ của nhiều học giả sau này. Chẳng hạn, Krishnamurti cũng chung nhận định như thế khi ông viết: “Không bao giờ có thể có các tôn giáo lý tưởng nên chúng ta không nên mất thì giờ thảo luận về chúng. Chúng chỉ hiện hữu trong lý thuyết mà không thể có trong thực tế”(14). Từ những nghịch lý này, F. W. Nietzsche đã dẫn đến một luận đề nhân sinh vô cùng quan trọng là vai trò của tôn giáo trong đời sống con người. Theo ông, những tổ chức giáo đoàn cứu rỗi, hồng ân, bí tích, những lời hứa đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật hứa hẹn chẳng giúp ích gì cho đời sống của con người. Không có Thượng Đế, con người vẫn sống như thế! Có Thượng Đế, con người không có quyền sống như con người muốn. Thượng Đế không chỉ là nguyên nhân của sự sa đọa về mặt thân xác, mà còn là căn nguyên của sự tha hóa nhân cách. Khi khom lưng cúi lạy trước những bức tượng Chúa, con người biết rằng, đó là những hình tượng được làm bằng các chất liệu của cuộc đời này, ở ngay dưới chân người đang sống. Sự linh thiêng đã bắt con người tư duy lộn ngược, từ vai trò chủ thể chuyển thành lệ thuộc. Vậy tại sao con người không tin vào thân xác, cảm xúc của thân xác, lắng nghe nhịp đập của trái tim đang nuôi sống thân xác bằng những dòng máu đỏ có nguồn gốc từ mặt đất, mà lại tự làm khổ mình bằng những cái do mình tạo ra. Con người hãy trở về với chính mình và bắt đầu từ chính mình: “Hỡi các anh em! Nên lắng nghe tiếng nói của thân xác lành mạnh, đó là tiếng nói chân thực thuần khiết hơn. Thân xác lành mạnh lên tiếng với nhiều thiện ý và nhiều thuần khiết hơn, thân xác toàn vẹn, đứng thẳng, thân xác ấy nói về chiều hướng và ý nghĩa của mặt đất trần gian”(15). Theo F. W. Nietzsche, nguyên nhân của sự băng hoại ý chí, đạo đức, dục tính của người đời là ở Kitô giáo. Cái gọi là văn minh ngày nay chỉ là sự phóng đại của văn minh được ban phát từ trên cao nên không phải là Nguyễn Tiến Dũng, Hoàng Đức Bình. Vấn đề tôn giáo 9 9 thực chất. Con người chạy theo ảo ảnh, ảo ảnh quay lại hành hạ con người. Cuộc sống của con người trong vòng cương tỏa của tôn giáo chẳng khác gì những chiếc đèn kéo quân. Sáng đó, bóng đó nhưng không thể là thật. Trong khi đó, các giáo chủ, các thầy dòng không ngừng thông qua rao giảng để làm thui chột đi phần người cuối cùng của người trong cuộc sinh tồn ngắn ngủi. “Người thầy tu khổ hạnh, tên phù thủy già nua trong trận chiến đấu chống lại kẻ đau khổ kia ơi! Khi làm hư hỏng con người bằng cách làm yếu hèn họ đi, hắn tuyên bố là nhờ mình mà con người trở nên tốt đẹp nhất. Đó quả là một sự suy đồi thực sự”(16). Bản thân những người truyền đạo, theo F. W. Nietzsche, cũng chỉ là những người đang sống trong mầm bệnh, vì họ là những người đeo đuổi lý tưởng khổ hạnh, chờ đợi ân sủng ở kiếp sau. Sự trớ trêu của Kitô giáo ở chỗ, người ta đang dùng chính những kẻ bệnh hoạn để canh giữ, khống chế những người mới chớm bệnh. Bởi vì, chỉ có những kẻ bị bệnh mới biết những người bắt đầu bị bệnh cần gì và làm như thế nào để bệnh có thể nặng thêm. Trong con mắt của F. W. Nietzche, tôn giáo đã mất đi ý nghĩa linh thiêng, từ biểu tượng cần hướng đến thành cái xấu xa cần loại bỏ. Có thể nói, quan điểm về tôn giáo của F. W. Nietzche không rơi vào tình trạng tiên thiên bất túc, mặc dù trong tác phẩm Zarathustra đã nói như thế, ông có ý niệm về sự quy hồi vĩnh cửu. Sự quy hồi vĩnh cửu trong chừng mực nào đó phải được xem là một lời than vãn của ông về sự ngắn ngủi của kiếp người. Vì vậy, cần phải quy hồi để có thể lặp lại nhiều lần trên mặt đất này. Xét đến cùng, đó cũng là sự tuyên chiến với tôn giáo, vì khi mọi cái đều quy hồi, thì chính quy hồi phải được hiểu là sự tái sinh, sự bừng sáng của ý chí sinh tồn trong vòng quay của nó. Bởi vậy, không ít học giả Phương Tây đã cho rằng, quy hồi là lọc bỏ, là vươn lên của ý chí sinh tồn. Khi bàn về chủ đề tôn giáo trong triết học F. W. Nietzsche, phần lớn các nhà nghiên cứu thường thắc mắc tại sao một con người vốn sùng đạo, một con chiên của Chúa lại chống Chúa một cách quyết liệt như thế. Cần khẳng định, F. W. Nietzche không phải là trường hợp cá biệt. Không ít những người trước đây vốn đầy lòng mộ đạo, thậm chí là linh mục, cũng như vậy. Nhìn vào cuộc đời F. W. Nietzsche, có thể thấy rõ, những biến cố quan trọng nhất của cuộc đời ông thường gắn với tiếng chuông nhà thờ, nhưng tiếc rằng đó lại chỉ là những sự kiện đầy ảo não, rơi lệ. Nói cách khác, mỗi lần tiếng chuông nhà thờ gióng lên, ông lại bị 10 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2014 10 tước mất những gì thân yêu, quý giá nhất của đời mình. Tiếng chuông nhà thờ với ông đã trở thành âm thanh báo tử, chia ly. Mặc cảm ấy đeo đuổi suốt cuộc đời ông. Ông đến với Chúa không phải vì lòng kính Chúa, mà đến với Chúa như một kẻ ở nhờ, tá túc để mưu sinh, kiếm chữ. Nghịch lý mà ông cảm nhận được trong những năm tháng học tập ở các nhà trường tôn giáo là tôn giáo bám rễ rất chặt ở trên mặt đất này chứ không phải tôn giáo là nhịp cầu nối giữa trần gian và thượng giới. Tôn giáo ấn định cho người ta những điều cao siêu huyền bí, nhưng hình ảnh cuộc sống của các linh mục, giám mục lại là một sự tương phản. Những cảm nhận giống như a xít bào mòn và triệt tiêu đức tin ở trong ông. Một khi đức tin đã biến mất thì ý chí được sống và sống như mình muốn trỗi dậy là một tất yếu. Nhưng từ điều đó không nên đi đến kết luận F. W. Nietzsche chống tôn giáo vì động cơ cá nhân. Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản không thể không đẻ ra những dị tật trong đời sống của con người. Giới hạn địa vị giai cấp không cho phép F. W. Nietzsche nhìn thấy những hậu quả không tránh khỏi của chế độ tư hữu đang hành hạ con người. Ông đã truy tìm nguyên nhân của những tệ nạn đó ở tôn giáo. Bởi thế, có thể chấp nhận quan điểm của Felicien Challaye một học giả người Đức là: F. W. Nietzsche đến với tôn giáo vì cuộc sống và cũng vì cuộc sống mà F. W. Nietzsche chống tôn giáo. Quan niệm về tôn giáo của F. W. Nietzsche có thể được xem là một triết lý mới về tôn giáo ở Phương Tây. Điều này không đồng hành với việc F. W. Nietzsche đã tạo ra một bước ngoặt trong việc giải quyết vấn đề tôn giáo, thậm chí một cái nhìn mới về tôn giáo, mà chỉ dừng lại ở chỗ, tính chất quyết liệt của việc chống tôn giáo. Trước F. W. Nietzsche đã có nhiều người chống tôn giáo. Nhiều người đã vạch trần sự ảo ảnh trong phản ánh hiện thực của tôn giáo, nhất là các nhà triết học duy vật Pháp thời Cận đại, nhưng mạnh dạn và quyết liệt như F. W. Nietzsche là chưa từng có. Ông tuyên bố, Thượng Đế đã chết; tôn giáo là nguyên nhân dẫn con người đến thảm bại; tôn giáo là kẻ khổng lồ dị dạng truyền bá dịch bệnh cho xã hội. Vì vậy, tôn giáo cần phải được loại bỏ ra khỏi đời sống của con người. Những luận điểm này không ít thì nhiều thể hiện tấc lòng của ông mong mỏi đời sống của con người có ý nghĩa hơn trong cuộc sinh tồn ngắn ngủi, là lực đẩy để con người vượt qua những rào cản, giới hạn đang bó buộc mình để gặt hái hạnh phúc ngay trên mặt đất. Nguyễn Tiến Dũng, Hoàng Đức Bình. Vấn đề tôn giáo 11 11 Giống như nhiều nhà triết học khác, F. W. Nietzsche giải thích tôn giáo là sự nhận thức non nớt của con người. Con người tạo ra tôn giáo rồi lại bị tha hoá vì cái mình đã tạo ra. F. W. Nietzsche không nhìn thấy nguyên nhân xã hội của vấn đề tôn giáo, càng không biết tôn giáo là nhu cầu tâm lý trong xã hội tồn tại những bất công nghịch lý, nên ông chỉ dừng lại ở mức độ chỉ trích, kiểm điểm tôn giáo. Theo K. Marx, kiểm điểm tôn giáo chỉ là điều kiện chứ không phải là những giải pháp về vấn đề tôn giáo. Từ lập trường duy vật biện chứng, chúng ta ghi nhận những quan niệm về tôn giáo của F. W. Nietzsche thể hiện trong tác phẩm Zarathustra đã nói như thế. Mặc dù còn nhiều hạn chế, nhưng những quan niệm này của ông đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong đánh giá về tôn giáo ở Phương Tây. “Thượng Đế đã chết” trở thành một triết lý về ý nghĩa cuộc sống của người Phương Tây hiện đại, ảnh hưởng sâu rộng trong văn học và học thuật. Sau F. W. Nietzsche, Thượng Đế đã mất đi sự bất tử, độc tôn trong sự phán xét, sức mạnh của con người được nhân lên, bởi trong tính thụ động của nó, con người đã có các quyền phán xét Thượng Đế, một việc chưa từng có trong lịch sử. F. W. Nietzsche đã tạo ra tiền lệ ấy. Vai trò của ông là người mở đường, như Lỗ Tấn nhà văn Trung Quốc đã từng nói về sự hình thành những con đường: “Nhiều người đi thì trở thành đường, nhưng bao giờ cũng cần phải có người đi đầu tiên”. Ý nghĩa của vấn đề chính là ở chỗ đó. Triết học F. W. Nietzsche nói chung và quan niệm về tôn giáo của ông nói riêng không được xã hội Phương Tây chấp nhận, nhất là khi chủ nghĩa phát xít đã tôn vinh F. W. Nietzsche là nhà lý luận tiền bối cho dù ông là người có tư tưởng chống bài Do Thái và chủ nghĩa dân tộc Đức. Vấn đề này dường như đã làm tốn không ít giấy mực của các học giả Phương Đông và Phương Tây. Chủ nghĩa phát xít đã khai thác những quan niệm hư vô trong tư tưởng của F. W. Nietzsche về giá trị văn hóa và tôn giáo. Trong quan niệm về tôn giáo, F. W. Nietzsche có thái độ phủ định sạch trơn nên không thấy được Kitô giáo nói riêng và tôn giáo nói chung, bên cạnh những vấn đề về mặt học thuật và khoa học cần phải xem xét, còn là thành tố khó có thể thiếu trong phần lớn đời sống của Phương Tây. Nói cách khác, tôn giáo đã trở thành văn hóa, một phần bảng giá trị của Phương Tây. Trong chừng mực nào đó, tôn giáo còn được thừa nhận là vitamine của nhân dân(17). 12 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 1 - 2014 12 Mọi tôn giáo có một điểm chung là bằng những cách khác nhau đều hướng tín đồ của mình đến điều thiện, tìm đến sự khoan dung. Vì vậy, cần có quan điểm phát triển và lịch sử cụ thể khi xem xét vấn đề tôn giáo, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là một mẫu mực về việc xem xét này./. CHÚ THÍCH: 1. F.W. Nietzsche (1999), Zarathustra đã nói như thế, Nxb. Văn học, Hà Nội. 2. F.W. Nietzsche (1999), Zarathustra đã nói như thế, sách đã dẫn: 29. 3. F.W. Nietzsche (1999), Zarathustra đã nói như thế, sách đã dẫn: 6. 4. F.W. Nietzsche (1999), Zarathustra đã nói như thế, sách đã dẫn: 6. 5. F.W. Nietzsche (1999), Zarathustra đã nói như thế, sách đã dẫn: 30 - 31. 6. Nguyễn Tiến Dũng (2009), Lịch sử triết học Phương Tây, Nxb. Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh: 352. 7. Nguyễn Tiến Dũng (2009), Lịch sử triết học Phương Tây, sách đã dẫn: 358. 8. Tư tưởng đó của F.W. Nietzsche đã được chủ nghĩa hiện sinh sau này kế thừa với quan niệm: tôi là thân xác tôi 9. Trước đó, nhà triết học người Pháp René Descartes (1596 - 1650) cũng quan niệm như vậy. 10. F.W. Nietzsche (1999), Zarathustra đã nói như thế, sách đã dẫn: 31. 11. F.W. Nietzsche (1999), Zarathustra đã nói như thế, sách đã dẫn: 63. 12. F.W. Nietzsche (1999), Zarathustra đã nói như thế, sách đã dẫn: 67. 13. F.W. Nietzsche (1999), Zarathustra đã nói như thế, sách đã dẫn: 63. 14. Krishnamurti: Cuộc đời và Tư tưởng - Dòng sông thanh tẩy, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2002: 18. 15. F.W. Nietzsche (1999), Zarathustra đã nói như thế, sách đã dẫn: 67. 16. F.W. Nietzsche (1999), Zarathustra đã nói như thế, sách đã dẫn: 129. 17. Xin xem Mỹ - Âu - Nhật: văn hóa và phát triển, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Tiến Dũng (2009), Lịch sử triết học Phương Tây, Nxb. Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh. 2. Krishnamurti: Cuộc đời và Tư tưởng - Dòng sông thanh tẩy, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2002. 3. Mỹ - Âu - Nhật: văn hóa và phát triển, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003. 4. F.W. Nietzsche (1999), Zarathustra đã nói như thế, Nxb. Văn học, Hà Nội. Nguyễn Tiến Dũng, Hoàng Đức Bình. Vấn đề tôn giáo 13 13 Abstract A MATTER OF RELIGION IN THE BOOK “ALSO SPRACH ZARATHUSTRA” (THUS SPOKEN ZARATHUSTRA) BY FRIEDRICH WILHELM NIETZSCHE Editor’s note: In studying religion there are many approaches to sacredness. Many scholars in the world have shown their opinions when analyzing and criticizing manifestation of sacredness of religions. The book “Also sprach Zarathustr” (Thus spoken Zarathustr) by the famous German thinker Friedrich Wilhelm Nietzsche also dealt with the sacredness of religions. Because of contemporary condition, F. W Neitzsche only paid attention to Christianity. Religious Studies Review presents an article “Religious matter in the book “Also sprach Zarathustra” (Thus spoken Zarathustra) by Friedrich Wilhelm Nietzs” by two researchers Nguyễn Tiến Dũng and Hoàng Đức Bình to contribute to the discussion on religious matter. Friedrich Wilhelm Nietzsche (1844 - 1900) was a famous German thinker. His best book was “Also sprach Zarathustra” (Thus spoken Zarathustra). In this book, he dealt with questions that are still topical ones. These questions were the value and the true significance of life. In order to make clear these questions, he explained many issues relating to religion. His opinion about religion in “Also sprach Zarathustra” was shock to the West. This article presents F. W. Nietzsche’s opinion on religious matter in “Also sprach Zarathustra”. Key words: Religious matter, “Also sprach Zarathustra” (Thus spoken Zarathustra), Friedrich Wilhelm Nietzsche.
File đính kèm:
- van_de_ton_giao_trong_tac_pham_zarathustra_da_noi_nhu_the_cu.pdf